"Mở lòng" để lắng nghe tâm sự của "những đứa trẻ lầm lỡ"

Xuân Huy Thứ năm, ngày 25/04/2024 21:16 PM (GMT+7)
Trong không khí cởi mở, chân tình và ấm áp, Công an quận Hà Đông, Hà Nội, đã có buổi đối thoại với hơn 250 thanh, thiếu niên có quá khứ "lầm lỡ" và có nguy cơ vi phạm pháp luật trên địa bàn, với mục tiêu tất cả "vì sự bình yên của con trẻ".
Bình luận 0

Ngày 25/4, Công an quận Hà Đông, Hà Nội, tổ chức buổi đối thoại giữa Ban chỉ huy Công an quận với thanh, thiếu niên có quá khứ "lầm lỡ"; những thanh, thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật trên địa bàn quận Hà Đông.

Hội nghị diễn ra trong không khí cởi mở, chân tình và ấm áp, em L. (một trong số gần 250 thanh, thiếu niên tham dự tại buổi đối thoại) bày tỏ: "Buổi đối thoại rất ý nghĩa, em có thêm rất nhiều bài học qua buổi hôm nay".

"Mở lòng" để lắng nghe tâm sự của "những đứa trẻ lầm lỡ"- Ảnh 1.

Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: Xuân Huy.

Chỉ huy Công an quận Hà Đông chia sẻ đây là một trong những hội nghị quan trọng được Công an quận Hà Đông tổ chức, trên cơ sở báo cáo và được sự chỉ đạo, chuẩn y của Ban Giám đốc Công an TP. Hà Nội và quận Hà Đông hướng đến mục tiêu cao nhất là "vì sự bình yên của con trẻ".

Buổi đối thoại có sự tham dự của lãnh đạo Công an quận Hà Đông, đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Hà Đông; lãnh đạo UBND 17 phường, hơn 40 cơ sở giáo dục trên địa bàn cùng Trung tâm Trợ giúp Pháp lý (Sở Tư pháp Hà Nội)...

 "Mở lòng" để lắng nghe con trẻ 

Từ 8h15, gần 250 thanh, thiếu niên có quá khứ "lầm lỡ" và có nguy cơ vi phạm pháp luật cùng các phụ huynh trên địa bàn quận Hà Đông đã tới trụ sở Công an quận để dự buổi gặp gỡ, đối thoại. 

Để các bạn trẻ xóa nhòa đi sự tự ti và khoảng cách, thoải mái cởi mở, chia sẻ, trước khi bắt đầu chương trình, Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông cho biết, mục đích của buổi đối thoại là mong muốn các bạn trẻ được "thoải mái" trải lòng, Công an quận cùng các bậc phụ huynh luôn lắng nghe, đồng hành cùng các em. Từ đó, những tâm tư, thắc mắc, những nguyện vọng sẽ được cán bộ, chiến sĩ công an quận cùng các bậc phụ huynh giải đáp và đồng hành.

"Nhân chi sơ, tính bản thiện", ai trong chúng ta cũng đều vốn sẵn tính thiện từ khi chào  đời. Điều quan trọng là làm sao nuôi dưỡng được tính 'thiện' ấy. Tôi cho rằng điều quan trọng là vai trò, trách nhiệm gần gũi, chia sẻ, định hướng của người lớn, của các bậc làm cha mẹ, để những đứa trẻ là con em mình, ngay từ bé cũng như khi chập chững bước vào cuộc sống, sẽ cảm nhận và ý thức được về tính thiện", Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền chia sẻ.

"Mở lòng" để lắng nghe tâm sự của "những đứa trẻ lầm lỡ"- Ảnh 2.

Đại diện Công an quận Hà Đông tại buổi đối thoại.

Chỉ huy Công an quận Hà Đông cũng nhấn mạnh công an quận mong muốn phối hợp với gia đình cùng quan tâm, quản lý, giáo dục, chia sẻ với các bạn trẻ. Từ đó, nhận biết kịp thời những thay đổi tâm, sinh lý của con trẻ cũng như trang bị những hiểu biết cần thiết về pháp luật, tránh những hậu quả đau lòng.

"Chúng ta hãy cùng mở lòng. Những vui buồn, vướng mắc, yêu ghét... các em hãy nói hết. Các bạn thanh thiếu niên, các chú luôn coi các cháu là con em của mình nên mong muốn được tâm sự, chia sẻ với các cháu chứ không áp đặt suy nghĩ. Chúng ta cùng nhau 'tìm để hiểu', rồi chọn được lối đi đúng, làm sao để không vượt qua ranh giới dẫn tới vi phạm pháp luật. Các cháu ngoan mới là niềm vui lớn nhất", người đứng đầu Công an quận Hà Đông nói.

Từ những lời tâm sự mở đầu, trong hơn 2 giờ diễn ra chương trình, hàng chục cánh tay của "những đứa trẻ" ấy được giơ lên. Từ những đứa trẻ có phần "nghịch ngợm", "cứng đầu", các em như được trút bỏ tự tin, mạnh dạn đứng lên phát biểu những suy nghĩ, câu hỏi của mình.

Sự bồng bột của tuổi trẻ và những bài học đắt giá

Theo thống kê, từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn quận Hà Đông xảy ra 23 vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến thanh, thiếu niên, với 68 trường hợp đang là học sinh. Số liệu cho thấy những sự những thanh, thiếu niên này gây nên chủ yếu do nhận thức còn hạn chế, thay đổi tâm sinh lý của lứa tuổi, ảnh hưởng của phim ảnh bạo lực, và những mặt trái của mạng xã hội…

Em B.C.Đ. (SN 2007, ở phường Phú Lương, quận Hà Đông) kể lại năm 2022, trong một lần thách thức trên mạng xã hội Facebook, em đã rủ thêm 26 bạn mang theo hung khí để đi đánh nhau. Sau vụ việc, cả 2 nhóm gồm 48 người bị xét xử về tội gây rối trật tự công cộng và cố ý gây thương tích. Em Đ. cho biết hiện này đã được Công an phường Phú Lương, chính quyền địa phương và gia đình giúp đỡ hòa nhập cộng đồng.

"Mở lòng" để lắng nghe tâm sự của "những đứa trẻ lầm lỡ"- Ảnh 3.

Hơn 200 thanh, thiếu niên trên địa bàn quận Hà Đông tham dự buổi đối thoại. Ảnh: Xuân Huy.

Trung tá Ngô Ngọc Nam, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Hà Đông cho biết em Đ. sau sự việc này đã nhận ra bài học đắt giá về sự bồng bột của tuổi trẻ. Chỉ vì chuyện nhỏ nhặt, không đáng để dẫn tới vi phạm pháp luật. "Đến nay, em Đ. đã tiến bộ rất rõ…", trung tá Nam chia sẻ.

"Đó không chỉ là bài học của riêng cháu Đ., mà tất cả các bạn ngồi đây hay trong lứa tuổi cần hiểu rằng, tuổi trẻ cần phấn đấu, học hành, đừng vì chuyện thanh niên 'con gà tức nhau tiếng gáy' mà rủ rê thêm cả bạn bè vi phạm pháp luật. Những chuyện trên mạng xã hội đều qua rất nhanh, các bạn cần tỉnh táo nhận thức rõ đâu là việc làm đúng", chỉ huy Công an quận Hà Đông chia sẻ.

Một trường hợp khác, em N.K.K (đang là học sinh một trường cao đẳng) tâm sự về hoàn cảnh gia đình khó khăn, phức tạp, không được sống cùng bố mẹ nên thiếu sự quan tâm, chăm sóc. Từ đó, K. giao du với nhóm bạn xấu, thường xuyên bỏ học chơi game, đua đòi hút thuốc lá điện tử. Thiếu tiền, K. được nhóm bạn rủ đi trộm xe máy. Sau khi có hành vi vi phạm pháp luật, K. đã đến Công an phường Mộ Lao đầu thú. Do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, K. được công an cho gia đình bảo lãnh về.

K. chia sẻ luôn cảm thấy có lỗi, mặc dù đã được mọi người tha thứ và tạo điều kiện sửa đổi. Tự răn mình, K. tự hứa sẽ không bao giờ bước vào con đường ấy nữa. Tại buổi đối thoại, K. thắc mắc liệu "Với hành vi trộm cắp tài sản như cháu sẽ bị xử lý như thế nào và hậu quả của việc sử dụng thuốc lá điện tử đối với lứa tuổi của chúng cháu?"

"Mở lòng" để lắng nghe tâm sự của "những đứa trẻ lầm lỡ"- Ảnh 4.

Trung tá Ngô Ngọc Nam, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Hà Đông. Ảnh: Xuân Huy.

Đại diện đội nghiệp vụ Công an quận Hà Đông đã giải thích cặn kẽ về các lứa tuổi, mức độ phải chịu trách nhiệm hình sự cũng như tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, các thủ đoạn dụ dỗ của các đối tượng bán thuốc lá điện tử có ma túy và nhấn mạnh thông điệp "Tuyệt đối không sử dụng thuốc lá điện tử dưới mọi hình thức".

Tại buổi đối thoại, bà Trần Kim Dung, Trưởng phòng Pháp luật hành chính – hình sự, Trung tâm Trợ giúp Pháp lý ( Sở Tư pháp Hà Nội) chia sẻ thêm các quy định về việc chịu trách nhiệm hình sự và hiện trạng có không ít người dưới 16 tuổi vi phạm pháp luật, và khuyến cáo: "Các cháu phải luôn suy nghĩ rằng không được vi phạm pháp luật, chứ không được nghe đối tượng xấu rủ rê, xui dại là chưa đến tuối chịu trách nhiệm hình sự".

Hoàn cảnh giống K. hiện nay không ít. Công an quận Hà Đông gửi gắm thông điệp mong các bậc phụ huynh thật sự quan tâm tới con, em; nắm bắt tâm sinh lý, các biểu hiện bất thường, chia sẻ để lực lượng công an, chính quyền cơ sở quan tâm "nắn lại suy nghĩ, định lại con đường" đúng cho các cháu bởi chỉ một phút lơ đễnh, tương lai phía trước của các em sẽ nhiều khó khăn.

Cô gái V.V.L. (SN 2005, phường Dương Nội) thì tâm sự chuyện mình năm 2019 nghe bạn xấu rủ rê vi phạm pháp luật và bị Tòa án nhân dân quận Hà Đông xử phạt 18 tháng tù treo, 36 tháng thử thách về tội cướp giật tài sản. Đến nay, L. đã chấp hành xong án treo. 

L hỏi: "Cháu cần làm gì để được xóa án tích, hòa nhập cộng đồng?".

Sau khi đội nghiệp vụ Công an quận giải thích, hướng dẫn cặn kẽ các thủ tục cần thiết cho cháu L. Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền một lần nữa chia sẻ: "Bài học quá đắt với tuổi trẻ. Giá như các cháu đều biết điểm dừng, để đừng phí hoài thanh xuân. Các cháu cần nhận thức rõ vấn đề này. Vài phút bốc đồng sẽ phải trả giá rất đắt. Không chỉ các cháu, gia đình và người thân cũng sẽ rất dằn vặt, đau khổ".

Sửa sai không bao giờ là quá muộn

Từng có quá khứ lầm lỡ, em L.T.Đ. tâm sự mình từng là học sinh cá biệt, nghịch ngợm, không nghe lời bố mẹ, thầy cô giáo, thường tụ tập chơi với một số bạn xấu, bỏ bê học hành, tham gia gây rối trật tự công cộng nên đã vi phạm pháp luật. 

"Điều cháu ghi nhớ nhất là ngày cháu được các chú Công an quận Hà Đông cho gia đình bảo lãnh về nhà. Khi đó, bố mẹ đến đón cháu, nhìn thấy cháu hai mắt mẹ rưng rưng, mẹ hỏi cháu "Con có khỏe không, có đói không, có nghe lời các chú công an không?". Khi về đến nhà bố mẹ không hề quát mắng mà chỉ lặng lẽ nhìn cháu, thấy bố mẹ gầy sạm đi vì lo lắng, cháu biết là bố mẹ rất thương và buồn vì cháu.

"Mở lòng" để lắng nghe tâm sự của "những đứa trẻ lầm lỡ"- Ảnh 5.

Các thanh, thiếu niên, chăm chú lắng nghe những chia sẻ. Ảnh: Xuân Huy.

Với những nỗ lực của bản thân cháu, sau khi học hết cấp ba, cháu thi đỗ 3 trường đại học, cháu đã chọn Trường cao đẳng nghề bách khoa – Khoa công nghệ thông tin vì cháu thích học về công nghệ thông tin và học trường này khi ra trường cháu có kiến thức về nghề để có thể đi làm lo cho bản thân, phụ giúp bố mẹ và gia đình".

Câu chuyện của Đ là minh chứng rõ cho việc, không bao giờ là quá muộn khi bản thân biết sửa sai. Chỉ cần mỗi người nhận ra được sự sai lầm của mình, biết phấn đấu, nỗ lực vươn lên thì sẽ sớm của "quả ngọt".

Tại buổi đối thoại, ông L.T.L bố của Đ. xúc động gửi lời cảm ơn lực lượng công an, chính quyền địa phương và các thầy cô giáo đã giúp đỡ con mình vượt qua lỗi lầm để trưởng thành thật sự.

Ông L. nói: "Tôi chỉ muốn chia sẻ rằng, các bậc làm cha làm mẹ hãy cố gắng đừng vì mưu sinh cuốn lấy chúng ta, mỗi gia đình nên dành thời gian quan tâm, giáo dục, quản lý con tốt hơn, hãy là bạn với con các bác ạ. Khi con mắc lỗi hãy cố gắng tìm hiểu nguyên nhân, gần gũi, tâm sự động viên con. Hãy nhìn nhận lỗi của con cũng một phần lỗi, trách nhiệm của bậc phụ huynh chúng ta…" .

Một câu chuyện khác của bà T.T.T.X chia sẻ cũng thu hút sự chú ý của mọi người. Bà là phụ huynh của một thanh niên đã gây ra tại nạn giao thông làm chết người khi không đủ tuổi được phép đi xe máy trên 50cc. Với sự giúp đỡ, quan tâm của lực lượng công an, con bà đã vượt qua mặc cảm và thi đỗ đại học.

Bà X chia sẻ: "Sự việc xảy ra như vậy một phần lỗi của gia đình khi đã cho con điều khiển xe máy khi cháu chưa đủ tuổi. Đây không chỉ là bài học của riêng con tôi, gia đình tôi mà còn dành cho các bậc phụ huynh cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đặc biệt là cần quản lý, nhắc nhở con không điều khiển xe tham gia giao thông khi chưa đủ điều kiện để tránh xảy ra điều đáng tiếc. Không nên vì bận rộn công việc mà giao hẳn xe máy cho con tự đến trường. Điều này không chỉ gây nguy cơ mất an toàn cho con mình, mà còn gây ra nhiều mối đe dọa cho xã hội"…

"Những câu chuyện rất điển hình hôm nay vừa mang tính cảnh báo, vừa giúp cho mỗi thanh thiếu niên và các bậc phụ huynh ở đây đều sẽ, có bài học cho riêng mình nhất là với các cháu có nguy cơ vi phạm pháp luật. Tôi tin rằng, các cháu và các bậc phụ huynh sẽ rời khỏi đây với tâm lý tích cực hơn, bước chân không còn nặng nề. Mong rằng chúng ta sẽ luôn gặp nhau trong hoàn cảnh vui vẻ. Sự trưởng của các cháu chính là niềm vui đặc biệt cho chúng tôi...", Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền Trưởng Công an quận Hà Đông nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem