Một năm ngày trung đoàn Azov khét tiếng của Ukraine đầu hàng, cay đắng 'dâng' pháo đài Mariupol cho Nga

Phương Đăng (theo Kyivpost) Thứ tư, ngày 17/05/2023 20:55 PM (GMT+7)
Bị bao vây chặt đến mức "một con ruồi cũng không thể lọt qua" và chịu cảnh cạn kiệt đạn dược, lương thực và thuốc men trầm trọng, trung đoàn Azov - lực lượng tử thủ tại Mariupol cuối cùng phải chấp nhận đầu hàng, "dâng" thành phố này cho Nga vào ngày 16/5/2022.
Bình luận 0
Một năm ngày trung đoàn Azov khét tiếng của Ukraine đầu hàng, cay đắng 'dâng' pháo đài Mariupol cho Nga - Ảnh 1.

Bức ảnh được chụp vào ngày 29/11/2022 cho thấy tàn tích của nhà máy Azovstal ở thành phố cảng Mariupol thuộc Biển Azov do Nga kiếm soát ở đông nam Ukraine. Ảnh STRINGER

Theo Kyivpost, một năm trước, vào tuần này, Trung đoàn Azov khét tiếng của Ukraine đã đầu hàng tại Nhà máy gang thép Azovstal sau cuộc bao vây khốc liệt của quân đội Nga.

Là một trong những nhà máy kim loại lớn nhất ở châu Âu, nhà máy Azovstal ở thành phố Mariupol, miền đông Ukraine được tuyên bố là đã đi vào lịch sử như một biểu tượng của sự kháng cự của Ukraine.

Các chiến binh Ukraine bên trong Azovstal đã nỗ lực đứng vững trước các cuộc tấn công dữ dội của quân đội Nga trong nhiều tuần trong khi phần còn lại của thành phố đã thất thủ sau các cuộc tấn công không ngừng nghỉ.

Dưới đây là dòng thời gian dẫn đến sự thất thủ của pháo đài Mariupol:

Bị tấn công và bao vây

Vào ngày 2/3, một tuần sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, pháo binh của Moscow bắt đầu tấn công Mariupol, một thành phố chủ yếu nói tiếng Nga. Thành phố bao gồm 441.000 cư dân và nằm cách biên giới Nga khoảng 55km và cách thành trì ly khai thân Nga - Donetsk 85km.

Thị trưởng Mariupol thời điểm đó nói rằng các lực lượng Nga và các chiến binh thân Nga đang tiến hành "một cuộc phong tỏa” bằng cách cắt nguồn cung cấp thực phẩm và vô hiệu hóa các cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm nước, điện và hệ thống sưởi.

Các cuộc sơ tán đầu tiên

Giữa tháng 3 bắt đầu sơ tán hàng ngàn thường dân khỏi thành phố thông qua một hành lang nhân đạo. Các nỗ lực sơ tán trước đó đã thất bại khi cả hai bên cáo buộc bên kia không ngừng bắn.

Vào ngày 16/3, Ukraine cáo buộc Nga không kích san phẳng nhà hát Mariupol. Moscow phủ nhận vụ tấn công, đổ lỗi cho tiểu đoàn Azov.

Kiev bác tối hậu thư của Nga

Vào ngày 21/3, Kiev bác tối hậu thư đầu tiên của Nga yêu cầu các lực lượng Ukraine trong thành phố phải đầu hàng.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết những thường dân tìm cách trốn khỏi thành phố bằng phương tiện cá nhân đã mô tả chiến sự khiến Mariupol có “khung cảnh giống như địa ngục".

Ngừng bắn, sơ tán nhiều hơn

Vào ngày 30/3, Moscow tuyên bố ngừng bắn để cho phép sơ tán dân thường từ Mariupol đến thành phố Zaporizhzhia do Ukraine kiểm soát.

Chính phủ Ukraine gửi 45 xe buýt để đưa người dân đến nơi an toàn. Vào ngày 4/4, thị trưởng Mariupol Vadym Boychenko nói rằng thành phố đã bị phá hủy 90%.

Vào ngày 6/4, Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng Nga đang chặn đường tiếp cận nhân đạo tới Mariupol trong khi Moscow cáo buộc ngược lại rằng Kiev đã không cho phép dân thường rời khỏi thành phố. Vào ngày 7/4, thị trưởng mới của Mariupol do các lực lượng thân Nga bổ nhiệm, ông Konstantin Ivashchenko nói rằng khoảng 5.000 thường dân đã thiệt mạng vì giao tranh ở Mariupol.

Trận chiến cuối cùng

Vào ngày 11/4, lính thủy đánh bộ ở Mariupol nói rằng họ đang chuẩn bị cho một “trận chiến cuối cùng”. Ông Zelensky ước tính số người chết ở Mariupol là "hàng chục nghìn".

Đến ngày 13 tháng 4, Bộ Quốc phòng Nga cho biết 1.026 binh sĩ thuộc Lữ đoàn Thủy quân lục chiến số 36 của Ukraine đã “đầu hàng” ở Mariupol và phát đi một đoạn video chứng minh điều này.

Quân đội Ukraine khẳng định cuộc chiến vẫn tiếp diễn. Trong tuần tiếp theo, Nga đưa ra một loạt tối hậu thư buộc lực lượng đang ẩn náu tại nhà máy thép Azovstal phải đầu hàng.

Vào ngày 20/4, một chỉ huy của Ukraine tại nhà máy thép cho biết lính của ông “có thể phải đối mặt với những ngày, nếu không muốn nói là những giờ cuối cùng trong cuộc đời".

Bốn chuyến xe buýt chở phụ nữ, trẻ em và người già được sơ tán khỏi thành phố.

Mariupol thất thủ

Vào ngày 21/4, Tổng thống Nga Putin tuyên bố “giải phóng” Mariupol là “thành công”. Ông ra lệnh cho quân đội Nga hạn chế xông vào nhà máy Azovstal, thay vào đó yêu cầu họ bao vây nó, "để một con ruồi cũng không thể trốn thoát".

Quân Azov trú ẩn trong một dãy đường hầm bên dưới nhà máy, chịu đựng những điều kiện kinh khủng như cạn kiệt đạn dược, lương thực và thuốc men khiến những người bị thương không được chữa trị.

Cuối cùng, họ đã đầu hàng vào ngày 16/5/2022. Vào ngày 20/5/2022, tất cả các chiến binh Ukraine còn lại được Kiev ra lệnh đầu hàng để bảo toàn tính mạng. Một số chiến binh Azov sau đó đã được thả trong các cuộc trao đổi tù nhân với lực lượng Nga. Những nhiều người khác vẫn đang bị Moscow giam giữ.

Một binh sĩ Trung đoàn Azov được trả tự do vào tháng 8 năm ngoái cho biết, trong thời gian bị Nga giam giữ, anh không được liên lạc với người thân, không được gọi điện thoại”.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem