EIU: Bất bình đẳng phân phối vắc xin giữa nước giàu - nước nghèo, châu Á thiệt hại lớn nhất
Dự báo của EIU cho hay các quốc gia không thể đạt tỷ lệ tiêm chủng 60% dân số vào giữa năm 2022 có thể gánh thiệt hại khoảng 2,3 nghìn tỷ USD trong giai đoạn 2022-2025 do sự trì hoãn mở cửa trở lại. Agathe Demarais, Giám đốc dự báo toàn cầu của EIU cho hay: “Các nền kinh tế mới nổi sẽ gánh tới 2/3 thiệt hại này, qua đó càng làm gia tăng khoảng cách với các quốc gia phát triển hơn”.
Về mặt địa lý, các chuyên gia EIU cho biết châu Á sẽ là “châu lục bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất”, với thiệt hại dự kiến lên tới 1,7 nghìn tỷ USD, tương đương 1,3% quy mô GDP dự báo của khu vực. Tiếp theo là các nước châu Phi cận Sahara, với mức thiệt hại tương đương khoảng 3% GDP khu vực.
Đáng nói hơn, EIU cảnh báo những ước tính này chỉ là một phần trong số thiệt hại kinh tế tiềm năng mà đại dịch Covid-19 và sự chậm trễ trong tiến độ tiêm chủng có thể gây ra trong dài hạn. Ước tính cũng chưa bao gồm tác động của đại dịch với hoạt động giáo dục.
Dữ liệu được tổng hợp bởi Đại học Johns Hopkins cho thấy tính đến thời điểm này, cả thế giới có hơn 213 triệu ca nhiễm Covid-19 và ít nhất 4,4 triệu người đã tử vong.
Trong trận chiến với đại dịch, các quốc gia giàu có đang vượt xa các nước nghèo về tỷ lệ tiêm chủng trên quy mô dân số. Một số quốc gia như Mỹ, Anh, Nhật Bản thậm chí đang xem xét tiêm liều vắc xin bổ sung thứ 3 nhằm tăng cường hệ miễn dịch và thúc đẩy mở cửa trở lại bền vững. Trong khi đó, các nước nghèo đang tụt hậu trong chiến dịch tiêm chủng với tỷ lệ tiêm chủng vắc xin rất thấp.
Khoảng 5 tỷ liều vắc xin đã được sử dụng trên toàn cầu tính đến ngày 23/8, nhưng chỉ có 15,02 triệu liều trong số đó là ở các nước thu nhập thấp, theo Our World in Data.
Một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng phân phối vắc xin không đồng đều là do năng lực sản xuất có hạn, thiếu hụt nguyên liệu sản xuất vắc xin, thách thức trong khâu hậu cần liên quan đến việc vận chuyển và bảo quản vắc xin cũng như sự ngờ vực của dư luận về hiệu quả, tính an toàn của vắc xin. Cho đến nay, nhiều quốc gia đang phát triển không có đủ năng lực mua vắc xin cho người dân và phải tìm đến nguồn tài trợ từ các quốc gia giàu hơn. Nhưng các sáng kiến toàn cầu về phân phối vắc xin như COVAX đã không đạt được hiệu quả kỳ vọng khi Ấn Độ - nguồn cung vắc xin chủ yếu cho COVAX - ngừng xuất khẩu vắc xin khi nước này trở thành một trong những ổ dịch nghiêm trọng nhất toàn cầu hồi quý II năm nay.
Bà Agathe Demarais chỉ ra rằng: “Có rất ít cơ hội rằng khả năng tiếp cận vắc xin sẽ được phân phối đồng đều cho các quốc gia. Sáng kiến COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới WHO hậu thuẫn để vận chuyển vắc xin đến các nền kinh tế mới nổi chỉ đạt được hiệu quả khiêm tốn. Bất chấp những thông cáo báo chí hay lời hứa hẹn hào phóng, các khoản quyên góp từ nước giàu cũng chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu vắc xin (của các nước nghèo”.
Sáng kiến COVAX đặt mục tiêu cung cấp cho các nước nghèo, nước đang phát triển khoảng 2 tỷ liều vắc xin trong năm nay. Nhưng cho đến nay, gần 8 tháng đã trôi qua và mới chỉ có 217 triệu liều vắc xin được phân phối thông qua COVAX, theo UNICEF. 217 triệu liều này tính cả số liều đã được chuyển đến các nước phát triển như Anh, Úc, Canada, New Zealand, theo hãng thông tấn AP.
Các nhà kinh tế học EIU chỉ ra rằng những quốc gia nghèo có khả năng phục hồi sau dịch chậm chạp hơn các nước giàu, đặc biệt nếu tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn khiến các nước này phải kéo dài việc áp dụng nhiều biện pháp hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt.
“Ở đây, một lần nữa, sự tương phản giàu nghèo sẽ rất rõ ràng: các quốc gia giàu có với tỷ lệ tiêm chủng cao sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong việc phục hồi kinh tế; trong khi các quốc gia nghèo hơn với tỷ lệ tiêm chủng thấp thì không” - bà Demarais khẳng định.