Một năm nỗ lực gỡ "gánh nặng" cho công chức, viên chức của Bộ Nội vụ

Q. Nguyễn Thứ tư, ngày 02/02/2022 10:49 AM (GMT+7)
Năm qua, Bộ Nội vụ đã quyết tâm cắt giảm các loại văn bằng, chứng chỉ như một "giấy phép con", gây tốn kém tiền của và công sức cho công chức, viên chức.
Bình luận 0

Năm 2021, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ ban hành nghị định 89/2021/NĐ-CP sửa đổi nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, trong đó đã cắt giảm những chứng chỉ không phù hợp.

Một năm nỗ lực gỡ "gánh nặng" cho công chức, viên chức của Bộ Nội vụ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: BNV

Cụ thể là bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức.

Đáng chú ý, Bộ Nội vụ đề xuất cắt giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.

Các đề nghị này sau đó đã được Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đồng ý cắt giảm những chứng chỉ bồi dưỡng mang tính hình thức, không phù hợp, trong đó có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Ngày 11/6/2021, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 02 quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư.

Thông tư này chính thức trút được gánh nặng cho hàng trăm ngàn công chức hành chính, văn thư khi được loại bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng và thi nâng ngạch.

Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Tư Long cho biết, quy định này không chỉ giảm gánh nặng chứng chỉ với công chức hành chính mà còn giảm nhiều hệ quả của việc yêu cầu những chứng chỉ không cần thiết như tình trạng mua bán chứng chỉ, trong đó có cả chứng chỉ giả…

Ngoài ra, hiện có khoảng 200.000 công chức hành chính cả nước phải hoàn thiện văn bằng chứng chỉ với mức giá đi học khoảng 2,5-3 triệu đồng mỗi chứng chỉ thì việc cắt giảm sẽ tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng chi phí xã hội…

Bộ Nội vụ đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành khẩn trương xây dựng, ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ, chuyên môn các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành được giao quản lý.

Trong đó, đề nghị các bộ, ngành quy định chung 1 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành (không chia theo hạng chức danh nghề nghiệp như trước đây) hoặc chứng chỉ hành nghề (nếu có).

Bộ Nội vụ cũng đề nghị không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong quy định về trình độ đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức. Bước đầu đã có một số bộ, ngành sửa đổi thông tư theo hướng này.

Hiện vẫn còn nhiều chứng chỉ bồi dưỡng không cần thiết liên quan đến hàng triệu công chức, viên chức đang được Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ ngành để cắt giảm trong thời gian tới.

"Hy vọng trong thời gian tới, các bộ, ngành sẽ đồng hành cùng Bộ Nội vụ sửa đổi các thông tư liên quan để sớm cởi bỏ triệt để gánh nặng chứng chỉ bồi dưỡng đối với hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức. 

Với quyết tâm này, việc học và cấp các chứng chỉ trong thời gian tới không còn là một loại "giấy phép con" chỉ để "làm đẹp hồ sơ" công  chức, viên  chức như vừa qua mà phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của mỗi công chức, viên chức để đáp ứng các yêu cầu trong công việc", Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà bày tỏ.

Một năm nỗ lực gỡ "gánh nặng" cho công chức, viên chức của Bộ Nội vụ - Ảnh 3.

Việc tổ chức học, cấp các loại văn bằng, chứng chỉ được ví như "giấy phép con", gây tốn kém tiền của và công sức cho công chức, viên chức. Ảnh minh hoạ

Theo nữ Bộ trưởng Bộ Nội vụ, những kết quả đạt được trong năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng và rất đáng tự hào, song mới chỉ là bước đầu. Tại hội nghị tổng kết ngành vừa qua, Thủ tướng đã chỉ ra rằng công tác xây dựng thể chế đã cố gắng nhưng so với thực tiễn vẫn còn lạc hậu, nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra phải làm nhanh hơn nữa. Xây dựng thể chế trong ngành phải làm sao không cản trở mà phục vụ cho sự phát triển, phù hợp tình hình thực tế.

Điều này đòi hỏi Bộ Nội vụ phải bám sát nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, rà soát, nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới hệ thống thể chế, chính sách lĩnh vực, ngành nội vụ phù hợp với yêu cầu kiến tạo, phát triển và quản trị của nền hành chính nhà nước các cấp, theo đúng yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ "lấy mục tiêu lợi ích quốc gia, dân tộc, của nhân dân làm ưu tiên hàng đầu", "đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển".

Cùng với đó, bộ sẽ khẩn trương thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ tổ chức, cá nhân dám đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp, giao thoa, bỏ sót nhiệm vụ giữa cơ quan, tổ chức, gắn với cá thể hóa trách nhiệm cá nhân và kiểm soát quyền lực chặt chẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước thống nhất, đồng bộ.

"Hiện nay, bộ máy bên trong của các bộ, ngành vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều khâu trung gian. Bộ máy chúng ta vẫn là giải quyết các sự vụ nhiều hơn. 

Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ đột phá mạnh vào vấn đề sắp xếp tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo hướng tinh gọn bộ máy gắn với tăng cường hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế đi đôi với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; tập trung đổi mới, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công, đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp và xã hội hóa dịch vụ công theo tinh thần nghị quyết số 19-NQ/TW", Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem