Ly kỳ cuộc vây bắt "họ hàng cụ rùa hồ Gươm"

Lê Mai Thao Chủ nhật, ngày 11/12/2022 09:04 AM (GMT+7)
Gần 2 giờ sáng, đuốc sáng rực cả góc đầm Quỳnh Lâm, TP Hòa Bình, con ba ba cất đầu lên khỏi mặt nước. Cái đầu to như phích nước, giữa đám bèo Tây, nó cất tiếng thở phì phò như trâu mộng. Trong đêm, nghe tiếng thở, người yếu bóng vía sẽ thấy khiếp đảm.
Bình luận 0

Tháng 1/2016, cá thể rùa khổng lồ cuối cùng ở Hồ Gươm chết, xác rùa được đưa vào Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam để bảo quản, nghiên cứu. Theo các nhà khoa học, hiện ở Việt Nam chỉ còn một cá thể họ hàng "rùa hồ Gươm" ở Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội ).

Nhiều giả thuyết về nguồn gốc "rùa hồ Gươm" đã được nhà khoa học đưa ra, trong đó không ngoại trừ loài rùa này từng xuất hiện ở tỉnh Hòa Bình, người dân gọi là "ba ba khổng lồ".

Dân Việt giới thiệu bài ký của tác giả Lê Mai Thao về cuộc vây bắt "ba ba khổng lồ" ở hồ Quỳnh Lâm, Hòa Bình, cách đây 30 năm. Bài viết in trong tập ký "Hòa Bình miền thương nhớ". Nhà thơ, nhà giáo ưu tú Lê Mai Thao hiện là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình, hội viên Hội Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Nhắc tới đầm Quỳnh Lâm là nhớ đến cuộc vây bắt con ba ba huyền thoại. Thấm thoát mà đã gần 30 năm. Được sự giúp đỡ của cô hiệu trường Kim Quy, trường TH và THCS Dân Chủ cùng anh Biên - người lái xe công nông chở ba ba, tôi tìm về xóm Chăm phường Dân chủ. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Nở (người bắt ba ba) nhiệt tình giới thiệu và kể lại chuyện.

Tháng 4/1993, anh Nguyễn Văn Nở cùng 5 thanh niên xóm Mát là anh Xứng, Quang, Minh, Việt và Bình được ông Bàn chủ đất thuê nhóm thanh niên xóm Mát đào ao, đắp bờ, lập trang trại. Chỗ đó giờ là khu phòng cháy chữa cháy của tỉnh Hòa Bình. 

Buổi sáng đó, họ cũng bắt được cá trê và một con lươn rất lớn nên tranh thủ nghỉ nướng cá bên đầm ăn, khói mù mịt. Ăn xong đám thanh niên lại hò nhau cắt sậy. Nhưng vì cây sậy già nên cứng như sắt khiến lưỡi cưa cùn dần. Anh Nở ra thị xã mua dụng cụ mài lưỡi cưa.

Ly kỳ cuộc vây bắt "họ hàng cụ rùa hồ Gươm" ở Hòa Bình - Ảnh 2.

Rùa khổng lồ do nhóm anh Nở bắt được ở đầm Quỳnh Lâm. Ảnh tư liệu


Mấy anh còn lại bất chợt nhìn thấy mặt đầm có khóm sậy chuyển động rất lạ. Rồi nhô cái lưng lên giống con ba ba khổng lồ. Mọi người hò reo, con vật lại lặn mất tăm dưới nước. 

Cứ theo đường tăm, nó tiến về phía con ngòi, rồi nằm im. Thỉnh thoảng lại thấy ít tăm nổi lên đúng chỗ đó, kèm theo bùn đen ngầu lên.

Anh Nở kể với giọng sôi nổi: "Lúc đó, con ba ba này đi đến đâu, chúng tôi đều biết. Nó to như thế, nên chỉ cần cử động nhẹ là cũng cày tăm lên. Bóng tăm nước nổi cũng to hơn bình thường. Biết chỗ rồi, nên tôi và anh Việt lội ra kiểm tra thử.

Bình thường nước đầm cũng sâu lắm. Chỗ tôi lội ra thì sâu đến cổ. Tôi lao cưa xuống thì nghe thấy tiếng cộp. Thôi đúng rồi, không thể là đá, rất có thể là ba ba.

Anh Việt dẫm thử chân thì thấy trơn trượt. Anh Việt ngã xuống và nói: Không phải đá. Tôi cũng tiến tới dẫm thử thì cảm nhận dưới chân mình cựa quậy. Đúng là ba ba rồi. Mà ba ba khổng lồ. Tất cả chúng tôi đều rất vui mừng. Thấy động, con vật cố gắng bò về phía đầu ngòi".

Không để ba ba chạy mất, mọi người về nhà lấy xiên, mai đào đất quyết bắt kỳ được con vật khổng lồ. Trong đêm theo dõi mặt đầm và phán đoán tăm nước để thấy đường đi của ba ba.

Đuốc được đốt lên sáng rực cả góc đầm. Gần 2 giờ sáng, bỗng con ba ba cất đầu lên khỏi mặt nước. Cái đầu to như phích nước, giữa đám bèo Tây, nó cất tiếng thở phì phò như trâu mộng. Trong đêm, nghe tiếng thở, người yếu bóng vía sẽ thấy khiếp đảm.

Mọi người xúm vào vây bắt. Chiếc cào ba răng phóng tới. Con vật bị thương nhưng vẫn quyết bò về phía con rạch. Lối đó thông với sông Đà. Thấy vậy, mọi người dùng tất cả những gì đang có như đinh ba, xẻng, mai, cào... bổ xuống.

Anh Xứng thanh niên trẻ nhất nảy ra ý định lặn xuống tìm chân ba ba. Vì nếu lật ngửa lên thì sẽ vô hiệu hóa sức mạnh của nó. Không may chạm đúng miệng con vật. Đang kích động vì đau, anh Xứng bị ba ba táp một miếng vào tay. Máu chảy tràn ra.

Mọi người đưa thanh niên ấy về trạm xá xã. Phải khâu mất gần chục mũi.

Rồi cuối cùng ba ba cũng lộ diện. Mọi người đều hoảng hốt vì sự khổng lồ của nó. Bốn chân lớn, đầu cất lên như cái phích, mai ba ba có bán kính gần một mét... Tất cả xúm vào lật ngửa ba ba và trói chân lại.

Khó khăn lắm mới chuyển lên chiếc xe công nông của anh Biên đưa về nhà anh Xứng. Ngay lúc đó, nhân dân khắp thị xã nghe tin đã đến xem ba ba. Lượng người xem đông nghịt khu xóm nhỏ. Con ba ba cân nặng 121kg, dài 1,53m, rộng tới 0,8m. 

Sau này, theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì nó có độ tuổi hơn 300 năm. Đúng là từ thủa cha sinh mẹ đẻ đến giờ mới thấy con ba ba to khổng lồ đến thế. Ông Nguyễn Văn Thức trưởng xóm trầm trồ.

Theo Phó Giáo sư Hà Đình Đức, người nhiều năm nghiên cứu về "rùa Hồ Gươm", từng đưa ra giả thuyết về việc có thể rùa Hồ Gươm được đưa về từ Hòa Bình. Ở đầm Quỳnh Lâm, TP Hòa Bình người ta đã từng bắt được những con rùa rất to.

Sử sách ghi lại rằng, trong 6 năm ở ngôi thì 4 năm liên tiếp Lê Lợi đã có những cuộc hành quân lên phía Tây Bắc để dẹp yên ý định ly khai của các tù trưởng. Do đó, rất có thể ông đã phát hiện và đưa rùa từ Hòa Bình theo đường sông.

Ngay sau đó, ông Nguyễn Nhiêu Cốc, Bí thư tỉnh Hòa Bình cùng rất nhiều nhà báo Hà Nội có mặt. Một số đại gia muốn mua nhưng những thanh niên trẻ đang ngỡ ngàng và lo lắng nên không dám bán. 

Đến 11 giờ trưa, ông Cốc tuyên bố đây là tài sản của nhà nước và yêu cầu chuyển gấp ra trung tâm thủy sản để chăm sóc, kẻo con ba ba sẽ chết vì bị nhiều vết thương. Họ đã trả công cho nhóm thanh niên là 10 triệu đồng nhưng phải nhiều đợt mới lấy được hết.

Sau đó, người ta thả con ba ba vào một bể nước ở khu nhà sàn của trung tâm thủy sản. Mấy hôm sau chuyển ba ba ra khu du lịch tỉnh Hòa Bình. Họ bán vé 200 đồng/một người cho khách thập phương đến ngắm. Phần vì bị thương, phần vì không phù hợp môi trường sống, sau gần hai tháng, con ba ba khổng lồ đã qua đời.

Tôi đọc trong áng mo "Đẻ đất, đẻ nước" của người Mường có đoạn kể: Một hôm Lang Đá Cần, vị Lang đầu tiên cai quản đất Mường đi bẫy và bắt được một con rùa. Con rùa van nài Lang đừng giết thịt, bù lại rùa mách bảo cho cách làm nhà sàn. Rùa dạy: "Bốn chân tôi là bốn cột cái/Hai mai tôi là hai mái nhà/Xương sống tôi là đòn nóc/Chặt cây lim làm cột/Lạt buộc bằng cây giang/Cỏ gianh dùng để lợp". Hình ảnh con rùa cho đến nay không chỉ là con vật linh thiêng được người Mường tôn thờ mà còn sáng tạo ra một cách tính ngày tốt, giờ tốt gọi là phương pháp "trừ đá Rò" (Rò ở đây được hiểu là Rùa)

Không biết có phải bởi điều linh thiêng ấy mà khi tôi hỏi thêm anh Quang về chuyện bắt ba ba..Anh đang bế cháu lắc đầu quầy quậy và nói: Tôi không nhớ gì hết. Lâu rồi, tôi không muốn nhắc lại nữa. Anh có vẻ hoảng hốt hay một điều gì đó khó giải thích. Bế cháu bé đi luôn.

Mọi người kể về việc khi vây bắt ba ba về, anh Quang ngủ thường nghe thấy tiếng thở phì phì của ba ba bên tai. Anh sợ và bị mất vía. Gia đình cũng vài lần đưa anh đi làm lễ khấn vái, tìm lại vía. Họ cũng đồn thổi ba ba là con vua Thủy Tề. Khi nó sống 300 năm thì đã thành tinh. Bắt nó là đắc tội...

Anh Nguyễn Văn Nở lại nghĩ khác. Tôi không thấy gì hết. Có người thêu dệt nên thôi. Mấy anh em tôi công việc vẫn bình thường. Hàng ngày đi xây lo cho cuộc sống thôi.

Ông Nguyễn Văn Thức trưởng xóm còn kể rằng, sau đó người ta còn phát hiện một vệt lết trên bùn to bằng mặt bàn uống nước về phía sông Đà. Ông phỏng đoán như vậy là một đôi rùa. Một con đã thoát được ra sông Đà.

Chuyện về cuộc sống thật dài trên 300 trăm năm và sự ra đi vội vã của nó nhiều điều suy ngẫm. Tuy nhiên ba ba là một nhân vật lịch sử gắn với không gian cổ tích của đầm Quỳnh Lâm.



Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem