Lo mất giống quýt bản địa thơm ngon nức tiếng, Bắc Kạn tìm cách khôi phục

Lam Chi Thứ năm, ngày 18/11/2021 14:22 PM (GMT+7)
Với lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cho việc phát triển các loài cây có múi, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn đang nỗ lực bảo vệ giống quýt đặc sản bản địa và phát triển bền vững vùng cam, quýt của địa phương.
Bình luận 0

Cây cam, quýt hiện đang là cây chủ lực, cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp của huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Nhiều xã của huyện Bạch Thông về đích nông thôn mới nhờ vào giá trị kinh tế từ cây có múi bản địa.

Huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn) nỗ lực phát triển vùng cam, quýt đặc sản - Ảnh 1.

Vườn quýt được trồng theo hướng VietGAP của hộ gia đình ông Ma Văn Thông tại thôn Bản Pè (xã Dương Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn). Ảnh: Chiến Hoàng

Ông Bế Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Dương Phong cho biết, đặc điểm điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Dương Phong rất thuận lợi cho phát triển các loại cây có múi, đặc biệt là cây quýt bản địa.

"Hiện nay, người dân trong xã không chỉ trồng cây cam, quýt theo cách truyền thống mà đã bắt đầu có sự thay đổi tư duy khi thực hiện trồng cây có múi theo quy trình VietGAP. Điều này giúp sản phẩm cam, quýt tại địa phương tiêu thụ tốt hơn khi cho ra được sản phẩm chất lượng, an toàn", ông Trường cho biết thêm.

Tuy huyện Bạch Thông có lợi thế và đã hình thành các vùng chuyên canh cây có múi, vậy nhưng có một thực tế, nhiều diện tích cam, quýt của huyện Bạch Thông đã bị thoái hóa, cho năng suất thấp, đòi hỏi có giải pháp khắc phục để phát triển bền vững.

Trước tình hình đó, huyện Bạch Thông cũng như các sở, ngành liên quan của tỉnh Bắc Kạn đã nỗ lực trong việc bảo vệ giống quýt bản địa (quýt Quang Thuận) và phát triển bền vững vùng cam, quýt trên địa bàn huyện.

Huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn) nỗ lực phát triển vùng cam, quýt đặc sản - Ảnh 2.

Hội thảo đề xuất giải pháp phát triển vùng cây cam, quýt huyện Bạch Thông ngày 11/11. Ảnh: Xuân Nghiệp

Ông Đinh Quang Hưng, Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông cho biết, toàn huyện hiện có 1.405ha cây quýt, 340ha cây cam, cho sản lượng khoảng 14.000 - 16.000 tấn. Cam, cây quýt bản địa đang là cây chủ lực trong phát triển kinh tế nông – lâm nghiệp tại địa phương.

"Huyện Bạch Thông có hẳn một Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển cây cam, quýt bản địa. Trước nguy cơ thoái hóa về giống của cây quýt bản địa, huyện Bạch Thông đang đánh giá lại và xây dựng kế hoạch cụ thể, từ khâu giống đến khâu canh tác cây cam quýt.

Chúng tôi đã tổ chức một số hội thảo để đánh giá, gần đây nhất là hội thảo đánh giá, đề xuất phát triển vùng cây cam, quýt với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, các sở, ngành chuyên môn của tỉnh, lãnh đạo một số địa phương vùng trọng điểm cam, quýt...", Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông thông tin.

Huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn) nỗ lực phát triển vùng cam, quýt đặc sản - Ảnh 3.

Tiến sĩ Lê Xuân Vị (người đứng trong ảnh), chuyên gia của Viện Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tại hội thảo đề xuất giải pháp phát triển vùng cây cam, quýt huyện Bạch Thông ngày 11/11. Ảnh: Xuân Nghiệp

Được biết, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã phân tích và đánh giá cây quýt Quang Thuận (cây có múi bản địa) có những đặc điểm, giá trị riêng biệt với những lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng.

Tuy nhiên hiện nay, nhiều diện tích quýt Quang Thuận đã đến cuối chu kỳ sinh trưởng nên ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Vấn đề phá vỡ quy hoạch và nguy cơ mai một dòng quýt bản địa cũng được phân tích làm rõ.

Huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn) nỗ lực phát triển vùng cam, quýt đặc sản - Ảnh 4.

Ông Đinh Quang Hưng, Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông khi nói về phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp tại huyện Bạch Thông. Ảnh: Chiến Hoàng

"Nhiều giải pháp phát triển bền vững vùng cam, quýt của huyện Bạch Thông, trong đó có nhóm giải pháp về quản lý nhà nước mà cụ thể là công tác quy hoạch vùng; nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; nhóm giải pháp về quảng bá nông sản gắn với chuyển đổi số đã được đưa ra.

Các nhóm giải pháp về kỹ thuật bao gồm: Phục tráng giống cây có múi bản địa, thâm canh, tái canh, bảo quản sản phẩm… phát triển song hành diện tích cam, nhất là cây cam sành bởi loại cây trồng này có nhiều ưu thế và dư địa phát triển, được nhiều chuyên gia đề xuất chính là cơ sở để huyện Bạch Thông phát triển bền vững vùng cây ăn quả có múi của huyện", Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem