Luật sư nói về tội cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước

Chủ nhật, ngày 24/12/2017 13:13 PM (GMT+7)
Theo luật sư, tội cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước có 3 mức độ phạm tội. Khung hình phạt cao nhất cho người phạm tội này lên đến 15 năm tù.
Bình luận 0

 Kkhám xét nhà riêng ông Vũ "nhôm"

Trao đổi với Zing.vn, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) nói hành vi Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước (Điều 263 BLHS năm 1999; sửa đổi, bổ sung năm 2009) là tội ghép từ các hành vi cố ý làm lộ, cố ý chiếm đoạt và tiêu hủy tài liệu mật.

Luật sư phân tích, đặc thù của tội Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước, đó là chỉ có người có chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý tài liệu bí mật thì mới là chủ thể của tội phạm.

Trong vụ án Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố ông Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ “nhôm”) về hành vi này, ông Vũ phải là người được Nhà nước giao và quản lý các tài liệu mật. Sau đó, ông này để bị lộ các tài liệu.

“Tội phạm hoàn thành kể từ lúc người thứ 2, ngoài ông Vũ, biết được các tài liệu bí mật đó”, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch lý giải.

img

Ông Phan Văn Anh Vũ bị phát lệnh truy nã. Ảnh: Infonet.

Về mặt khách quan, tội Cố ý làm lộ là hành vi xâm phạm bí mật Nhà nước. Tuy nhiên, mỗi lĩnh vực do các Bộ, Ban, ngành quản lý đều có quy định riêng về loại tài liệu mật.

Theo luật sư, các quy định hiện nay đang được áp dụng theo Danh mục tài liệu bí mật do Nhà nước ban hành (năm 1991).

Với từng Bộ, Ban, ngành cụ thể, cơ quan quản lý có văn bản riêng quy định về danh mục tài liệu mật. Những tài liệu này thường được đóng dấu mật.

Theo Điều 263, tội Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước được phân ra 3 mức khung hình phạt.

Theo Khoản 1, người cố ý làm lộ bí mật Nhà nước hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm.

Khoản 2 quy định phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, bị phạt đến 10 năm tù. Còn khoản 3 dành cho người phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, khung hình phạt cao nhất là 15 năm tù.

Hiện nay, hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định nào về mức độ làm lộ bí mật Nhà nước (ít hay rất nghiêm trọng). 

Tuy nhiên, trong quá trình xét tội, cơ quan chức năng căn cứ vào tính chất vụ việc hoặc tùy vào kết quả điều tra để quy mức độ phạm tội. 

Ngoài ra, cơ quan tố tụng có thể xem xét sự tác động của hành vi làm lộ tài liệu bí mật lên đời sống xã hội, ảnh hưởng đến dư luận, thiệt hại về kinh tế để làm căn cứ đánh giá mức độ phạm tội thuộc Khoản 1, 2 hay 3.

Sáng 22/12, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) công bố quyết định khởi tố ông Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ “nhôm”, 42 tuổi) về hành vi Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước.

Bị can là Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nova Bắc Nam 79 - nay là Công ty CP đầu tư và phát triển Chấn Phong.

Thời điểm công bố, ông Vũ không có mặt tại nơi cư trú và không biết ông này ở đâu, nên cùng ngày, Cơ quan An ninh điều tra cũng đọc quyết định truy nã Phan Văn Anh Vũ.

Ông Vũ có vai trò quan trọng trong hàng loạt doanh nghiệp ở Đà Nẵng và TP.HCM. Các doanh nghiệp này sở hữu nhiều dự án "khủng", nhà đất công trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Ngoài ra, Vũ "nhôm" cũng được xem là nhân vật liên quan đến việc tặng nhà và xe cho cựu Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh.

Hoàng Lam ghi (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem