Lời khai nhận tội có thể được xem là chứng cứ kết tội khi nào?

Đình Việt Thứ tư, ngày 17/06/2020 10:47 AM (GMT+7)
"Trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không thể thu thập được đầy đủ các chứng cứ để chứng minh rằng cá nhân, tổ chức đã thực hiện hành vi phạm tội, thì buộc Tòa án phải tuyên họ không phạm tội" - luật sư Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bình luận 0

Trao đổi với PV Dân Việt xung quanh một số nguyên tắc trong tố tụng hình sự, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, với ông và những luật sư khi hành nghề trong các vụ án hình sự, luôn luôn tâm niệm một nguyên tắc được xem như kim chỉ nam cho hoạt động bào chữa, đặc biệt là những vụ án có dấu hiệu oan sai, tình tiết mâu thuẫn, chưa rõ ràng, đó là:

"Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án.

Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội" (khoản 2 Điều 98 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015).

Lời nhận tội có thể được coi là chứng cứ kết tội khi nào? - Ảnh 1.

Luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội).

Theo vị luật sư, mặc dù, quy định này không được liệt kê trong Chương II - Những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, nhưng với luật sư nói riêng và các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án) nói chung, phải xem đây là nguyên tắc xuyên suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử và bào chữa đối với bị can, bị cáo.

Bởi, rõ ràng một điều rằng, nếu chỉ căn cứ vào lời khai nhận tội của bị can, bị cáo thì sẽ có lúc bị can, bị cáo khai thế này, có lúc khai thế khác, lúc nhận tội, lúc không?

Vậy, trong trường hợp đó, nếu không có các chứng cứ vật chất khác (như dấu vân tay, vết máu, công cụ, phương tiện gây án, lời khai của các nhân chứng trực tiếp chứng kiến sự việc….) sẽ không thể đủ căn cứ để có thể buộc tội, kết tội đối với bị can, bị cáo.

Chúng ta thường nói đến nguyên tắc "trọng chứng hơn trọng cung" chính là để cụ thể hóa điều này.

Mọi hành vi phạm tội luôn luôn để lại dấu vết trên hiện trường vụ án và trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng là phải thu thập được các dấu vết này để làm chứng cứ buộc tội đối với người thực hiện hành vi phạm tội.

Trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không thể thu thập được đầy đủ các chứng cứ để chứng minh rằng cá nhân, tổ chức đã thực hiện hành vi phạm tội, thì buộc Tòa án phải tuyên họ không phạm tội.

Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản được quy định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng Hình sự, cụ thể: "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội".

Điều 13, cũng như trong toàn bộ nội dung các Điều luật thuộc Bộ luật Tố tụng Hình sự, đều nhấn mạnh đến nguyên tắc thu thập chứng cứ, đó là phải "tuân theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định".

Tức là, một vật chứng, một dấu vết, một lời khai của nhân chứng chỉ được xem là chứng cứ khi được thu thập một cách hợp pháp, theo đúng "trình tự, thủ tục" được quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự và đặc biệt, nó phải tồn tại một cách khách quan, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người.

Lời nhận tội có thể được coi là chứng cứ kết tội khi nào? - Ảnh 3.

Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội". Ảnh minh họa.

Vì vậy, việc ra chợ mua về những vật dụng, hung khí để làm vật chứng vụ án là việc làm trái với nguyên tắc trong Bộ luật Tố tụng Hình sự và đương nhiên những vật dụng, hung khí đó không thể được xem là "chứng cứ" hợp pháp để xác định hành vi phạm tội của bị can, bị cáo.

Việc đưa các vật dụng, hung khí khác vào hồ sơ vụ án, không những không được dùng làm chứng cứ buộc tội mà còn có thể bị xem là hành vi cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án và cùng với những hành vi như: Thêm bút lục, rút bớt bút lục ra khỏi hồ sơ vụ án, thì những người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "làm sai lệch hồ sơ vụ án" theo quy định tại Điều 375 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt lên đến 15 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Hoạt động tố tụng hình sự là một hoạt động đặc biệt, nó liên quan trực tiếp đến sinh mạng pháp lý của công dân và cả đời con, đời cháu họ.

Chính vì vậy, Bộ luật Tố tụng Hình sự đã xây dựng một hệ thống các trình tự, thủ tục một cách chặt chẽ, khoa học đòi hỏi những người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử buộc phải tuân theo thì mới có thể chứng minh được hành vi phạm tội.

Mọi hành vi thực hiện không đúng trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, đều bị coi là hành vi trái pháp luật và không được sử dụng để làm căn cứ, chứng cứ để kết tội đối với bị can, bị cáo.

Không thể dùng những lời lẽ có tính bao che, lấp liếm như: "Sai nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vấn đề" để bào chữa cho những sai phạm cá nhân của các Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán ...

Chúng ta, những người đang sống trong một xã hội thượng tôn pháp luật, không thể chấp nhận cách tư duy này như một "khẩu hiệu" trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử ở Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem