Lý giải đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có tổng mức đầu tư vượt gần 2.900 tỷ đồng

05/10/2023 18:17 GMT+7
Dự kiến, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng mức đầu tư vượt gần 2.900 tỷ đồng so với chủ trương được duyệt.

Chính phủ vừa có báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 56/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Cụ thể, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội dự kiến sẽ có tổng mức đầu tư vượt gần 2.900 tỷ đồng so với chủ trương được duyệt.

Lý giải về vấn đề này, Bộ GTVT cho biết, theo kết quả phê duyệt dự án đầu tư của các dự án thành phần, tổng mức đầu tư dự án khoảng 84.320 tỷ đồng.

Tuy nhiên, báo cáo của các địa phương cho thấy, quá trình triển khai thực tế, tổng mức đầu tư dự án sẽ tăng so với sơ bộ tổng mức đầu tư tại Nghị quyết 56/2022 của Quốc hội.

Lý giải đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có tổng mức đầu tư vượt gần 2.900 tỷ đồng - Ảnh 1.

Theo đó, tại dự án thành phần 1.2 (giải phóng mặt bằng, tái định cư địa phận tỉnh Hưng Yên) dự kiến tăng khoảng 1.500 tỷ đồng; Dự án thành phần 1.3 (giải phóng mặt bằng, tái định cư địa phận tỉnh Bắc Ninh tăng hơn 2.800 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do áp dụng đơn giá bồi thường đất ở tính theo giá thị trường.

Riêng dự án thành phần 3 dự kiến giảm tổng mức đầu tư còn khoảng 1.484 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư.

Bộ GTVT cho biết, theo quy định pháp luật về đầu tư công, sự thay đổi tổng mức đầu tư trên phải thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư. Cũng theo Nghị quyết 56/2022 của Quốc hội và thực hiện Nghị quyết 106 của Chính phủ, sau khi hoàn thành phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần, các địa phương sẽ rà soát kỹ, xác định chính xác tổng mức đầu tư theo quy định.

Theo Bộ GTVT, trong trường hợp tổng mức đầu tư dự án vượt sơ bộ tổng mức đầu tư theo chủ trương đầu tư được Quốc hội phê duyệt, UBND TP.Hà Nội sẽ chủ trì, tổng hợp hồ sơ và thực hiện các thủ tục, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Về tình hình GPMB dự án, tổng diện tích thu hồi đất đạt khoảng hơn 1.341ha. Trong đó, đất nông nghiệp khoảng hơn 1.000ha, đất ở khoảng 58ha và đất khác khoảng 209ha.

Thực tế triển khai, tổng diện tích thu hồi đất khoảng 1.397ha (tăng 56ha). Trong đó, đất nông nghiệp khoảng 1.054ha (giảm 20ha), đất ở khoảng 42ha (giảm 16ha), đất khác khoảng 301ha (tăng 92ha).

Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng diện tích đất thu hồi khoảng hơn 1.200ha, đạt gần 87%. Trong đó, Hà Nội đã thu hồi hơn 706ha (đạt hơn 88%), Hưng Yên đã thu hồi gần 193ha (đạt gần 84%), Bắc Ninh đã thu hồi hơn 308ha (đạt xấp xỉ 84%).

Phục vụ công tác GPMB, TP.Hà Nội dự kiến xây dựng 13 khu tái định cư với diện tích gần 40ha/869 nền, phục vụ nhu cầu tái định cư 869 hộ. Hiện, có 1 khu tái định cư đã hoàn thành, đang triển khai thi công 6 khu, 2 khu đã lựa chọn được nhà thầu nhưng chưa triển khai công tác hiện trường, 3 khu đang lập thiết kế bản vẽ thi công.

Đối với tỉnh Hưng Yên, tỉnh này đã sử dụng nguồn vốn ngân sách riêng của địa phương để xây dựng 11 khu tái định cư với diện tích gần 50ha, phục vụ nhu cầu tái định cư của khoảng 720 hộ dân. Hiện nay, tỉnh đang lập thiết kế bản vẽ thi công 10 khu, có 1 khu đang lập dự án đầu tư.

Ngoài ra, Tỉnh Bắc Ninh sử dụng nguồn ngân sách riêng của địa phương xây dựng 12 khu tái định cư, diện tích khoảng 50ha phục vụ nhu cầu tái định cư của khoảng 476 hộ dân.

Tính đến nay, 1 khu đang triển khai thi công, 1 khu đang lập thiết kế bản vẽ thi công, 2 khu đang lập dự án đầu tư, 8 khu đang lập quy hoạch. Đối với dự án thành phần 2.1, Hà Nội đã bàn giao hơn 670ha trước thời điểm khởi công (30/6/2023), đáp ứng yêu cầu của Chính phủ.


Thế Anh
Cùng chuyên mục