Morgan Stanley dự đoán tăng trưởng GDP quý I Trung Quốc thấp kỷ lục 3,5%

19/02/2020 15:10 GMT+7
Các nhà phân tích của Morgan Stanley mới đây nhận định tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý I/2020 có thể chỉ đạt 3,5% nếu nước này không sớm kiểm soát được dịch virus corona và đưa sản xuất kinh doanh trở lại ổn định.
Morgan Stanley dự đoán tăng trưởng GDP quý I Trung Quốc thấp kỷ lục 3,5% - Ảnh 1.

Tăng trưởng GDP Trung Quốc quý I/2020 được dự đoán xuống mức thấp kỷ lục 3,5%

Tính đến sáng 19/2, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã báo cáo 74.185 ca nhiễm virus corona và 2.004 ca tử vong trên toàn Trung Quốc đại lục. Hầu hết các ca nhiễm và tử vong nằm ở tỉnh Hồ Bắc - tâm chấn của dịch bệnh, cũng là nơi xác nhận trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên.

Trong khi chính phủ Bắc Kinh nỗ lực phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn nhiều tuần qua do công tác kiểm dịch; khảo sát của các nhà phân tích Morgan Stanley chỉ ra năng suất sản xuất của Trung Quốc hiện mới phục hồi 30-50%. Dựa trên những số liệu và phân tích, các chuyên gia ước tính tăng trưởng GDP Trung Quốc trong quý I/2020 sẽ chỉ đạt khoảng 3,5% do tác động của dịch virus corona và sự tê liệt của nền kinh tế.

Thực tế, dự đoán của các nhà phân tích Morgan Stanley còn lạc quan hơn nhiều so với chuyên gia kinh tế Ed Hyman, Chủ tịch Evercore ISI. Ông Hyman hồi đầu tháng 2 dự báo “mức tăng trưởng GDP quý I/2020 Trung Quốc chỉ là 0%”, đồng nghĩa với việc kinh tế Trung Quốc không tăng trưởng trong quý đầu tiên do nỗi lo sợ dịch virus corona.

Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới và nhập khẩu lớn thứ hai thế giới, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Sự ngừng trệ các dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc nói riêng mà còn tác động tiêu cực đến nhiều thị trường khác trên thế giới.

Các chuyên gia Morgan Stanley kỳ vọng năng lực sản xuất của Trung Quốc sẽ phục hồi 60-80% vào cuối tháng 2 và trở lại bình thường vào cuối tháng 3. Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh mất nhiều thời gian hơn để ổn định sản xuất và kiểm soát dịch bệnh, các tác động tiêu cực với nền kinh tế sẽ bị khuếch đại. 

“Chúng tôi kỳ vọng rằng một khi các công ty tiếp tục sản xuất và sự gián đoạn tại Trung Quốc được khắc phục, nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi”. Tuy nhiên, các chuyên gia Morgan Stanley cũng theo dõi chặt chẽ những rủi ro nếu tình hình gián đoạn sản xuất tại Trung Quốc có nguy cơ kéo dài. 

“Chính phủ Trung Quốc và các quốc gia Châu Á khác bị tổn thương vì sự gián đoạn này có thể cân nhắc một số biện pháp chính sách để xoa dịu tác động kinh tế, kích thích kinh tế phục hồi sau đợt bùng phát của đại dịch virus corona. Một số biện pháp mà Trung Quốc có thể thực hiện bao gồm cắt giảm lãi suất hơn nữa, miễn thuế cho một số ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh…” - trích báo cáo của Morgan Stanley.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC đã khởi động những nỗ lực kích thích kinh tế như vậy ngay từ đầu tháng 2. Khi đó, PBOC bơm 1.700 tỷ NDT vào nền kinh tế qua các công cụ tài trợ ngắn hạn để kích thích nhu cầu tín dụng của cá nhân và doanh nghiệp. Ngân hàng này cũng hạ lãi suất cho vay ngắn hạn và trung hạn 0,1%, động thái được dự đoán để mở đường cho quyết định cắt giảm lãi suất tham chiếu LPR sắp tới. 

Chưa rõ liệu PBOC có thực sự hạ lãi suất LPR hay không, nhưng rõ ràng những động thái hỗ trợ kinh tế là cần thiết trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc đối diện nguy cơ phá sản vì doanh thu giảm mạnh do dịch bệnh. Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi hai trường đại học hàng đầu Trung Quốc là Thanh Hoa và Bắc Đại chỉ ra rằng khoảng 85% doanh nghiệp vừa và nhỏ được khảo sát sẽ phá sản trong 3 tháng tiếp theo nếu dịch bệnh không sớm được kiểm soát.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục