Loại bánh có từ thế kỷ 17 với hương vị gây thương nhớ cho du khách mỗi khi đến Hội An

Thứ hai, ngày 10/01/2022 06:15 AM (GMT+7)
Từ lâu đời với người dân Hội An "Tét, tổ, nổ, in" là 4 loại bánh không thể thiếu trong các dịp lễ, tết. Ở Hội An không những người Việt làm được loại bánh tổ này mà người Hoa cũng làm được.
Bình luận 0

Nguồn gốc ly kỳ của bánh tổ Hội An

Bánh tổ xuất hiện trên đất Hội An khá lâu, có lẽ do cùng thời với sự hình thành các khu phố cổ, được người Hoa du nhập từ thế kỷ 16 – 17 và tồn tại cho đến ngày nay. Bánh tổ cùng với món cao lầu là hai món ăn truyền thống, đặc trưng cho " văn hóa ẩm thực" phố cổ Hội An từ hàng trăm năm qua.

Hương vị gây thương nhớ của bánh tổ Hội An - Ảnh 1.

Chiếc bánh tổ thơm ngon ở Hội An. Ảnh: chiecthiavang.com

Có người cho rằng, ban đầu chiếc bánh có tên gọi là "lùng kú" do những người Hoa gốc Minh Hương tạo ra, cũng có giả thuyết cho rằng thời Quang Trung cũng đã làm loại bánh này để mang theo khi hành quân xa và giả thuyết khác thì nói món bánh này có nguồn gốc từ miền Bắc Việt Nam (Hải Phòng có loại bánh Uôi, được làm từ những nguyên liệu và hình thức tương tự bánh tổ, người ta cho là do tổ mẫu Âu Cơ truyền dạy).

Cách làm bánh tổ Hội An đúng điệu

Cũng như bánh tét, bánh chưng, bánh tổ được nấu trước ngày Tết. Nguyên liệu gồm có nếp và đường. Nếp phải chọn loại nếp thật tốt, phơi thật khô rồi đem xay thành bột. Bột nếp và đường đem "sên" cho thật kỹ, lọc bỏ hết tạp chất rồi thêm vào chút nước gừng tươi để làm tăng hương vị. 

Sau đó cho bột vào chiếc khuôn đan bằng nan tre trông như rọ có đường kính chừng 10 – 15 cm, bên trong có lót sẵn lớp lá chuối khô. Bánh được gói lại và dùng tăm tre ghim kín các mép lá. Mỗi bánh cân nặng chừng 500 gam.

Hương vị gây thương nhớ của bánh tổ Hội An - Ảnh 2.

Bánh được xếp vào nồi hấp ngay ngắn. Ảnh: baoquangnam

Bánh tổ đem hấp chín, vớt ra để nguội rồi cất vào nơi thoáng mát. Tùy theo bột và đường sên mà bánh có nhiều màu khác nhau, từ màu trắng đục cho đến màu ngà hay nâu nhạt và giá cả có chênh lệch ít nhiều. Đặc trưng của bánh tổ Hội An là vừa dai vừa dẻo, hương vị đậm đà thơm ngon, có thể để được lâu mà không sợ bị ẩm mốc. 

Khi ăn, có người thích cứ lấy cái bánh tổ xắt ra từng miếng và ăn ngay. Có người lại thích nướng trên bếp than hồng cho mềm đi rồi mới ăn. Nhưng cách nhiều người thích nhất là xắt miếng và chiên với dầu phụng (dầu đậu phộng). Miếng bánh tổ béo ngậy, thơm lừng mùi đường, mùi gừng, mùi nếp. Bỏ miếng bánh tổ vào miệng, nhai và nuốt đến đâu cảm giác vị ngọt, thanh lan tỏa đến đó.

Hương vị gây thương nhớ của bánh tổ Hội An - Ảnh 3.

Bánh tổ chiên béo ngậy. Ảnh: vntrip.vn

Ở Quảng Nam có nhiều nơi chuyên làm bánh tổ để cung ứng cho thị trường ngày Tết nhưng bánh ngon, có giá trị xưa nay vẫn là bánh làm ở Hội An. Chính vì vậy mà các hàng bánh ở phố Hội vào những ngày sắp Tết luôn luôn thu hút người đi mua sắm. Trước đây, loại bánh này chỉ được làm vào dịp Tết nhưng hiện nay do nhu cầu thưởng thức của thực khách ngày càng nhiều, vì vậy, khi đến thăm phố cổ Hội An bạn vẫn có thể tìm thấy loại bánh tổ Hội An, món ngon Hội An đậm đà lạ miệng.

Hương vị gây thương nhớ của bánh tổ Hội An - Ảnh 4.

Làng bánh tổ tất bật ngày tết. Ảnh: laodong.vn

Vào ngày 23.12 âm lịch, trong các thứ bánh trái đặt lên bàn thờ tiễn ông Táo về trời của người Quảng Nam - Đà Nẵng không thể thiếu món bánh tổ. Thứ bánh như là cái cớ để nhắc nhở nhau về nguồn cội "chim có tổ, người có tông". Có lẽ cũng bởi thế mà dù bị bao nhiêu loại bánh kẹo công nghiệp lấn át nhưng bánh tổ Hội An vẫn sống mãi cùng quê hương mỗi độ Xuân về, Tết đến.

Phải chăng, ổ bánh tổ giản dị, mộc mạc đã lặng lẽ trở thành một phần hồn của người dân Quảng Nam, để đến nỗi dù đi khắp năm châu, người ta vẫn muốn giữ lấy một phần hồn quê bên cạnh?

Hoàng Hoài (Tổng hợp)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem