Lý do Ấn Độ bị Putin "quyến rũ" bất chấp nguy cơ bị Mỹ trừng phạt

Minh Nhật (theo Bloomberg) Chủ nhật, ngày 05/12/2021 15:00 PM (GMT+7)
Ấn Độ khao khát các hệ thống vũ khí của Nga để kiềm chế Trung Quốc bất chấp rủi ro bị Mỹ trừng phạt.
Bình luận 0
Lý do Ấn Độ bị Putin "quyến rũ" bất chấp nguy cơ bị Mỹ trừng phạt - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh AP

Theo BNN Bloomberg, Tổng thống Vladimir Putin sẽ thăm New Delhi vào thứ Hai tuần tới 6/12. Tại hội nghị thượng đỉnh thường niên sắp tới, Nga và Ấn Độ được cho là sẽ tăng cường hợp tác về thương mại, kết nối và năng lượng, phối hợp trong các vấn đề về an ninh khu vực, nhưng điều đặc biệt được mong chờ là hàng tỷ USD vũ khí Nga đổ vào Ấn Độ, trong nỗ lực của New Delhi để kiềm chế Trung Quốc.

Chuyến công du Ấn Độ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau gần sáu tháng của Tổng thống Putin. Theo lịch trình, nhà lãnh đạo Nga sẽ hội đàm với Thủ tướng Narendra Modi khi Ấn Độ về việc tiếp nhận hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến S-400 của Nga, một phần của thỏa thuận vũ khí trị giá 5 tỷ USD.

Thương vụ tương tự của đồng minh NATO là Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến Mỹ nổi giận cấm Ankara tham gia chương trình máy bay chiến đấu tiên tiến F-35.

 “Ấn Độ đã gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Mỹ rằng họ sẽ không sợ các lệnh trừng phạt của Mỹ”, Ruslan Pukhov, thành viên ban cố vấn của Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Ấn Độ là một phần của Bộ tứ QUAD cùng với Mỹ, Nhật Bản và Australia được hình thành như một bức tường thành chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Bất chấp bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ, NATO với Điện Kremlin đang tăng cao vì vấn đề Ukraine, Ấn Độ được cho là vẫn đang đặt cược vào việc Tổng thống Joe Biden muốn tập trung chống lại Trung Quốc để "mắt nhắm mắt mở" cho nước này tăng cường mua vũ khí quốc phòng từ Moscow.

Việccác đồng minh của Mỹ  mua vũ khí của Nga có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt theo Đạo luật Chống lại các đối thủ của Mỹ.

Mặc dù Mỹ đã “kêu gọi tất cả các đồng minh của chúng tôi, tất cả các đối tác của chúng tôi, từ bỏ các giao dịch với Nga” liên quan đến S-400 nếu không sẽ phải hứng chịu các lệnh trừng phạt, nhưng Washington vẫn chưa quyết định xem có nên "ra đòn" đối với Ấn Độ hay không. , 

Đối với chính phủ Modi, chuyến thăm của ông Putin không chỉ có ý nghĩa củng cố mối quan hệ từ thời Chiến tranh Lạnh. 

Ấn Độ cần Nga tiếp tục cung cấp vũ khí vì nước này vẫn đang ở trong tình trạng căng thẳng biên giới nghiêm trọng chưa từng có với Trung Quốc. New Delhi cũng muốn có nhiều vai trò hơn ở Afghanistan -  nơi Nga, Trung Quốc và Pakistan vẫn đang là những quốc gia quan trọng sau khi Mỹ rút quân và Taliban tiếp quản nước này.

Nga hiện vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Ấn Độ, dù thị phần của Moscow trong các giao dịch mua bán vũ khí với Ấn Độ đã giảm từ 72%  xuống 56% trong giai đoạn 2015-2019, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm. 

Ấn Độ đã tăng cường mua vũ khí và công nghệ từ châu Âu và Israel, đồng thời tiến hành nhiều cuộc tập trận quân sự hơn với các quốc gia QUAD.

Akhil Bery, Giám đốc phụ trách Sáng kiến Nam Á tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á bình luận: “Mỹ có thể không hài lòng về quyết định mua thêm vũ khí từ Nga của Ấn Độ, nhưng sẽ chờ xem có bao nhiêu thỏa thuận trong số này thực sự thành hiện thực. Mối quan hệ Mỹ-Ấn hiện nay được cho là mạnh mẽ hơn, vì cả hai bên đều nhận ra rằng Trung Quốc là mối đe dọa địa chính trị lớn nhất của họ".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem