Loạt dự án giao thông trọng điểm còn vướng mắc, Bình Dương kiến nghị với Chính phủ

Trần Khánh Thứ hai, ngày 15/04/2024 17:38 PM (GMT+7)
Đường Vành đai 3, Vành đai 4 qua Bình Dương cùng các dự án trọng điểm khác đang gặp nhiều vướng mắc. Bình Dương đề nghị Chính phủ và các bộ ngành quan tâm giải quyết.
Bình luận 0

Đường Vành đai 3 thường xuyên ùn tắc

Ngày 15/4, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dẫn đoàn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về những vướng mắc của tỉnh trong triển khai các dự án trọng điểm.

Nút giao Tân Vạn thuộc dự án đường Vành đai 3. Ảnh: T.L

Nút giao Tân Vạn thuộc dự án đường Vành đai 3. Ảnh: T.L

Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, đường Vành đai 3 TP.HCM có nút giao Tân Vạn là cửa ngõ của 3 địa phương: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Lưu lượng phương tiện qua lại nơi đây rất lớn, thường xuyên ùn tắc. Tuy nhiên, dự án bị khống chế về chi phí xây dựng nên chỉ đầu tư giai đoạn 1 đường cao tốc 4 làn xe và 2/5 nhánh cầu.

Ông Minh cho rằng, việc đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nút giao gồm 8 làn xe, các nhánh rẽ và dải dừng đỗ khẩn cấp trong giai đoạn 1 là rất cấp bách và cần thiết.

UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị, cho phép đầu tư xây dựng kéo dài các dải dừng đỗ khẩn cấp (2 bên); với mặt cắt ngang thay đổi từ 19,75m lên thành 24,75m mới đảm bảo được 2 làn dừng khẩn cấp liên tục.

Cầu Bình Gởi thuộc dự án đường Vành đai 3. Ảnh: T.L

Cầu Bình Gởi thuộc dự án đường Vành đai 3. Ảnh: T.L

Cũng thuộc dự án đường Vành đai 3, cầu Bình Gởi được duyệt thiết kế chỉ đầu tư phần cầu cao tốc 4 làn xe, không đầu tư cầu song hành phục vụ dân sinh. Trong khi đó, nhu cầu kết nối dân sinh giữa tỉnh Bình Dương với TP.HCM tại khu vực này là rất lớn.

UBND tỉnh đã có công văn kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo cấp thẩm quyền nghiên cứu phương án đầu tư hoàn chỉnh dự án đường Vành đai 3 qua địa bàn tỉnh Bình Dương với chi phí phát sinh dự kiến khoảng 2.465 tỷ đồng, từ nguồn vốn kết dư của dự án Vành đai 3 TP.HCM.

Đoạn 15,3 km dự án đường Vành đai 3 trùng với đường Mỹ Phước – Tân Vạn hiện hữu. Ảnh: Trần Khánh

Đoạn 15,3 km dự án đường Vành đai 3 trùng với đường Mỹ Phước – Tân Vạn hiện hữu. Ảnh: Trần Khánh

Theo chủ trương, đoạn 15,3 km trùng với đường Mỹ Phước – Tân Vạn hiện hữu không đầu tư trong giai đoạn này vì chi phí đầu tư quá cao. Tuy nhiên, đoạn đường này thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.

Thêm nữa, khi dự án đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành hoàn thành trong năm 2027, sẽ đẩy lưu lượng xe rất lớn về đoạn 15,3 km này. Điều này gây nguy cơ ách tắc giao thông trên toàn tuyến.

Vì thế, UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị Trung ương đầu tư đoạn 15,3 km này từ nguồn đầu tư công theo quy mô giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh 64m, và đầu tư 4 làn cao tốc trên cao hoàn chỉnh (bao gồm làn dừng khẩn cấp).

Cần cơ chế đặc thù cho các dự án đường Vành đai 4

Theo dự kiến, đường Vành đai 4 qua tỉnh Bình Dương sẽ khởi công trong tháng 7/2024 từ nguồn thu đấu giá đất. Thế nhưng địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai.

Tỉnh Bình Dương kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án đường Vành đai 4.

Trong đó có việc xem xét hỗ trợ địa phương từ 50% kính phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tương ứng với số tiền khoảng 5.000 tỷ đồng để thực hiện dự án.

Dự án đường Vành đai 4 qua tỉnh Bình Dương. Ảnh: T.L

Dự án đường Vành đai 4 qua tỉnh Bình Dương. Ảnh: T.L

Hiện Bình Dương đang quy hoạch đầu tư ga liên vận quốc tế Sóng Thần là ga hàng hóa đầu mối lớn nhất phía Nam. Vì thế, việc nâng cao năng lực ga An Bình, bao gồm ga liên vận quốc tế Sóng Thần là hết sức cần thiết.

Theo đó, Bình Dương định hướng tăng quy mô quy hoạch ga An Bình từ 64,6ha lên khoảng 200ha từ quỹ đất công do thu hồi đất hết thời hạn cho thuê của KCN Sóng Thần.

Bình Dương kiến nghị Chính phủ ủng hộ để tỉnh kịp thời cập nhật bổ sung vào Quy hoạch tỉnh và triển khai thực hiện dự án trong thời gian tới.

Bình Dương đang quy hoạch đầu tư ga liên vận quốc tế Sóng Thần là ga hàng hóa đầu mối lớn nhất phía Nam. Ảnh: Trần Khánh

Bình Dương đang quy hoạch đầu tư ga liên vận quốc tế Sóng Thần là ga hàng hóa đầu mối lớn nhất phía Nam. Ảnh: Trần Khánh

Tại buổi làm việc, Đoàn công tác của Chính phủ cùng các bộ, ngành ghi nhận những vướng mắc và sẽ giải quyết từng vụ việc cụ thể trong thời gian sớm nhất.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh tính tự chủ, thống nhất của các địa phương trong phương án đầu tư.

Cụ thể, như đường Vành đai 4, tỉnh Bình Dương và TP.HCM muốn đầu tư trước là tốt. Tuy nhiên, các địa phương cần ngồi lại, thống nhất với nhau để đảm bảo đúng hướng tuyến, đúng với thiết kế theo chủ trương Chính phủ đã thống nhất, Phó Thủ tướng đề nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem