Vận hành hồ Dầu Tiếng để giảm thiểu nguy cơ cho TP.HCM: Bài toán chưa có lời giải

Nguyên Vỹ Thứ sáu, ngày 15/07/2022 16:53 PM (GMT+7)
Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, việc vận hành hồ Dầu Tiếng để giảm thiểu nguy cơ cho TP.HCM là một bài toán khó, chưa có lời giải.
Bình luận 0

Tại hội nghị Phòng chống thiên tai khu vực miền Nam năm 2022 do Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai tổ chức tại TP.HCM ngày 15/7, vấn đề vận hành hồ Dầu Tiếng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu tham dự.

Mâu thuẫn lớn trong việc vận hành hồ Dầu Tiếng

Hồ Dầu Tiếng được đưa vào khai thác, sử dụng năm 1984. Hồ có nhiệm vụ đa mục tiêu: cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt cho các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Long An, TP.HCM. Bên cạnh đó, Hồ Dầu Tiếng còn có nhiệm vụ cắt giảm lũ, đẩy mặn cho vùng hạ du sông Sài Gòn.

Hiện tại hồ Dầu Tiếng có diện tích lưu vực 270 km2, dung tích toàn bộ 1.580 triệu m3. Ảnh: Người dân sinh sống trên khu bán ngập lòng hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hiện tại hồ Dầu Tiếng có diện tích lưu vực 270 km2, dung tích toàn bộ 1.580 triệu m3. Ảnh: Người dân sinh sống trên khu bán ngập lòng hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Sau gần 40 năm đi vào hoạt động, hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng đóng vai trò rất lớn trong việc cung cấp nguồn nước sạch cho phát triển các ngành kinh tế - xã hội của các tỉnh thành. Hồ Dầu Tiếng do Công ty TNHH Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa quản lý.

Ngoài việc đảm bảo nhu cầu về nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp sinh hoạt, môi trường phục vụ phát triển vùng kinh tế trọng điểm; nhờ có hồ Dầu Tiếng điều tiết lũ mà ngập lụt ở hạ du sông Sài Gòn đã giảm đáng kể so với trước khi xây dựng công trình, giảm thiểu thiệt hại cơ sở hạ tầng ở hạ du.

Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa quá nhanh ở hạ lưu sông Sài Gòn, vấn đề ngập lụt cơ sở hạ tầng ở hạ du mỗi khi hồ Dầu Tiếng xả lũ là một vấn đề rất lớn.

Ông Tô Văn Thanh - Chủ tịch Công ty Dầu Tiếng - Phước Hòa. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Tô Văn Thanh - Chủ tịch Công ty Dầu Tiếng - Phước Hòa. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Tô Văn Thanh - Chủ tịch Công ty Dầu Tiếng - Phước Hòa cho biết: "Trong tương lai, do tác động của biến đổi khí hậu, nếu hồ Dầu Tiếng xả lũ nhiều hơn, thì ngập lụt càng trở nên trầm trọng".

Theo ông Thanh, trong trường hợp lũ lớn, việc xả lũ nhằm đảm bảo an toàn công trình, nhưng phải giảm thiểu ngập lụt cho hạ du cũng đang là mâu thuẫn gay gắt trong thực tế đã và đang tồn tại sau gần 40 năm vận hành công trình hồ Dầu Tiếng.

Bài toán khó với việc vận hành hồ Dầu Tiếng

Hồ Dầu Tiếng được vận hành trong mùa lũ theo quyết định 3474 năm 2020 của Bộ NNPTNT và QĐ 1985 của Thủ tướng Chính phủ năm 2019.

Theo thiết kế, lưu lượng xả tràn của hồ Dầu Tiếng có thể lên đến 2.800 m3/s. Trên thực tế, hồ Dầu Tiếng mới chỉ xả 3 đợt lớn, với lưu lượng tối đa lên đến 600 m3/s vào năm 2000; 538 m3/s năm 1986 và 400 m3/s vào năm 2008.

Tuy vậy, theo thông tin từ nhiều địa phương (TP.HCM, Bình Dương), các đợt xả lũ này đã làm ngập khá nhiều nơi.

"Như vậy, trong trường hợp xảy ra lũ lớn, đe dọa đến an toàn công trình và bắt buộc phải xả lũ với lưu lượng lớn hơn trong lịch sử, thì ảnh hưởng đến ngập lụt ở hạ du như thế nào?", ông Thanh đặt vấn đề.

Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà chủ động xả tràn, hạ thấp mực nước hồ Dầu Tiếng theo quy định vận hành. Ảnh: Minh Dương

Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa chủ động xả tràn, hạ thấp mực nước hồ Dầu Tiếng theo quy định vận hành. Ảnh: Minh Dương

Đại diện Công ty Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa cho biết, việc vận hành xả lũ hồ Dầu Tiếng hiện đang tồn tại nhiều bất cập. Và việc xả lũ hồ Dầu Tiếng hiện đang phải đối diện với nhiều rủi ro.

Trước hết, chỉ có 1 tuyến thoát lũ cho hồ Dầu Tiếng là sông Sài Gòn. Trong khi sức tải lũ đoạn sông Sài Gòn ở chân đập về đến cầu Bến Súc nhỏ; làm gia tăng ngập lụt nghiêm trọng mỗi khi lưu lượng xả qua tràn vượt quá 200m3/s.

Hồ Dầu Tiếng chưa có tràn sự cố khi xảy ra lũ cực lớn có nguy cơ vỡ đập.

Cao trình đập chính và đập phụ hồ Dầu Tiếng chưa đáp ứng được quy trình đảm bảo an toàn cho công trình.

Nguy cơ xảy ra sự cố cửa van cung là rất cao trong khi không có cửa van sự cố để kịp thời chặn dòng nước từ hồ xả xuống hạ du, gây ngập và mất nước hồ không kiểm soát.

Để hạn chế rủi ro do xả lũ và sự cố của hồ Dầu Tiếng, Bộ NNPTNT đã và đang xây dựng phương án, kế hoạch ứng phó khẩn cấp cho vùng hạ du sông Sài Gòn.

Để giải quyết căn cơ bài toán xả lũ hồ Dầu Tiếng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình và cho hạ du, ông Thanh cho rằng cần xem xét tổng thể các nhóm giải pháp công trình và phi công trình.

Theo đó, Công ty Dầu Tiếng – Phước Hòa đề xuất giải pháp cần đầu tư bổ sung tràn sự cố cho hồ Dầu Tiếng. Đồng thời cần có chương trình, kế hoạch nạo vét sông Sài Gòn nhằm tăng cường năng lực thoát lũ của hồ Dầu Tiếng, đảm bảo an toàn cho công trình đầu mối và vùng hạ du sông Sài Gòn.

Ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết: "Đối với TP.HCM, việc vận hành hồ Dầu Tiếng là một bài toán hiện nay chưa có lời giải".

Năm 2011, hồ Dầu Tiếng vận hành xả lũ 450m3/s, nhưng phải đóng lại vì nguy cơ rủi ro là rất lớn và sẽ gây ngập lụt cho TP.HCM. May mắn là mưa lũ đã giảm đi ngay sau đó.

Theo ông Hoài, lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai không chỉ có mỗi hồ Dầu Tiếng mà còn có một chuỗi các hồ chứa khác.

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai được giao theo dõi, vận hành chuỗi hồ chứa này. Đến nay, việc vận hành xả lũ của lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai là một vấn đề vô cùng khó khăn, phức tạp.

Trước đó, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã làm việc với Trường Đại học Bách khoa TP.HCM và Viện Khoa học Thủy lợi.

Ông Hoài cho biết, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục làm việc với TP.HCM bàn kỹ lại vấn đề này.

"Nếu khi có tình huống xấu xảy ra, nguy cơ sẽ rất lớn, thiệt hại gây ra sẽ không nhỏ, và có thể trở thành thảm họa đối với TP.HCM", ông Hoài nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem