"Lùm xùm" vụ mì Hảo Hảo bị thu hồi: Bộ Công thương nói gì?

28/08/2021 08:05 GMT+7
Bộ Công Thương đã vào cuộc khẩn trương xác minh thông tin liên quan đến cảnh báo của Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland về sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good của Acecook.

Đề nghị Công ty cổ phần Acecook Việt Nam khẩn trương báo cáo

Ngay khi nắm được thông tin cảnh báo về sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good, Bộ Công Thương đã đề nghị Công ty cổ phần Acecook Việt Nam khẩn trương báo cáo về quy trình sản xuất và sự khác biệt giữa lô sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đối với 2 sản phẩm này để đánh giá sự xuất hiện chất Ethylene Oxide.

Đây là chất không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm theo Thông tư 50/2016/TT-BYT trong sản phẩm như cảnh báo nêu.

Đồng thời, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm do Công ty cổ phần Acecook Việt Nam phân phối trong nước, kiểm tra xác minh làm rõ quy trình sản xuất và các vi phạm nếu có để bảo vệ quyền lợi người tiêu dung.

Theo quy định của Luật an toàn thực phẩm Việt Nam và các quy định có liên quan, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 20/8, trang web của Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) cho biết đã thu hồi một số sản phẩm mì ăn liền do có thành phần Ethylene Oxide. Trong đó, bao gồm 2 sản phẩm của Việt Nam là miến và mì tôm chua cay Hảo Hảo.

“Một số lô sản phẩm mì ăn liền đang bị thu hồi do có chứa Ethylene Oxide – thành phần thuốc trừ sâu. Thành phần này không được phép sử dụng trong thực phẩm bán tại EU. Mặc dù việc tiêu thụ sản phẩm có chất này không gây nguy hiểm cấp tính, nhưng có thể gây vấn đề về sức khỏe nếu tiếp tục tiêu thụ trong một thời gian dài. Do đó, cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với chất này.

Mì Hảo Hảo chứa chất độc có thể gây ung thư, Bộ Công thương vào cuộc - Ảnh 1.

Bộ Công Thương khẩn trương xác minh thông tin liên quan đến cảnh báo của Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland về sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good của Acecook.

Thông báo thu hồi tại điểm bán hàng sẽ được hiển thị trong các cửa hàng được cung cấp cùng các lô liên quan”, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland thông báo.

Ethylene Oxide (EO), hay còn gọi là oxiran và epoxit, là một hợp chất hữu cơ thường được tìm thấy ở dạng khí không màu và rất dễ cháy. Về ứng dụng và mục đích sử dụng, EO được sử dụng chủ yếu làm hoá chất trung gian trong sản xuất ethylene glycol (chất chống đông), hàng dệt, chất tẩy rửa, bọt polyurethane, dung môi, thuốc, chất kết dính, nguyên liệu cho sản xuất nhựa Polyethylene terephthalate (PET) và các sản phẩm khác.

Ngoài ra, EO còn được sử dụng làm sản phẩm khử trùng, hun trùng có hiệu quả cao, được phép sử dụng ở nhiều quốc gia cho mục đích kiểm soát côn trùng trong một số sản phẩm nông sản, khử khuẩn các nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm (đặc biệt cho gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế,... trước yêu cầu luôn cần kiểm tra thường xuyên vi khuẩn Salmonella).

Đây không phải lần đầu tiên các sản phẩm ăn liền do công ty Acecook Việt Nam sản xuất bị thu hồi. Tháng 12/2020, hãng tin Hàn Quốc Yonhap News cho biết Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc (KFDA) cùng cơ quan chức năng đã thu hồi và xử lý sản phẩm phở bò ăn liền Peacook của Acecook do chứa hàm lượng Benzopyrene vượt quá giá trị tiêu chuẩn trong dầu hương liệu.

Công ty Acecook Việt Nam nói gì về việc mì Hảo Hảo chứa chất độc?

Ngay sau lùm xùm nói trên, Công ty Acecook Việt Nam đã có phản hồi liên quan đến sự việc.

Trên Thanh Niên, đại diện Công ty Acecook Việt Nam phản hồi như sau: "Sự việc được nêu ra tại trang web của Cơ quan Quản lý thực phẩm Ireland. Chúng tôi khẳng định sản phẩm bị thu hồi trong thông tin được đề cập tại trang web này là sản phẩm xuất khẩu, không cùng lô hàng sản xuất với sản phẩm nội địa tại Việt Nam. Công ty Acecook Việt Nam không sử dụng công nghệ Ethylene Oxide ở bất kỳ công đoạn sản xuất nào. 

Hiện chúng tôi đang tiến hành phân tích, kiểm tra và điều tra trên diện rộng ở các nguyên liệu, thiết bị, quy trình liên quan để nhận định nguyên nhân và sẽ có biện pháp đối ứng kịp thời, hữu hiệu nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng. 

Đồng thời, chúng tôi cũng đã làm việc với các nhà cung cấp nguyên liệu và nhà cung cấp cũng khẳng định không sử dụng Ethylene Oxide trong quy trình sản xuất của họ. Chúng tôi đã yêu cầu họ kiểm soát và tuyệt đối không sử dụng công nghệ Ethylene Oxide trong quy trình sản xuất, tuyệt đối thực hiện đúng theo các cam kết này với Acecook Việt Nam".

Ông chủ Acecook Việt Nam là ai?

Theo tìm hiểu, Chủ sở hữu của thương hiệu Mì Hảo Hảo là Công ty cổ phần Acecook Việt Nam (viết tắt: Vina Acecook) – được thành lập tại Tp. HCM từ cuối năm 1993. Cơ cấu sở hữu Vina Acecook ngoài hai cổ đông Nhật Bản còn có sự xuất hiện của một cổ đông Việt Nam, là ông Hoàng Cao Trí (SN: 1962) – người nắm giữ 25,16% cổ phần còn lại.

Tiền thân của nó là Công ty liên doanh Vifon Acecook, kết quả hợp tác theo tỷ lệ góp vốn 60:40 giữa nhà đầu tư Nhật Bản Acecook Co., Ltd và đối tác Việt Nam, là Công ty kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) – doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, khi ấy trực thuộc Bộ Công nghiệp.

Mì Hảo Hảo chứa chất độc có thể gây ung thư, Bộ Công thương nói gì? - Ảnh 2.

Hiện ông Kajiwara Junichi đang là Tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam. Ảnh Acecook.

Đến năm 2002, Vifon triệt thoái vốn, Vifon Acecook – theo báo chí thời ấy – trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Trước đó 2 năm – năm 2000, Vifon Acecook cho ra đời sản phẩm mì gói huyền thoại của mình, Hảo Hảo, đánh dấu bước đột phá của công ty trên thị trường mì ăn liền.

Năm 2004, Vifon Acecook di dời nhà máy về Khu công nghiệp Tân Bình và chính thức đổi tên thành Công ty TNHH Acecook Việt Nam. Rồi đến năm 2008, tiếp tục đổi tên thành Công ty cổ phần Acecook Việt Nam như hiện nay.

Được biết, Vina Acecook đã trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sau khi Vifon triệt thoái vốn, nhiều người cũng tin rằng đại gia Nhật Bản Acecook Co., Ltd là chủ sở hữu tuyệt đối của Vina Acecook. Thực tế không hẳn vậy.

Tính đến cuối năm 2018, vốn điều lệ của Vina Acecook là 298,4 tỷ đồng. Trong đó, Acecook Co., Ltd sở hữu 56,64%, giữ vai trò là công ty mẹ.

Marubeni Foods Investment Asia Cooperatie F U.A (quốc tịch: Hà Lan), thành viên của Tập đoàn Marubeni (Marubeni Coporation) – đại gia trong lĩnh vực thực phẩm, giấy và công nghiệp nặng Nhật Bản - nắm giữ 18,296%. Phần cổ phần này, theo tìm hiểu của VietTimes, được Vina Acecook phát hành riêng lẻ cho Marubeni vào đầu năm 2010.

Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu thuần của công ty tăng trưởng liên tục, từ : 8.413 tỷ đồng (2016) lên 8.878 tỷ đồng (2017) rồi 9.828 tỷ đồng (2018) và cán mốc 10.647 tỷ đồng (2019). Doanh thu này đều cao gấp nhiều lần các thương hiệu có danh khác như: Thực phẩm Á Châu (mì Gấu đỏ), Uniben (mì Ba miền), Colusa-Miliket (mì Miliket) hay Vifon (đối tác cũ)…

Tương ứng, mức lãi gộp các năm cũng tăng trưởng liên tục: 2.507 tỷ đồng (2016), 2.717 tỷ đồng (2017), 3.151 tỷ đồng (2018) và 3.628 tỷ đồng (2019).

Kết quả, lợi nhuận sau thuế của công ty cũng không ngừng gia tăng với tốc độ rất nhanh, từ 920 tỷ đồng (2016) lên 1.115 tỷ đồng (2017), lên tiếp 1.382 tỷ đồng (2018) rồi đạt 1.660 tỷ đồng (2019). Tính chung 4 năm, lợi nhuận sau thuế đã tăng tới 80%!

Với lợi nhuận khổng lồ đó, quy mô vốn chủ sở hữu của Acecook “nở” ra vô cùng nhanh chóng, từ 4.141 tỷ đồng (2016) lên 5.156 tỷ đồng (2017) rồi 6.032 tỷ đồng (2018) trước khi đạt tới 7.096 tỷ đồng (2019). Cần nhắc lại, vốn điều lệ của công ty tính tới năm 2020 chỉ là 298 tỷ đồng.

Với vốn chủ sở hữu lớn như vậy, không ngạc nhiên khi quy mô tài sản của Acecook được bồi đắp liên tục và phình ra theo thời gian: năm 2016, tổng tài sản mới là 5.366 tỷ đồng thì tới năm 2019 đã đạt tới 8.402 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 47%.

Dù quy mô vốn điều lệ chỉ chưa đầy 300 tỷ đồng nhưng giá vốn chủ sở hữu thực tế của Vina Acecook lại cao gấp cả chục lần. Bởi lẽ, tính đến cuối năm 2018, riêng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của ông lớn mỳ gói này đã đạt ngót 5.000 tỷ đồng.

Tham chiếu nhanh theo phương pháp P/E với một số doanh nghiệp tương đồng trên sàn chứng khoán cho thấy, mức định giá của Vina Acecook có thể đạt khoảng 1 tỷ USD. Tương ứng, giá trị lô cổ phần Vina Acecook đứng tên ông Hoàng Cao Trí có thể có giá tới cả trăm triệu USD.


An Vũ
Cùng chuyên mục