Dịch virus corona giúp giảm 100 triệu tấn CO2 phát thải từ Trung Quốc
Nghiên cứu của Carbon Brief chỉ ra rằng dịch virus corona - một trong những dịch bệnh nguy hiểm nhất toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua - đã làm giảm đáng kể lượng khí thải độc hại mà Trung Quốc phát thải do hoạt động sản xuất đình trệ khiến nhu cầu năng lượng chậm lại.
Báo cáo của Carbon Brief về lượng khí thải mà Trung Quốc phát thải trong khoảng thời gian 2 tuần sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cho thấy mức giảm khí thải đáng kể. Cụ thể, năm 2019, mức khí thải trong giai đoạn này lên tới 400 triệu tấn CO2, con số này năm nay ước tính chưa đầy 300 triệu tấn.
Nhu cầu tiêu thụ than tại Trung Quốc hiện cũng suy yếu, giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm qua, theo báo cáo của Carbon Brief.
Hình ảnh những thành phố Trung Quốc vắng tanh, người dân “cách ly” tại nhà, giao thông không hoạt động có vẻ là bằng chứng lớn nhất phản ánh sự sụt giảm lượng khí thải độc hại tại quốc gia này. Tại nhiều địa phương, Chính quyền đã áp đặt các hạn chế giao thông, đình chỉ mọi phương tiện giao thông công cộng bao gồm cả đường sắt, đường bộ, đường thủy, hàng không… khiến lượng phương tiện di chuyển giảm mạnh. Nhu cầu di chuyển của người dân Trung Quốc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay cũng suy yếu do các nỗ lực kiểm dịch từ chính quyền. Khí thải CO2 từ phương tiện giao thông vì thế mà giảm đáng kể.
Nhưng các nhà phân tích Carbon Brief chỉ ra rằng lượng khí thải giảm chủ yếu là do mức tiêu thụ năng lượng của các ngành công nghiệp giảm, đặc biệt là các nhà máy lọc dầu, sản xuất điện và thép. Thực tế là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chính phủ Bắc Kinh đã buộc phải “phong tỏa” 21/31 tỉnh thành cả nước để ngăn chặn đại dịch virus corona lây lan, qua đó làm tê liệt 80% nền kinh tế. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh gần như ngừng trệ hoàn toàn, khiến nhu cầu năng lượng và lượng khí thải từ sản xuất công nghiệp giảm mạnh.
Tuy nhiên, Carbon Brief cũng chỉ ra rằng sự giảm lượng khí thải chỉ là tạm thời trong bối cảnh chính phủ Bắc Kinh đang nỗ lực kiểm soát dịch virus corona, phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường.
Và ngay cả khi lượng khí thải CO2 tại Trung Quốc giảm mạnh như vậy, Bắc Kinh vẫn phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) đo được tại Bắc Kinh hôm 13/2 lên tới 222, mức ô nhiễm trầm trọng trong khi nồng độ bụi mịn PM2.5 cùng ngày lên tới 240 mcg/m3, gấp gần 10 lần mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới là 25 mcg/m3.
Những con số đáng báo động đã khiến người dân giận dữ và đặt ra câu hỏi vì đâu không khí Bắc Kinh vẫn ô nhiễm trầm trọng khi lượng phương tiện giao thông đã giảm mạnh vì hạn chế kiểm dịch virus corona.
Từ lâu, Trung Quốc đã bị chỉ trích là quốc gia phát thải nhiều nhất toàn cầu, với lượng CO2 phát thải mỗi năm từ lâu đã vượt ngưỡng 10 tỷ tấn, nhiều hơn cả các nước Liên minh Châu Âu cộng lại. Một nghiên cứu được tổ chức Global Energy Monitor công bố hồi tháng 11/2019 cũng chỉ ra trong năm 2019, Trung Quốc tiếp tục là quốc gia thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, bất chấp những cam kết giảm phát thải của chính quyền Bắc Kinh.