Công ty Đạt Phương: Lợi nhuận sụt giảm, cầm cố tài sản cổ đông để vay vốn vẫn mạnh tay chi thù lao

O.L Thứ bảy, ngày 19/08/2023 12:00 PM (GMT+7)
Mặc dù liên tục trúng các gói thầu nghìn tỷ đồng với mức giá trúng thầu rất sát với giá chào thầu, nhưng nhiều năm nay, Công ty Đạt Phương liên tục phải mượn tài sản của thành viên HĐQT để đảm bảo cho khoản vay tại ngân hàng và phát hành trái phiếu.
Bình luận 0

Công ty Đạt Phương lãi lớn nhờ bất động sản

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương (Công ty Đạt Phương) có địa chỉ tại tầng 15, Tòa Nhà Handico (phường Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội). Người đại diện theo đăng ký kinh doanh là Tổng Giám đốc Trần Anh Tuấn.

Tại ngày 30/6/2023, vốn chủ sở hữu của Công ty Đạt Phương đạt hơn 2.200 tỷ đồng, trong đó vốn góp hơn 600 tỷ đồng.

Dữ liệu từ Báo cáo tài chính của Công ty Đạt Phương (DPG) cho thấy, từ năm 2018 trở về trước công ty chưa ghi nhận doanh bất động sản. Doanh thu phần lớn đến từ lĩnh vực xây lắp với 1.366 tỷ đồng, tiếp đó là sản xuất điện đạt hơn 186 tỷ đồng.

Bức tranh tài chính của Đạt Phương: Cầm cố tài sản cổ đông để vay vốn, thu nhập dàn lãnh đạo đáng "mơ ước" - Ảnh 1.

Liên tục trúng thầu lớn nhưng kết quả kinh doanh của Công ty Đạt Phương có chiều hướng đi xuống trong nửa đầu năm 2023. (Ảnh: Web công ty)

Tuy nhiên, đến năm 2019, Công ty Đạt Phương bất ngờ ghi nhận khoản doanh thu thuần từ bất động sản với 745,2 tỷ đồng, chiếm 37,8% tổng doanh thu và gần bằng doanh thu xây lắp (đạt 925,2 tỷ đồng, đây là ngành nghề chính). Doanh thu từ sản xuất điện cũng tăng hơn 56% lên gần 292 tỷ đồng. Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp mảng bất động sản ở mức 46,3% cao hơn hẳn mảng xây dựng với 5,6%.

Bức tranh tài chính của Đạt Phương: Cầm cố tài sản cổ đông để vay vốn, thu nhập dàn lãnh đạo đáng "mơ ước" - Ảnh 2.

Tình hình kinh doanh của PDG (tỷ đồng).

Năm 2020, tổng doanh thu thuần của Công ty Đạt Phương đạt 2.118,3 tỷ đồng, trong đó mảng bất động sản chiếm 38% với 805 tỷ đồng, mảng chính chiếm 46% (980 tỷ đồng), thủy điện chiếm 15,4% (326,4 tỷ đồng)...

Sau đó, năm 2021 và 2022, Đạt Phương ghi nhận doanh thu thuần bất động sản lần lượt đạt 943 tỷ đồng và 602 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt ở các mức cao ngất ngưởng lên 52,1% và 53,3%.

Và trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần từ mảng bất động sản của Công ty Đạt Phương giảm mạnh tới 91% xuống còn vỏn vẹn 26,2 tỷ đồng, biên lãi gộp của mảng này vẫn đạt ở mức 62,4%; mảng sản xuất diện cũng giảm 13,8% xuống 296,4 tỷ đồng.

Khép lại quý II/2023, Công ty Đạt Phương ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 54,2 tỷ đồng, giảm 59,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, cty Đạt Phương đạt doanh thu thuần là 1.158 tỷ đồng, giảm 13,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm tới 51,7%, chỉ đạt 137 tỷ đồng.

Theo giải trình, do doanh thu, lợi nhuận mảng sản xuất điện và mảng bất động sản giảm so với cùng kỳ làm cho lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trong quý II năm nay giảm so với quý II/2022.

Công ty Đạt Phượng phải mượn tài sản thành viên HĐQT để vay vốn

Mặc dù liên tục trúng các gói thầu hàng nghìn tỷ đồng với giá trúng thầu chỉ cách giá mời thầu rất thấp, nhưng tài chính của Công ty Đạt Phương là câu chuyện đáng lưu ý. Dữ liệu cho thấy, từ nhiều năm nay Công ty Đạt Phương phải "mượn" tài sản của cổ đông (lãnh đạo Công ty) để vay vốn từ ngân hàng và phát hành trái phiếu.

Cụ thể, từ năm 2018 và đến 6 tháng đầu năm 2023, ông Lương Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT và ông Phạm Kim Châu, Phó Chủ tịch HĐQT đã dùng quyền sử dụng đất thuộc sở hữu của mình để bảo đảm cho khoản vay của Công ty tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển - Chi nhánh Thăng Long (BIDV) với số dư nợ gốc và tiền lãi cùng các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ số nợ gốc này hơn 18,1 tỷ đồng.

Đây là khoản vay ngắn hạn có hạn mức tín dụng 550 tỷ đồng để thanh toán công nợ với các nhà cung cấp. Bên cạnh đó, từ năm 2019, 2 cá nhân này còn dùng cổ phần của mình để làm tài sản đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu của công ty. 

Phí mượn tài sản đảm bảo của ông Lương Minh Tuấn trong 6 tháng đầu năm 2023 là gần 131 triệu đồng, của ông Phạm Kim Châu là 58,3 triệu đồng và bà Lương Thị Lan – bên liên quan của Hội đồng quản trị là 19,5 triệu đồng.

Tại ngày 30/6/2023, Công ty Đạt Phương ghi nhận tổng vay nợ 2.586 tỷ đồng, trong đó có 200 tỷ đồng trái phiếu dài hạn. Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, kỳ hạn 3 năm, lãi suất 10,5%/năm trong năm đầu tiên, sau đó thả nổi. Định kỳ thanh toán là 6 tháng.

Tài sản đảm bảo của lô trái phiếu này là 19 triệu cổ phiếu đang lưu hành của công ty mẹ thuộc sở hữu của Ban lãnh đạo công ty mẹ có giá trị luôn ít nhất bằng 200% tổng giá trị trái phiếu phát hành.

Toàn bộ số tiền thu được sau khi phát hành được cung cấp cho Công ty Cổ phần Đạt Phương Hội An (công ty con) để thực hiện Dự án Khu đô thị Cồn Tiến (Tên thương mại là Casamia), xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Một điều đáng lưu ý nữa, dù làm ăn giảm mạnh nhưng mức chi trả thù lao cho lãnh đạo của Công ty Đạt Phương khá hậu hĩnh. Tổng mức chi trả thù lao cho dàn lãnh đạo Công ty trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt gần 7,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022, mức tổng chi là 7 tỷ đồng.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, ông Lương Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT có mức thù lao là 908,3 triệu đồng (giảm 9% so với cùng kỳ), ông Phạm Kim Châu Phó Chủ tịch/Phó Tổng GĐ có tổng thù lao đạt gần 816,4 triệu đồng (tăng hơn 9%), ông Trần Anh Tuấn, Tổng GĐ thù lao ở mức gần 860,8 triệu đồng (tăng 4%), ông Đỗ Xuân Diện có thù lao 360 triệu đồng, Hoàng Gia Chiếu, Phó TGĐ gần 470 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Quỳnh Doan ở mức gần 681 triệu đồng, ông Đinh Gia Nội ở mức hơn 770 triệu đồng...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem