Loại lá xưa bỏ đi chả ai ngó ngàng tới nay thành đặc sản giàu vitamin, chinh phục thực đơn nhà hàng hạng sang

Nguyên An Thứ hai, ngày 25/09/2023 05:16 AM (GMT+7)
Từng là loại lá chẳng ai biết tới thậm chí là chỉ để bỏ đi nhưng dần dần loại lá này lại trở thành món ăn đặc sản được nhiều người ưa thích. Không những thế, loại lá này còn xuất hiện trong các nhà hàng sang trọng, chế biến thành nhiều món lạ miệng, hấp dẫn. Đó chính là lá sắn.
Bình luận 0

1. Công dụng của lá sắn

Theo The Althbenefitsof, lá sắn (khoai mì) là một loại rau xanh giàu chất đạm, thường được chế biến thành các món ăn dân dã như lá sắn xào tỏi, luộc, muối chua … Dưới đây là những lợi ích sức khỏe to lớn mà chúng ta có thể nhận được khi ăn lá sắn thường xuyên.

Loại lá xưa bỏ đi chả ai ngó ngàng tới nay thành đặc sản giàu vitamin, chinh phục thực đơn nhà hàng hạng sang - Ảnh 1.

Rau sắn sau khi hái thu hoạch, được chọn lá ngọn, non. Ảnh: Hoan Nguyễn

Lá sắn giúp tăng cường khả năng miễn dịch

Trong lá sắn có chứa một lượng lớn vitamin C và folate, hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch. Vitamin C giúp tiêu diệt vi khuẩn và vi rút. Folate giúp tăng cường sản xuất tế bào bằng cách hỗ trợ vật chất di truyền cho sự sống và tránh đột biến DNA.

Lá sắn giúp tăng cường hoạt động trao đổi chất của cơ thể

Ngoài nguồn protein dồi dào, trong lá sắn còn có vitamin B để tạo thành các enzym, giúp quá trình trao đổi chất của cơ thể diễn ra ổn định.

Trong lá sắn có chứa chất chống oxy hóa dồi dào

Là một nguồn cung cấp chất chống oxy hóa, lá sắn có lợi ích sức khỏe tuyệt vời trong việc ngăn ngừa và loại bỏ các gốc tự do trong cơ thể. Các gốc tự do là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh nguy hiểm như ung thư và có thể dẫn đến lão hóa sớm.

Lá sắn giúp cung cấp năng lượng và giúp tái tạo tế bào

Hàm lượng các loại protein và axit amin trong lá sắn góp phần tăng năng lượng hữu ích trong cơ thể. Các axit amin thiết yếu trong lá sắn chuyển hóa carbohydrate thành năng lượng cần thiết, giúp chữa lành các tế bào bị tổn thương và thúc đẩy việc tái tạo các tế bào của cơ thể hoạt động trơn tru.

Loại lá xưa bỏ đi chả ai ngó ngàng tới nay thành đặc sản giàu vitamin, chinh phục thực đơn nhà hàng hạng sang - Ảnh 2.

Các hộ dân ở xã Thụy Liễu trồng sắn theo qui cách chuẩn.

Lá sắn giúp ngăn ngừa chứng suy dinh dưỡng phù nề

Khi cơ thể trẻ em thiếu protein sẽ dẫn đến mắc chứng suy dinh dưỡng phù nề. Lá sắn rất giàu protein, vì vậy, bổ sung loại rau này vào thực đơn hàng ngày sẽ giúp ngăn ngừa căn bệnh suy dinh dưỡng phù nề ở trẻ em.

2. Lá sắn có thể chế biến những món gì ngon gì?

Rau sắn muối chua, hay còn gọi là dưa lá sắn, là món ăn dân dã ở vùng quê Phú Thọ thời còn đói nghèo, hiện nay đã trở thành món đặc sản nhiều người ưa thích với vị chua chua, ngậy ngậy, hơi chan chát, nấu ra rất nhiều món ăn.

Những tưởng chỉ có củ sắn mới ăn được, ai ngờ lá sắn cũng là một loại rau ngon, đem muối thành món dưa chua đậm đà, thơm ngon, món này là món ăn quen thuộc và đặc trưng ở tỉnh Phú Thọ.

Rau sắn để muối chua chỉ dùng lá sắn được trồng ở các bờ rào hoặc bờ ruộng, chứ không lấy lá của cây sắn trồng lấy củ, vì những lá sắn mọc ở bờ bụi rất non và mềm. Người dân đi hái những ngón sắn có khoảng 2 đến 3 lá bánh tẻ kèm theo, ngọn to, mập mạp, còn nguyên lớp phấn mịn phía đầu chồi.

Loại lá xưa bỏ đi chả ai ngó ngàng tới nay thành đặc sản giàu vitamin, chinh phục thực đơn nhà hàng hạng sang - Ảnh 3.

Đặc sản lá sắn muối chua của tỉnh Phú Thọ.

Dưới đây là một số món ăn ngon được chế biến từ lá sắn: 

* Nộm lá sắn

Nguyên liệu gồm: lá sắn, cà dại, lạc rang hoặc vừng. Các gia vị sả, tỏi, ớt, giềng, muối mắm…

Chế biến:

Bước 1: Lấy rau sắn tước lấy ngọn cho vào luộc khoảng 10 phút. Loại cà dại cũng mang ra luộc khoảng 7 phút.

Bước 2: Sả, ớt, tỏi, riềng… đập dập và thái nhỏ, lạc giang giã nhỏ.

Bước 3: Rau sắn sau khi luộc xong để nguội, vắt hết nước rồi dùng kéo cắt thành các khúc vừa miếng. Cà dại sau khi luộc, để nguội cũng giã vỡ ra. Cuối cùng cho tất cả vào trộn đều, nêm gia vị vừa đủ là thưởng thức được.

Loại lá xưa bỏ đi chả ai ngó ngàng tới nay thành đặc sản giàu vitamin, chinh phục thực đơn nhà hàng hạng sang - Ảnh 4.

* Rau lá sắn kho cá

Nguyên liệu gồm 1kg ngọn sắn, cá, củ hành, 50gr tóp mỡ và các gia vị khác như dầu ăn, muối, mì chính…

Chế biến:

Bước 1: Rửa sạch, ngắt bỏ những đoạn già, ngâm chút muối khoảng 10'. Chuẩn bị nước để muối rau sắn: 2 lít nước, thêm 4 muỗng cafe muối. Cho rau đã rửa sạch vào nước muối, đậy kín, chờ 3 -4 ngày để lên men chua.

Bước 2: Cá rửa sạch, cắt khúc sao phù hợp rồi ướp gia vị muối mắm, dầu ăn, mì chính.

Bước 3: Vớt rau sắn đã muối chua vắt hết nước. Sau đó xếp một lớp rau, một lớp cá rồi lại 1 lớp rau. Để cho thơm, mọi người nên phi hành củ rồi cho vào.

Bước 4: Cho nước ngâm san san mặt rau, cho 2 muỗng canh dầu ăn, tóp mỡ lên trên mặt và kho trong 2h với lửa riu riu cho tới khi khô.

Loại lá xưa bỏ đi chả ai ngó ngàng tới nay thành đặc sản giàu vitamin, chinh phục thực đơn nhà hàng hạng sang - Ảnh 5.

* Rau lá sắn xào thịt ba chỉ

Nguyên liệu: 1 bát rau sắn muối chua, 500gr thịt lợn 3 chỉ hoặc chọn vai; Tỏi, bột canh, hạt nêm, dầu hào, mì chính, tiêu, đường.

Chế biến:

Bước 1: Lá sắn muối chua rửa sạch bằng nước cho hết chua rồi vắt sạch nước. Thịt lợn luộc qua với 1 chút muối rồi thái nhỏ; cho mỡ vào rán vừa lấy phần tóp mỡ. Nên rán vừa phải để tóp mỡ không bị cháy khét.

Bước 2: Cho chút mỡ đun nóng, đập dập băm nhỏ 1 củ tỏi, phi thơm rồi cho lá sắn vào xào, thêm gia vị bột canh, dầu hào, thìa đường, mì chính để thêm đậm đà. Rau sắn càng đun kỹ, càng nhừ càng ngon.

Bước 3: Khi rau sắn đã gần săn, cho tóp mỡ vào đảo đều cho ngấm gia vị là hoàn thành.

Loại lá xưa bỏ đi chả ai ngó ngàng tới nay thành đặc sản giàu vitamin, chinh phục thực đơn nhà hàng hạng sang - Ảnh 6.

* Rau lá sắn xào tỏi

Bước 1: Rau sắn sau khi nhặt, rửa sạch cho vào nồi nước đun sôi chần khoảng 3 phút rồi vớt ra, cho vào thau nước lạnh. Nước cần đun thật sôi hãy cho vào chần để tránh lá bị vàng, dễ nhũn nát.

Bước 2: Sau khi lá sắn đã chần, cho thêm muối vào vò, rửa lại như khi làm dưa. Tiếp đó cho dầu mỡ vào chảo, đun nóng rồi cho lá sắn đã trộn gia vị vào đảo. Đảo liên tục cho tới khi rau xoăn tít, lá sắn chuyển sang màu nâu nhạt và khô là được.

Bước 3: Đập dập tỏi cho vào trộn đều là được.

Món rau sắn xào tỏi ăn khá hấp dẫn với vị chua chua, thơm của tỏi cùng rau. Vị của món ăn này ngon chẳng kém các loại rau xào tỏi khác như su su, rau lang, rau muống… mà hương vị lạ miệng. Bạn thử ăn một lần sẽ khó thể quên.

* Rau lá sắn muối chua

Dùng tay vò thật kỹ rổ rau cho ra hết nhựa, nếu không sẽ bị đắng, sau đó rửa nhiều lần tới khi nào nước không còn đục. Để rau ráo nước rồi cho vào chum muối như dưa muối khoảng 4-5 ngày chua là ăn được. Lá sắn muối chua rất đặc biệt vì có mùi ngai ngái, nồng nồng kèm với vị chua chua, bùi bùi ăn rất ngon miệng.

Loại lá xưa bỏ đi chả ai ngó ngàng tới nay thành đặc sản giàu vitamin, chinh phục thực đơn nhà hàng hạng sang - Ảnh 7.

3. Lá sắn - loại rau giàu vitamin nhưng dùng sai cách sẽ gây hại sức khỏe

Mặc dù là loại rau đặc sản rất giàu vitamin ít ai biết được rằng lá sắn vốn dĩ được người xưa dùng để làm thức ăn trong chăn nuôi, chẳng hạn như nuôi cá, nuôi tằm,... Đặc biệt, ăn rau lá sắn khi chưa chế biến kỹ có thể gây ra ngộ độc, thậm chí là tử vong.

Theo Lương y Vũ Quốc Trung - một thành viên của Hội Đông y Việt Nam, lá sắn đem lại một số tác dụng nhất định đối với sức khỏe nhưng không được khuyến cáo dùng nhiều, bởi trong rau sắn có chứa một độc tố thuộc loại glucosid. Loại độc tố này khi gặp men tiêu hóa, axit hoặc nước sẽ bị thủy phân và giải phóng ra axit cyanhydric gây chết người.

Để phòng tránh ngộ độc, khi dùng lá sắn để làm thực phẩm, mọi người phải đặc biệt chú ý không ăn sống lá sắn, kể cả khi nó đã muối chua. Ngoài ra, trước khi ăn, bạn cần chế biến thật kỹ trên nhiệt độ cao.

Loại lá xưa bỏ đi chả ai ngó ngàng tới nay thành đặc sản giàu vitamin, chinh phục thực đơn nhà hàng hạng sang - Ảnh 8.

Ăn lá sắn khi chưa chế biến kỹ có thể gây ra ngộ độc, thậm chí có thể dẫn tới tử vong.

Dù có độc tố gây hại nhưng lá sắn cũng chứa một lượng lớn chất xơ. Lượng chất xơ này khi cung cấp vừa đủ vào cơ thể có thể giúp điều hòa hệ vi khuẩn đường ruột.

Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều, bạn sẽ bị tắc đường ruột bởi chất xơ trong lá sắn là loại chất xơ không hòa tan. Vì thế, bạn nên hạn chế rau sắn, không nên ăn thường xuyên như các loại rau khác.

Bởi vậy chuyên gia khuyến cáo, khi dùng rau sắn làm thực phẩm cần chú ý không ăn sống. Rau sau khi được nhặt, rửa sạch thì cho ít muối vào vò thật kĩ, cho vào hũ để muối. Nên chế biến thật kỹ trên nhiệt độ cao dù đã được muối chua.

Ngoài ra, với những trường hợp người có vấn đề về hệ tiêu hóa, thai phụ, người già… lưu ý không nên ăn vì có thể làm mất sữa và gây tác dụng phụ không mong muốn cho sức khỏe.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem