Mở rộng nghề nông nghiệp trong kỳ thi nghề quốc gia

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 25/09/2020 06:19 AM (GMT+7)
Sau 11 lần tổ chức, cuộc thi kỹ năng nghề quốc gia đã khẳng định được thương hiệu. Cuộc thi không chỉ nâng tầm về quy mô mà còn được nâng cao chất lượng. Đặc biệt, trong thời gian tới, Ban tổ chức sẽ xem xét đưa vào thi nhiều hơn các nghề trong ngành nông nghiệp.
Bình luận 0

7 nghề mới được đưa vào chương trình thi

Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11, năm 2020 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt vì cả nước đang đối mặt với dịch Covid-19, tuy nhiên, không vì thế mà kỳ thi mất đi sức hút. So với kỳ thi trước, năm nay kỳ thi tăng cả về quy mô lẫn chất lượng, với số nghề được tổ chức nhiều nhất là 34 nghề, trong đó có 7 nghề mới.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) vừa gặp mặt báo chí để thông tin về kỳ thi kỹ năng quốc gia lần thứ 11 và tuyên dương học sinh, sinh viên giáo dục nghề xuất sắc, tiêu biểu năm 2020. Bà Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 có 34 nghề được tổ chức thi, trong đó có 31 nghề chính thức và 3 nghề trình diễn.

Mở rộng nghề nông nghiệp trong kỳ thi nghề quốc gia  - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi tay nghề ASEAN, nghề may tại Hà Nội. Ảnh: Minh Nguyệt

Kỳ thi sẽ diễn ra từ ngày 29/9 đến 10/10/2020. Lễ khai mạc kỳ thi dự kiến được tổ chức vào lúc 19 giờ ngày 4/10/2020 tại Hà Nội. Tại lễ khai mạc, sẽ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ngày kỹ năng lao động Việt Nam, hiện đang trình Thủ tướng phê duyệt. Đồng thời, sẽ vinh danh trao thưởng bằng khen của Thủ tướng cho một số thí sinh xuất sắc đoạt giải cao tại các kỳ thi kỹ năng nghề ASEAN và thế giới.

Đặc biệt, có 7 nghề lần đầu tiên được tổ chức thi là: Phay công nghệ cao, tiện công nghệ cao, dịch vụ lễ tân, điều khiển công nghiệp, chăm sóc sức khỏe và công tác xã hội, thiết kế thời trang kỹ thuật số và công nghệ nước. Theo đơn vị tổ chức, kỳ thi này có tổng số 505 thí sinh đến từ 50 đoàn đăng ký dự thi, trong đó có 4 bộ, ngành; 1 tập đoàn; 1 hiệp hội; 1 tổng công ty và 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bà Nguyễn Thị Việt Hương nhận định: "Cuộc thi kỹ năng nghề quốc gia là sự kiện nhằm tìm ra các đối tượng xuất sắc nhất để tham dự các kỳ thi tay nghề khu vực và thế giới. Đồng thời cuộc thi cũng giúp lan tỏa sức mạnh của giáo dục nghiệp trong nước và quốc tế. Mặt khác kỳ thi cũng tạo điều kiện kết nối doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục nghề nghiệp".

Mở rộng các ngành nông nghiệp

Qua 11 lần tổ chức, cuộc thi tay nghề đã được mở rộng cả về quy mô và chất lượng, tuy nhiên, theo quan sát của các chuyên gia vẫn chưa có nhiều nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Hiện tại mới chỉ có một số ngành nghề truyền thống thiên về dịch vụ như mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng, công nghệ nước. Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết, nguyên nhân là do các mã ngành nông nghiệp ít, các đơn vị tham gia cũng không nhiều.

"Thời gian tới chúng tôi dự kiến sẽ điều chỉnh quy mô của kỳ thi và mở rộng chương trình. Theo đó Vụ đang xem xét trình phương án mở rộng đối tượng, độ tuổi và ngành nghề ở nhiều lĩnh vực trong các cuộc thi tiếp theo. Đây là cơ hội để xem xét đưa thêm nhiều ngành nghề nông nghiệp vào Kỳ thi" - ông Trường nói.

Trao đổi xung quanh vấn đề này, ông Dương Đức Lân - Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Công tác xã hội cho rằng, thông thường các ngành nghề được đưa vào thi kỹ năng nghề quốc gia là những ngành nghề phổ thông được khu vực và quốc tế lựa chọn đưa vào các kỳ thi tay nghề khu vực và thế giới. Các nhóm ngành nghề nông nghiệp đúng là không có trong danh mục thi kỹ năng nghề quốc gia và cả quốc tế.

"Có lẽ cũng nên đặt vấn đề mở rộng, đưa các ngành nghề nông nghiệp vào trong kỳ thi tay nghề quốc gia. Nguyên nhân bởi đây là cuộc thi nhằm tôn vinh kỹ năng nghề của lao động trong nước - tức là nước ta có nghề nào, thế mạnh nghề gì thì mang ra thi để giao lưu, học hỏi, nâng tầm kỹ năng. Nếu hiểu như vậy, thì ngành nghề nông nghiệp cần được đưa vào kỳ thi nhiều hơn" - ông Lân nêu ý kiến.

Cũng theo quan điểm của ông Lân, không cứ các ngành được chọn đi dự thi trong khu vực, quốc tế thì mới có thể đưa vào kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia. Chúng ta vẫn có thể mở rộng nghề thi và chỉ cần quy định, các ngành nghề thi phục vụ cho việc tăng cường kỹ năng trong nước mà không cần đi dự thi tay nghề khu vực hay quốc tế. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem