Một năm nhìn lại Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Biểu “lệch chuẩn” càng nhiều, công nghiệp văn hóa càng bị cản trở (bài 3)

Hà Tùng Long Thứ tư, ngày 07/12/2022 07:23 AM (GMT+7)
Chia sẻ với Dân Việt, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, bên cạnh những giá trị tốt đẹp tiếp tục được củng cố thì cũng có không ít biểu hiện “lệch chuẩn”, hành vi “phản giá trị”… xuất hiện nhiều lên trong xã hội.
Bình luận 0

Tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc diễn ra vào năm 2021, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rằng, nếu như trước đây "văn hoá soi đường cho quốc dân đi" thì trong giai đoạn hiện tại, văn hoá có nhiệm vụ chấn hưng đất nước. Những biểu hiện của văn hóa chấn hưng đất nước đã được thể hiện rõ như thế nào trong 1 năm qua, thưa ông?

Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã thể hiện quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân trong  chấn hưng văn hóa dân tộc, để văn hóa đồng hành với sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Ở đó, văn hóa cần phải được đặt ở vị trí trung tâm, là hệ điều tiết sự phát triển bền vững, tạo nên sự tự tin cho dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế.

Một năm nhìn lại Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Biểu “lệch chuẩn” càng nhiều, công nghiệp văn hóa càng bị cản trở (bài 3) - Ảnh 1.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn trên nghị trường Quốc hội. Ảnh: NVCC.

Một năm kể từ khi tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc không phải là dài, nhưng những kết quả cho thấy những chuyển biến hết sức tích cực, cho chúng ta một niềm tin vững chắc vào một thành công trong việc chấn hưng văn hóa đất nước. Sự chuyển biến này thể hiện đầu tiên ở nhận thức dần đầy đủ hơn về vị trí, vai trò và ý nghĩa của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, từ đó, các nghị quyết, chiến lược, kế hoạch hành động cho văn hóa được ra đời.

Nếu như Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 là tín hiệu đầu tiên cho thấy một khung chính sách với những hành động cụ thể làm tiền đề cho sự phát triển văn hóa được hình thành bài bản, thì Luật Điện ảnh (sửa đổi) lại được xem như một hành động cụ thể, mang tính đột phá để đưa điện ảnh trở thành một ngành công nghiệp văn hóa trong một khuôn khổ pháp luật, từ đó đem hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Sau hơn 5 năm ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, giờ đây là lúc chúng ta thu lại những thành quả ngọt bùi khi không chỉ các tác phẩm điện ảnh mà trong âm nhạc hay các loại hình nghệ thuật khác đều có sự bứt phá, với những kết quả đáng mong ước. Thành công này sẽ là nguồn cảm hứng cho các ngành nghệ thuật khác chuyển hướng sang một tư duy quản lý và phát triển mới, ở đó vừa đề cao những giá trị nhân văn của văn hóa, vừa sát hơn với nền kinh tế thị trường. Các sản phẩm nghệ thuật của người Việt Nam, cho người Việt Nam, vì người Việt Nam đang chiếm được cảm tình của khán giả trong nước, và quan trọng hơn nữa là đang trở thành một xu thế vững chắc để xây dựng một nền nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Mới đây, hội thảo đặc biệt do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người, cùng với hội thảo của Quốc hội tổ chức về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa sẽ là những điểm nhấn cuối năm, đánh dấu thành công cho quyết tâm phát triển văn hóa.

Nhìn nhận ở góc độ cụ thể hơn từ các địa phương, tỉnh, thành phố… chúng ta có thể tìm ra những minh chứng sinh động cho việc văn hóa đang hồi sinh mạnh mẽ và văn hóa đang thể hiện vai trò chấn hưng đất nước trên mọi mặt của đời sống như thế nào, thưa ông?

Công cuộc văn hóa chấn hưng đất nước đã lan tỏa rộng khắp các tỉnh, thành phố cho đến các bản làng xa xôi sau khi Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 kết thúc. Nhiều địa phương đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ cho phát triển văn hóa bằng hội nghị văn hóa toàn tỉnh của Hà Tĩnh và Bắc Ninh, trong đó không chỉ ấn tượng bởi những con số đầu tư cho văn hóa tăng lên (trong đó Bắc Ninh phấn đấu nâng mức đầu tư tối thiểu lên 4% tổng chi ngân sách nhà nước cho văn hóa, so với mức chung của cả nước là 2%), mà còn bởi sự quan tâm đặc biệt đến sức mạnh mềm của địa phương để làm điểm tựa cho địa phương cất cánh, tạo sự phát triển bền vững.

Một năm nhìn lại Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Biểu “lệch chuẩn” càng nhiều, công nghiệp văn hóa càng bị cản trở (bài 3) - Ảnh 3.

Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên trên cả nước tổ chức Hội nghị Văn hóa quy mô cấp tỉnh. Ảnh: Báo Hà Tĩnh.

Hay như Hà Nội vẫn luôn nuôi nhiệt huyết dẫn đầu về phát triển văn hóa bằng sự tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2019 thì bùng nổ bởi các hoạt động trong năm 2022 với hàng loạt các sự kiện như: Lễ hội thiết kế sáng tạo, Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội, Liên hoan Sân khấu Thủ đô… với sự nhộn nhịp của các không gian sáng tạo và sự đổi mới hoạt động của hàng loạt di tích, bảo tàng hay thiết chế văn hóa. Tất cả cho thấy một tinh thần sáng tạo của Thủ đô đã đưa giá trị văn hóa đến với từng góc phố, ngôi nhà, con người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Không khí văn hóa không chỉ dừng ở những đô thị lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, các địa phương khác nhau cũng tổ chức những lễ hội, liên hoan, sự kiện tôn vinh văn hóa của mình. Xòe Thái và thực hành Then đưa chúng ta đến với niềm tự hào về văn hóa của các dân tộc thiểu số, góp phần vào bức tranh văn hóa đa màu sắc, tạo nên tình đoàn kết từ những giá trị di sản dân tộc; lễ hội du lịch ở các địa phương trên cả nước cũng cho thấy những nét quyến rũ riêng, để chúng ta thêm tự hào về văn hóa dân tộc mình, và từ đó thêm yêu đất nước tươi đẹp.

Ông nhìn nhận như thế nào về vai trò của công nghiệp văn hóa đối với nền kinh tế quốc dân và sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay?

Trên thế giới, công nghiệp văn hóa đã trở thành một xu hướng lớn, đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng kinh tế, hình thành nên sức mạnh mềm cho nhiều quốc gia. Đó cũng là điều mà chúng ta ao ước đối với các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta. Sự phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ giúp tạo ra sức sống mới, mang tính cạnh tranh nhiều hơn cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, phong phú, đa dạng của người dân, mà còn giúp cho chúng ta tạo ra các sản phẩm của người Việt Nam, vì người Việt Nam, cho người Việt Nam và từ đó quảng bá tất cả ra thế giới. 

Đối với kinh tế, các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam đóng góp đáng kể vào sự thịnh vượng của đất nước. Theo thống kê, đóng góp GDP của các ngành công nghiệp văn hóa năm 2010 là 2,44% GDP; năm 2015 là 3,5% GDP và năm 2018 là 3,61% GDP. Xuất khẩu sản phẩm văn hóa nếu năm 2013 là 493.342.930 USD, năm 2016 là 912.981.417 USD thì đến năm 2019 là 2.494.075.077 USD. Hơn nữa, đây là những ngành có tốc độ cao hơn gấp 1,5 lần tốc độ tăng trưởng bình quân GDP. 

Về mặt văn hóa, sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm và dịch vụ văn hóa không chỉ giúp thỏa mãn nhu cầu cầu của người dân, cạnh tranh với cản sản phẩm văn hóa nước ngoài. Bên cạnh đó, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa giúp chúng ta có thêm sự tự tin văn hóa trong hội nhập quốc tế, khi các sản phẩm và dịch vụ văn hóa khiến cho khán giả, công chúng nghệ thuật trở nên quan tâm nhiều hơn, hiểu hơn về lịch sử, văn hóa nước nhà, từ đó hình thành nên bản lĩnh để hội nhập chủ động, tích cực vào đời sống văn hóa thế giới.

Sự lung lay của nhiều hệ giá trị, đặc biệt là hệ giá trị con người biểu hiện cụ thể ở hiện tượng xuống cấp đạo đức trong giới trẻ; những hành vi và phát ngôn lệch chuẩn của nghệ sỹ; những thứ rác văn hóa tràn lan trên mạng ảo… phải chăng, đây là "mặt trái" của quá trình phát triển công nghiệp văn hóa?

Hiện nay, trong bối cảnh đất nước ta đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, sự thay đổi nhanh chóng của các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội đang có những tác động lớn lao tới hệ giá trị con người Việt Nam. Bên cạnh những giá trị tốt đẹp tiếp tục được củng cố và phát huy thì cũng có không ít biểu hiện "lệch chuẩn", hành vi "phản giá trị", ứng xử thiếu văn hóa xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống. Những năm gần đây, sự xuống cấp về đạo đức, sự băng hoại về lối sống, sự tha hóa về nhân cách có chiều hướng gia tăng đang là những biểu hiện đáng lo ngại về sự đảo lộn các giá trị. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, chúng ta đang ở vào thời kỳ khủng hoảng các giá trị.

Một năm nhìn lại Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Biểu “lệch chuẩn” càng nhiều, công nghiệp văn hóa càng bị cản trở (bài 3) - Ảnh 5.

Những cái tên như Khá “Bảnh”, Huấn “hoa hồng” hay “thánh chửi” Dương Minh Tuyền ảnh hưởng cách sống méo mó, tiêu cực cho một số giới trẻ.

Việc tạo ra các nội dung xấu, độc, không phù hợp với đạo đức xã hội chính là một cách làm đi ngược lại với tôn chỉ xây dựng văn hóa, xã hội lành mạnh của chúng ta, đầu độc tinh thần của mọi người, đặc biệt là giới trẻ khi họ đang trong quá trình hoàn thiện nhân cách đạo đức và gặp những khó khăn nhất định trong bối cảnh việc xây dựng hệ giá trị trong xã hội đang có những lúng túng nhất định.

Tuy nhiên, điều đáng mừng là thay vì một thái độ bàng quan, hời hợt, coi nhẹ tác động tiêu cực của Internet như trước đây, giờ đây đã có rất nhiều người sử dụng mạng xã hội đã có một thái độ kiên quyết với những lệch chuẩn trên môi trường mạng. Điều này cho thấy, chúng ta đã rất nghiêm túc và thực sự phản ứng chủ động với những điều không phù hợp trên môi trường ấy, không để chúng lây lan ra ngoài xã hội. Đây cũng là kết quả của một quá trình nhận thức khi chúng ta chứng kiến rất nhiều hệ lụy của cuộc đời thực bắt nguồn từ những rắc rối, sai lệch đến từ môi trường mạng.

Việc các bạn trẻ tiên phong phản đối những thông tin xấu, độc trên mạng càng cho chúng ta thấy một niềm tin về quy luật cái thiện luôn chiến thắng cái ác, chính nghĩa luôn chiến thắng phi nghĩa. Một khi chúng ta ý thức được tác hại của những thông tin như vậy, chúng ta sẽ tạo ra những hành động, dư luận xã hội phản đối cái xấu, đề cao cái tốt. 

Điều này cũng rất tích cực trong môi trường nghệ thuật khi giúp cho các nghệ sỹ luôn mong muốn và tìm tòi sáng tạo những giá trị nghệ thuật hướng tới định hướng đạo đức, nhân cách cho con người. Đặc biệt khi các nghệ sĩ, người nổi tiếng luôn được quan tâm bởi công chúng thì hành động đúng, đẹp của họ sẽ có tác động lan tỏa hơn rất nhiều để từ đó chúng ta có một môi trường mạng, nền văn hóa số phù hợp với sự phát triển bền vững đất nước.

Trước những thời cơ và thách thức đặt ra cho công cuộc văn hóa chấn hưng đất nước, theo ông, chúng ta cần phải làm gì và đề ra những quyết sách như thế nào để hoàn thành được những mục tiêu đã đề ra tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021?

Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Văn hóa còn, dân tộc còn". Có lẽ, chưa bao giờ nhận thức về văn hóa lại thực sự đầy đủ và thông điệp về văn hóa lại mạnh mẽ đến như vậy.

Tiếp sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, thực hiện thành công chương trình hành động phát triển văn hóa trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 chính là một điểm nhấn trong triển khai nghị quyết Đại hội Đảng. Chúng ta đang trải qua một quãng thời gian dài chống chọi với bệnh dịch Covid-19 và vừa chứng kiến cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina, chưa kể tác động của cách cách mạng công nghiệp lần thứ IV với nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa số khiến bối cảnh quốc tế và trong nước phức tạp, khó lường cùng rất nhiều thay đổi, đòi hỏi cần có sự cập nhật trong tư duy và kế hoạch phát triển văn hóa. 

Chính vì thế, việc ban hành Chiến lược càng trở nên cần thiết. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng, kế hoạch phù hợp thì những cơ hội sẽ qua đi nhanh chóng, thách thức sẽ ngày càng nhiều hơn. Ngược lại, nếu tận dụng được cơ hội, vượt qua được thách thức, Chiến lược sẽ giúp ngành văn hóa sẽ giúp tạo ra nhiều động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chiến lược đã đưa ra 5 quan điểm cùng nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cùng nhiều chương trình, dự án cụ thể, tạo tiền đề cho chúng ta phát triển văn hóa có kế hoạch, lộ trình phù hợp trong thời gian sắp tới.

Trên thế giới, kể từ sau Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng của văn hóa, nhiều quốc gia đã tiến hành xây dựng luật, chương trình, đề án phát triển văn hóa, nhưng Việt Nam là số rất ít các quốc gia có được một chiến lược rõ ràng để phát triển văn hóa của mình. Việc đi đầu, vượt trước chứng tỏ tầm nhìn của lãnh đạo Đảng và Nhà nước về vị trí, vai trò và ý nghĩa của văn hóa đối với việc phát triển bền vững đất nước, bảo vệ chủ quyền dân tộc bằng và từ văn hóa.

Chúng ta cùng hy vọng rằng, cùng với việc nhận thức ngày càng tốt hơn về văn hóa từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và việc ban hành Chiến lược, đầu tư nguồn lực cho văn hóa sẽ được tăng cường, đạt được mức đầu tư  tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm, với các thiết chế văn hóa xứng tầm thời đại Hồ Chí Minh, với đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, hiểu biết sâu sắc và khai thác hiệu quả nguồn lực văn hóa của dân tộc. Những chương trình, dự án, đề án trong Chiến lược được triển khai cụ thể, có lộ trình, từ đó tạo điều kiện cho văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh cho dân tộc. Tất cả chúng ta đều mong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 sẽ giúp đất nước hiện thực hóa khát vọng phát triển phồn vinh từ văn hóa.

Cảm ơn PGS.TS Bùi Hoài Sơn đã chia sẻ thông tin!

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem