Săn loài côn trùng xấu hoắc thành "của ngon vật lạ", khách thưởng thức mà đổ cả mồ hôi ở Nghệ An

Hà Thủy Thứ ba, ngày 09/08/2022 06:43 AM (GMT+7)
Mỗi độ thu về, người dân xã Nghĩa Lộc (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) lại rủ nhau đi bắt dế rừng - loài côn trùng có "ngoại hình" xấu hoắc. Từ món ăn dân dã của người bản địa, dế rừng trở thành đặc sản lạ miệng có vị giòn rụm, béo ngậy, thơm ngon, hút khách tìm mua.
Bình luận 0

Dế rừng không chỉ là món ăn khoái khẩu trong bữa ăn hàng ngày của người dân nơi đây, mà đã trở thành đặc sản của vùng quê Nghĩa Lộc, len lỏi vào các quán nhậu khắp Bắc chí Nam.

Săn dế rừng, bỏ túi tiền triệu

Một ngày đầu tháng 8, chúng tôi theo chân hai thợ săn Hà Văn Phúc và Lương Văn Hải ở xóm Khe Sài 2, xã Nghĩa Lộc (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) đi săn dế rừng. Để bắt được dế rừng, người săn dế phải men theo các con suối tiến sâu vào cánh rừng già. Sau khoảng một giờ đồng hồ đi bộ, chúng tôi dừng chân nghỉ tạm dưới chân một con suối.

Theo chân thợ săn đi bắt dế rừng kiếm tiền triệu mỗi ngày - Ảnh 1.

Hàng trăm con dế rừng bâu kín quanh miệng tổ. Ảnh: Hà Thủy

Uống tạm ngụm nước, anh Hà Văn Phúc động viên anh em: "Mọi người tranh thủ nghỉ ngơi lấy sức, lát nữa phải leo lên rừng nứa khá xa để tìm tổ dế. Mấy hôm trước vợ tôi đi hái măng thấy có dế, nhưng chưa có thời gian tìm tổ. Tổ dế chỉ quanh quẩn gần đó thôi. Dế nó đậu ngoài cây rỗng ruột hoặc hang hốc đá mô gần đó thôi".

Theo chân thợ săn đi bắt dế rừng kiếm tiền triệu mỗi ngày - Ảnh 2.

Để bắt được dế rừng thợ săn phải bịt các hốc tổ phụ lại sau đó lùa dế xuống cửa tổ chính. Ảnh: Hà Thủy

Sau khoảng 15 phút nghỉ ngơi, chúng tôi bắt đầu leo lên cánh rừng nứa phía trên. Sau đó mỗi người chia nhau một ngả tìm tổ dế rừng. Khoảng 30 phút sau, anh Hải í ới gọi chúng tôi thông báo cho biết đã tìm thấy tổ dế. Tổ dế này làm ở một cây rỗng ruột cao tầm 5 mét, có tới hàng trăm con dế đang bâu quanh tổ, tạo thành một màu đen kịt…

Theo chân thợ săn đi bắt dế rừng kiếm tiền triệu mỗi ngày - Ảnh 3.

Một chiếc màn được chế tạo buộc quanh tổ chính để lùa dế rừng ra. Ảnh: Hà Thủy

Rất nhanh chóng, hai thợ săn dế đã nhanh chóng dùng dao chặt cây lứa buộc vào chiếc màn căng trước tổ dế để bắt dế.

Dụng cụ bắt dế rừng cũng khá đơn giản, đó là những chiếc túi được làm bằng chiếc bao tải, cùng lớp màn cũ, túi lưới và một ít nước uống cùng dao đi rừng.

"Do dế rừng ở cây cao bám vào các nhánh, nên mình phải dùng lứa buộc vào màn giống như một cái túi to rồi kéo chụp vào các nhánh cho dế rơi vào trong. Chỉ cần chụp màn nhẹ, không được quá mạnh tạo tiếng động lớn là nó nhảy hết…", anh Phúc nói.

Dế rừng bâu kín quanh tổ. 

Sau khi chụp màn bắt dế rừng, thợ săn dế nhanh chóng dùng túi lưới buộc vào miệng hốc cây nằm sát đất. Tiếp đó, thợ săn dùng một cây gậy thò từ hốc trên khoắng xuống dọc thân cây, những con dế rừng thấy động nhảy loạn xạ chui ra dưới hốc cây lọt vào chiếc túi lưới. Thợ săn dế chỉ việc buộc túm đầu túi lưới cho vào bao tải để đưa về.

Theo chân thợ săn đi bắt dế rừng kiếm tiền triệu mỗi ngày - Ảnh 6.

Dế rừng được gom lại chuyển vào bao tải. Ảnh: Hà Thủy

Theo anh Phúc, việc bắt dế rừng tùy thuộc vào địa hình dế ở mà có phương pháp bắt sao cho đúng không để dế rừng nhảy mất. Dế rừng không chỉ làm tổ ở các hốc cây rỗng ruột, chúng còn làm ở các tổ mối, hố khoai mài hay những giếng nước bỏ hoang ở trong rừng, đồi keo. Đối với các tổ dế rừng ở thấp dưới đất trong các ổ mối chỉ việc dùng khò ga mini hoặc đốt đuốc thổi khói vào cho dế bị ngạt. Sau đó, dùng cuốc khơi tổ ra rồi bắt. Còn ở giếng cũ hay các hốc cây thì dùng màn chụp sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Theo chân thợ săn đi bắt dế rừng kiếm tiền triệu mỗi ngày - Ảnh 7.

Sau nhiều giờ đồng hồ, hàng chục kg dế rừng chiến lợi phẩm đã được gom lại chuyển về nhà. Ảnh: Hà Thủy

Dế rừng được giá

Cứ đến mùa dế rừng, các thương lái địa phương lại gọi điện cho các mối thợ săn như anh Phúc, anh Hải để đặt hàng, gom hàng. Chỉ những người ở trong các bản, làng hay đi rừng thì dễ thấy tổ dế hơn. Khi bắt được tổ dế rừng các thợ săn sẽ gọi điện cho thương lái đến thu mua ngay khi đưa dế về đến nhà. Dế để lâu trong các túi sẽ chết, dễ bị nát thì không được giá cao.

Theo chân thợ săn đi bắt dế rừng kiếm tiền triệu mỗi ngày - Ảnh 8.

Thợ săn dế vui vẻ gánh chiến lợi phẩm về nhà. Ảnh: Hà Thủy

"Đầu mùa giá dế rừng dao động ở mức cao từ 300.000 – 350.000 đồng/kg, khi nhiều người đi săn thì giá dế lại xuống thấp hơn một tí từ 200.000 – 300.000 đồng/kg. Ngày nào may mắn gặp được tổ nặng hơn 10kg dế rừng như hôm nay thì mỗi người cũng được hơn triệu bạc. Hôm nào được ít thì 3kg – 5kg dế cũng được khoảng 600.000 – 800.000 đồng. Gia đình cũng thường để lại một ít để làm thức ăn cũng như đồ nhậu chứ không bán hết", anh Phúc nói.

Theo chân thợ săn đi bắt dế rừng kiếm tiền triệu mỗi ngày - Ảnh 9.

Những con dế to, béo ngậy chuẩn bị chờ thương lái đến thu mua. Ảnh: Hà Thủy

Cũng theo anh Phúc, dế rừng được phân thành hai loại: dế rừng được cắt càng sau và làm sạch ruột có giá cao hơn; còn dế để nguyên con chưa được làm sạch có giá thấp hơn.

Theo chân thợ săn đi bắt dế rừng kiếm tiền triệu mỗi ngày - Ảnh 10.

Dế rừng được sơ chế qua chờ thương lái đến thu mua. Ảnh: Hà Thủy

Dế rừng giống con dế mèn nhưng có râu và chân dài, ở hai càng sau có gai như lưỡi cưa rất sắc nhọn.

Bà Lục Thị Xuân- một thương lái chuyên thu mua dế rừng trên địa bàn xã Nghĩa Lộc cho biết: "Cứ đến mùa mình hay gọi điện cho các mối để gom hàng đưa xuống các quán nhậu dưới Vinh. Đặc biệt là người quen làm việc ở các khu công nghiệp ngoài Bắc đã được thưởng thức dế rừng nên đến mùa họ muốn ăn nên gọi điện đặt hàng. Giá dế đầu mùa nếu chưa được làm sạch ruột thì 300.000 đồng/kg, còn đã làm sạch ruột và cắt càng sau thì 350.000 đồng/kg. Nếu có nhiều hàng từ các thợ săn giá sẽ giảm đi chỉ còn 200.000 -300.000 đồng/kg".

Theo chân thợ săn đi bắt dế rừng kiếm tiền triệu mỗi ngày - Ảnh 11.

Không chỉ là món ăn trong bữa ăn hàng ngày, dế rừng trở thành đặc sản được chuyển đi khắp các quán nhậu trên cả nước. Ảnh: Hà Thủy

Dế rừng trước khi nấu phải được sơ chế sạch ruột và phần càng sau. Ruột dế chỉ cần giữ thân dế rồi tút nhẹ đầu dế ra rồi vứt đi phần ruột. Càng sau dế có gai sắc nhọn như lưỡi cưa nếu ăn phải dễ bị mắc họng, chỉ cần dùng kéo hoặc tay vặt đi là được. Người dân nơi đây thường chế biến dế rừng thành các món như: rang giòn, rang lá chanh hoặc nấu với măng chua... Dế rừng có nhiều chất đạm, khi ăn có vị béo, thơm, rất bổ dưỡng cho cơ thể.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem