Một loại cây gắn liền với với đời sống và văn hóa ẩm thực của người Chăm ở Ninh Thuận, đó là cây gì?

Đức Cường Thứ tư, ngày 25/10/2023 13:15 PM (GMT+7)
Hàng nghìn năm qua, cây me gắn liền với đời sống văn hóa ẩm thực và được cộng đồng người Chăm xem như “cây may mắn” bởi cây me đã che bóng mát tại các làng Chăm, tháp Chăm ở miền nắng gió xứ Paduranga của vương quốc Chămpa xưa, nay là tỉnh Ninh Thuận.
Bình luận 0

Một ngày đầu tháng 10, chúng tôi có dịp theo chân đoàn khách từ TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đổ đèo Ngoạn Mục để khám phá những cảnh đẹp xứ biển tỉnh Ninh Thuận.

Ngang qua các xã miền núi ở Ninh Thuận, chúng tôi được chiêm ngắm những hàng me xanh ngát trải dài từ Quảng Sơn, Đồng Mé (huyện Ninh Sơn) xuống đến tận TP. Phan Rang - Tháp Chàm và đi đâu chúng tôi cũng thấy cây me.  Có thể nói, không nơi đâu nhiều cây me như vùng đất tỉnh Ninh Thuận.

Ninh Thuận là xứ sở của những cây me

Cây me trong tín ngưỡng và văn hóa ẩm thực của người Chăm ở Ninh Thuận - Ảnh 1.

Hàng me trên tuyến đường vào ga Tháp Chàm ở Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường

Đoàn chúng tôi dừng chân ngang Đồng Mé, xã Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn) để nghỉ mát dưới bóng me cổ thụ bên đường. Nơi đây, đâu đâu cũng thấp thoáng bóng dáng cây me phủ bóng mát rượi dưới hiên nhà. Nhìn những trái me non lủng lẳng trên cành mà ai nấy đều mê mẩn thèm đến độ "ứa nước miếng".

Thấy chúng tôi tò mò ngắm cảnh, tự sướng bên góc me, ông Nguyễn Ngọc Khánh (75 tuổi) người dân địa phương cho hay, trước đây khu này nhà ai cũng có trồng cây me nhưng từ khi mở rộng tuyến Quốc lộ 27 thì người ta đã chặt hạ đi nhiều.

Cũng theo ông Khánh, xưa kia vùng này được gọi là Đồng Me vì có rất nhiều cây me. Thời điểm người Pháp đóng quân ở đây thường đọc trại đi là Đồng Mé (me => mé) rồi gọi vậy cho đến bây giờ. Ngày nay ở đây vẫn còn rất nhiều cây me dọc hai bên Quốc lộ 27 và trong các đường làng, ngõ xóm.

"Cây me dễ trồng nên nhiều người trồng để tạo bóng mát. Đến mùa me chín người dân hái trái để làm mứt, nấu canh chua hoặc bóc vỏ bán trái me chín cho thương lái…", ông Khánh cho hay.

Cây me trong tín ngưỡng và văn hóa ẩm thực của người Chăm ở Ninh Thuận - Ảnh 3.

Góc me cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở làng Chăm Thành Ý, TP. Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: Đức Cường

Cũng theo ông Khánh, Ninh Thuận như "tiểu sa mạc" thiếu mưa, thừa nắng nên ngoài xương rồng và một số loại cây gai như xương rồng, thì cây me là loài có sức sống mãnh liệt nhất.

"Cây me chịu hạn rất tốt, không cần tưới cây cũng phát triển được, cành dai ít gãy đổ. Me ít bị sâu bệnh, tán dày cho bóng mát. Gỗ me làm thớt thì số 1, than củi từ cây me dùng riêng cho phụ nữ khi mới sinh để xông, hơ theo truyền thống bởi lửa than me lâu tàn và khi cháy thì không nổ. Có năm, giá trái me chín bán cho thương lái cao 20.000 đồng/kg, giúp nhiều gia đình có điều kiện vượt khó vươn lên…", ông Khánh nói.

Cũng theo ông Khánh, từ Đồng Mé ngược lên hướng xã Quảng Sơn (huyện Ninh Sơn) cũng có rất nhiều cây me. Nơi đây nổi tiếng với việc sinh sống và làm giàu từ 3M đó là "Mía – Mỳ – Me". Đến mùa me, thì người già, phụ nữ, trẻ con rủ nhau ra vườn hái me làm mứt, nấu canh. Me chín bán cho thương lái đưa đi tiêu thụ khắp cả nước và xuất sang cả Trung Quốc.

Clip: Cận cảnh cây me cổ thụ "lớn nhất Ninh Thuận" ở làng Chăm Thành Ý. T/h; Đức Cường

Cây me trong văn hóa người Chăm ở Ninh Thuận

Xuôi theo Quốc lộ 27 đến TP. Phan Rang – Tháp Chàm, chúng tôi ghé tham quan tháp Chăm cổ PôKlong Garai ở phường Đô Vinh và tìm hiểu cuộc sống người Chăm ở làng Thành Ý, xã Thành Hải, TP. Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận).

Cây me trong tín ngưỡng và văn hóa ẩm thực của người Chăm ở Ninh Thuận - Ảnh 4.

Cây me cao hơn 20 mét ở làng Chăm Thành Ý, TP. Phan Rang-Tháp Chàm. Ảnh: Đức Cường

Đến làng chăm Thành Ý, chúng tôi cảm nhận được sức sống nông thôn mới lan tỏa khắp vùng. Đường làng, ngõ xóm bê tông láng mượt và sạch đẹp. Ngay gần cổng làng có cây me cổ thụ cao hơn 20 mét tỏa bóng xanh mát cả một vùng.

Theo quan sát của chúng tôi, "cụ" mẹ làng Chăm Thành Ý có đường kính khoảng 2 mét, vừa vòng tay khoảng 4 – 5 người ôm. Dưới góc me được xây bậc bê tông láng mượt để người dân thực hiện các nghi lễ cúng bái.

Ông Châu Kim Mỹ (70 tuổi), trưởng thôn Thành Ý cho hay, không ai biết cây me có từ bao giờ. "Thời ông nội tôi kể lại cây này có từ thời xa xưa,  từ khi ông còn nhỏ đã thấy cây me như vậy rồi. Bây giờ cây me này được coi là cây linh thiên, cây may mắn và sức khỏe cho người dân trong làng. Nó gắn liền với nhiều thế hệ của 9 tộc họ người Chăm làng Thành Ý….", ông Mỹ cho hay.

Cây me trong tín ngưỡng và văn hóa ẩm thực của người Chăm ở Ninh Thuận - Ảnh 5.

Cây me là nơi linh thiêng để người Chăm làng Thành Ý thực hiện các nghi lễ. Ảnh: Đức Cường

Cũng theo ông Châu Kim Mỹ, bất kỳ gia đình người Chăm nào trong làng có con gái mang thai sắp đến ngày sinh nở sẽ mổ gà, mang trầu cau và rượu tới gốc me để cúng. Việc này nhằm cầu may mắn, mẹ tròn con vuông.

Ngoài ra, mỗi một đứa bé trong làng, khi sinh ra phải được đem đến dưới gốc cây me để trình họ hàng và cầu một đời bình an. Người chết trước khi đi chôn hay đem hài cốt đi thiêu, cũng được cúng dưới bóng cây me này để mong siêu thoát và cầu mong người ở lại mọi sự an lành.

Hiện nay, tại các mộ Kut (nghĩa trang của dòng tộc người Chăm) hay ngoài đồng… gần như chỗ nào cũng thấp thoáng bóng me. Đặc biệt, tại 2 tháp Chăm cổ nổi tiếng nhất Ninh Thuận là tháp PôKlong Garai ở TP. Phan Rang – Tháp Chàm hay tháp Pô Rô Mê ở huyện Ninh Phước đều có cây me "canh cửa".

Cây me trong tín ngưỡng và văn hóa ẩm thực của người Chăm ở Ninh Thuận - Ảnh 6.

Hàng trăm người quy tụ dưới bóng me ở tháp Chăm PoKlong Garai để thờ cúng hằng năm. Ảnh: Đức Cường

Tại hai tháp này, những bóng me vẫn tỏa bóng mát rượi để các bà, các mẹ, chú bác người Chăm thực hiện các nghi lễ thờ cúng trong các dịp lễ hội truyền thống nổi tiếng của người Chăm.

Cây me trong văn hóa ẩm thực của người Chăm

Về đến Làng Chăm Bàu Trúc ở Thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước), đoàn khách chúng tôi được tham quan làng gốm Chăm truyền thống và thưởng thức nhiều món ngon mới lạ ở miền nắng gió. Đặc biệt là những món ăn của người Chăm được chế biến từ nguyên liệu trái me, lá me.

Cây me trong tín ngưỡng và văn hóa ẩm thực của người Chăm ở Ninh Thuận - Ảnh 7.

Cây me "canh cửa" tại tháp Chăm Pô Rô Mê ở huyện Ninh Phước. Ảnh: Đức Cường

Theo ông Đàng Thanh Tâm ở làng Chăm Bàu Trúc cho biết, người Chăm sử dụng me vào ẩm thực cũng giống với các món ăn của người Kinh, nhưng có phần đa dạng và độc đáo hơn.

Chỉ tay về mâm cơm đã chuẩn bị tươm tất, ông Tâm hào hứng "quảng cáo" những món ngon như: cơm trộn lá me, mắm me, muối me…đặc biệt nhất là món canh thịt dê nấu lá me thường được người Chăm Bàni cúng và đãi khách trong các dịp lễ.

Để nấu được món canh thịt dê lá me, phải chuẩn bị các nguyên liệu như: gạo rang vàng, rau rừng, lá me non, thịt dê, cà dĩa. Món này có thể ăn kèm thêm thân chuối non xát mỏng và một ít rau rừng.

Cây me trong tín ngưỡng và văn hóa ẩm thực của người Chăm ở Ninh Thuận - Ảnh 8.

Món canh thịt dê mấu lá me của người Chăm. Ảnh: Thanh Sơn

Canh thịt dê lá me khi thưởng thức có vị chua nhẹ, thịt dê mềm, nước canh hơi sệt có vị béo bởi gạo rang. Theo người Chăm, ở xứ nắng nóng nên mỗi nhà thường dùng lá me non để chế biến món ăn giúp thanh nhiệt, tăng sức đề kháng cơ thể.

Cùng với canh thịt dê nấu lá me, đoàn khách chúng tôi còn được thưởng thức món cơm trộn lá me có một không hai bởi độ lạ mắt và vị thơm ngon lạ thường.

Đây là món ăn chế biến khá nhanh gọn, cơm trắng để nguội được người Chăm trộn với mắm nêm giã trái me non, thêm ớt, hành cùng với lá dẹp, ngọn xoài non, lá dông, lá chùm ruột, lá me non rồi mang ra thưởng thức…

Cây me trong tín ngưỡng và văn hóa ẩm thực của người Chăm ở Ninh Thuận - Ảnh 9.

Món cơm trộn của người Chăm. Ảnh: Thanh Sơn

Theo anh bạn người Chăm giới thiệu, người Chăm còn chế biến nhiều món khác từ cây me mang hương vị đặc sắc có một không hai như: Trái me kho với cá sặc, cá rô, cá lòng tong kho với nước mắm cùng với các gia vị như đường, ớt, tiêu, nghệ, hành tím,… tất cả đều có vị thơm ngon, vị chua đặc trưng của cây me xứ nắng gió Ninh Thuận.

Trao đổi với PV Dân Việt, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara (tên thật là Phú Trạm) cho biết, cây me có lá và trái là những nguyên liệu chính trong nhiều món ăn của người Chăm. Đây cũng là nét độc đáo tạo nên văn hóa ẩm thực từ xưa đến nay của người Chăm.

Ngoài ra, theo quan niệm của người Chăm xưa thì ma quỷ thường trú ngụ ở trong các loại cây lá to, tán to. Vì thế, tại các làng Chăm rất ít khi trồng cây tạo bóng mát. Nếu có, thì người Chăm chủ yếu chỉ trồng cây me, vì cây me vừa phục vụ đời sống vừa lá nhỏ nên ma quỷ ít trú ngụ.

Cây me có hai loại, cây me ta và cây me tây. Cây me có tên khoa học là Tamarindus Indica, thuộc họ đậu.

Đây là loại cây thuộc giống nhiệt đới, có nguồn gốc từ Châu Phi. Hiện nay, cây thường được trồng rộng rãi ở nhiều khu vực châu Mỹ Latinh, châu Á để làm cảnh hoặc trồng công nghiệp dọc 2 bên đường. Ở Việt Nam, cây me được trồng nhiều ở các tỉnh Nam Trung Bộ, đặc biệt là Ninh Thuận.

Me chua là cây thân gỗ lớn, chiều cao lên đến 20m, phần thân sẽ có 2 phần gồm có lớp dác gỗ màu ánh vàng và lõi gỗ cứng màu đỏ sẫm với cành lá xum xuê. Hoa me thường mọc thành từng chùm có màu vàng, cụm hoa mọc với trục kéo dài và có nhiều cuống nhỏ. Mỗi cuống nhỏ chứa một hoa, giống như hoa cây đậu lupin.

Quả me khi non có màu xanh, vị chua gắt, thịt me cứng, khi chín quả chuyển sang màu nâu và vị chua dịu hơn. Nhiều người rất thích dùng quả me xanh để chế biến các món canh chua cho gia đình, làm mứt hay làm nước trái cây.

Lá cây me có dạng lá kép lông chim với 10 đến 40 lá chét nhỏ. Hoa của chúng thường mọc cành chùm, ở mỗi cành sẽ có cuống hoa với cánh hoa có màu vàng xanh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem