Lợi cả đôi đường: Trồng cây thuốc quý vừa có tiền lại giữ rừng

Tuệ Linh Chủ nhật, ngày 01/04/2018 13:15 PM (GMT+7)
Không chỉ giúp bà con từ hộ nghèo trở thành hộ giàu, cây sa nhân ở bản Lồng, xã Tỏa Tình (Tuần Giáo, Điện Biên) còn giúp người dân giữ và bảo vệ được những cánh rừng phòng hộ xanh bạt ngàn dưới chân đèo Pha Đin huyền thoại.
Bình luận 0

Cây sa nhân bén duyên với vùng đất bản Lồng, xã Tỏa Tình từ những năm 1990. Nhưng phải từ năm 2010 đến nay, lợi thế hàng hóa của cây sa nhân mới được đồng bào Mông ở đây “đánh thức”, trong đó phải kể tới anh Mùa Sáy Tòng – một trong những hộ có diện tích cây sa nhân lớn nhất bản với 4ha. Nhờ trồng sa nhân dưới tán rừng và cây sơn tra, mỗi năm gia đình anh thu nhập ngót 100 triệu đồng.

img

Anh Mùa Sáy Tòng ở bản Lồng, xã Tỏa Tình mua được nhà bạc tỷ từ 4ha cây sa nhân. Ảnh: T.L

Anh Tòng cho hay: “Với vùng đất thích hợp như bản Lồng, cây sa nhân phát triển nhanh, chi phí bỏ ra ít, không tốn nhiều như trồng ngô, chỉ mất 2 – 3 năm đầu làm cỏ. Khi cây đã lớn thì mọc kín và lan ra khắp các tán rừng nên hàng năm chỉ cần nhổ cỏ từ 1 - 2 lần. Đợi đến tháng 7, 8 thì đi thu hoạch quả, tư thương đến tận nơi thu mua”.

Anh Mùa Chù Tú phấn khởi: “Quả sa nhân có giá thành cao, cứ đến mùa là thương lái khắp nơi lại đánh xe về tận nơi thu mua. Nếu không trồng sa nhân chắc giờ gia đình tôi vẫn chưa thoát nghèo”.

Ngoài việc đem lại hiệu quả kinh tế cao, trồng sa nhân còn giúp bà con bảo vệ rừng rất tốt.

Ông Mùa A Và – Già bản Lồng nói: “Trồng sa nhân dưới tán rừng là phương cách tốt nhất để người dân quản lý và bảo vệ rừng. Năm 2017 vừa rồi, mặc dù mất mùa nhưng giá quả sa nhân khô vẫn dao động từ 600.000 – 700.000 đồng/kg. So với các cây trồng khác, sa nhân mang lại lợi ích quá lớn. Muốn giữ “miếng cơm, manh áo” thì người dân phải gắn chặt với rừng, bảo vệ tốt diện tích rừng để giữ cây sa nhân của mình. Trồng sa nhân dưới tán rừng còn giúp chống rửa trôi và xói mòn đất, bảo vệ tài nguyên rừng, tăng độ phì nhiêu cho đất...”.

Được biết bản Lồng, xã Tỏa Tình là nơi có diện tích sa nhân lớn nhất huyện Tuần Giáo với trên 30ha. Hiện tại, cả bản Lồng đều trồng sa nhân. Cứ vào dịp mùa khô và mùa đậu quả, mỗi hộ gia đình đều có từ 1 – 2 người thường trực 24/24 giờ, ăn ngủ ngay tại diện tích sa nhân dưới tán rừng để bảo vệ sinh kế của mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem