Một ông Giám đốc nhờ trồng lúa, nuôi cá ở Đắk Lắk được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc

Ngọc Giàu Thứ tư, ngày 20/09/2023 13:00 PM (GMT+7)
Từ vũng sình lầy, lau sậy um tùm, Buôn Triết (xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana) đã hóa thành vựa lúa lớn nhất nhì tỉnh Đắk Lắk. Đi đầu làm mô hình trồng lúa, nuôi cá, ông Nguyễn Văn Sanh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023.
Bình luận 0

Biến vùng lau sậy thành vựa lúa vàng

Ngày đầu tháng 9, tháng của những cơn mưa bất chợt, tôi tìm về xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) - nơi có vựa lúa Buôn Triết lớn nhất nhì tỉnh. Thời điểm này, Buôn Triết đang ngập trong sắc vàng của lúa chín. Những bông lúa trĩu hạt đung đưa theo gió càng tô đậm nét đẹp thanh bình vốn có của vùng quê.

Gặp người đàn ông từng "đốt lửa cho đồi hoang ấm mãi" - Ảnh 1.

Từ hai bàn tay trắng, ông Nguyễn Văn Sanh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình (xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) đã từng bước gây dựng cơ nghiệp trồng lúa, biến vùng đất này thành nơi đáng sống.

Lúc này, ông Nguyễn Văn Sanh (SN 1961) - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ và Nông nghiệp (DVNN) Thanh Bình (người có công lớn làm nên cánh đồng vàng Buôn Triết) vừa từ trên phố về. Ông cho hay, đang mùa thu hoạch lúa nên khá bận rộn, nhất là việc lo cho xong các đơn hàng đã ký với đối tác.

Ông Sanh nói thêm, nghề trồng lúa đã nhàn hơn trước nhờ cơ giới hóa từ gieo sạ đến thu hoạch. Thậm chí, lúa lên bờ bà con bán tươi, đút tiền vào túi, không còn cảnh thấp thỏm lo lúa bị ướt mỗi khi trời đổ mưa...

Nhớ lại thuở cơ hàn, khai hoang mở cõi, làm nên những mùa vàng bội thu, ông Sanh trầm ngâm. Bằng chất giọng trầm ấm giữa mây chiều bảng lảng, ông Sang kể về cơ duyên gắn bó với vùng đất Dur Kmăl. Quê ông ở xứ Thanh, nơi quanh năm phải vật lộn với nắng hạn, bão lũ. Chính điều này đã tôi luyện nên chàng trai xứ Thanh bản lĩnh, không bao giờ khuất phục trước số phận.

Ông Sanh từng kinh qua đủ nghề, thậm chí từng là chủ nhiệm 1 lò gạch ngói nhưng trắng tay, lâm cảnh nợ nần vì thua lỗ. Đó là vào năm 1991, ông Sanh rơi vào bế tắc, khoản nợ quy đổi bằng 1 tấn lúa thời bấy giờ không biết xoay xở ra sao. 

Ông muốn rời quê đi tìm vùng đất mới để cày cuốc trả nợ. Để lại vợ con, gia đình, ông Sanh lên tàu vào Đắk Lắk khi trong người chỉ có 2 bộ quần áo và Chứng minh nhân dân. "Lúc đó, tôi chưa hình dung Đắk Lắk là như thế nào. Tôi chỉ biết có người quen ở đây nên đi vào, tiền tàu cũng không có để trả", ông Sanh nhớ lại.

Gặp người đàn ông từng "đốt lửa cho đồi hoang ấm mãi" - Ảnh 2.

Gia đình ông Nguyễn Văn Sanh sở hữu 20 ha đất sản xuất theo mô hình VAC.

Đặt chân lên cao nguyên Đắk Lắk với nhiều bỡ ngỡ, ông Sanh làm công cho 1 gia đình ở huyện Lắk (Đắk Lắk), cuối vụ sẽ được hứa trả 1 tấn lúa. 

Nhờ siêng năng, thạo việc, vựa lúa của gia đình chủ bội thu, lúa ngập kho. Ông Sanh "cười thầm trong bụng" vì sắp có tiền để về quê trả nợ. Nhưng trớ trêu thay, người chủ bỗng dưng đổ bệnh kỳ lạ, đi viện nhiều lần nhưng không tìm ra bệnh. Cứ thế, kho thóc trong nhà người này cứ cạn dần, ông Sanh cũng chẳng nhận được đồng nào.

Không nản lòng, ông Sanh đi gặt lúa nàng tiên (lúa ngoi) cho người khác. Thấy ông siêng năng, một người phụ nữ lớn tuổi (sau này là mẹ nuôi của ông), đã thuê làm công. Theo đó, ông Sanh sẽ phụ người này làm 1,2 ha lúa, ngược lại được cho mượn 6 sào đất để làm ăn. Ông Sanh gật đầu ngay và vụ lúa đầu tiên đã thắng lớn, đạt 5,5 tấn lúa khô/6 sào.

Nhận thấy nghề làm lúa cho thu nhập nhưng bấp bênh vì phụ thuộc vào nước trời, ông Sanh ngỏ lời và được mẹ nuôi cho mượn 9 chỉ vàng mua máy nổ. 

"Thời đó, máy nổ bơm nước là mơ ước của bao người. Từ khi có máy nổ, việc gieo trồng lúa trở nên chủ động hơn, lúa thóc cứ thế đầy kho. Chẳng mấy chốc, tôi trả được nợ tiền mua máy nổ", ông Sanh kể lại. Không chỉ tưới nước phục vụ cho gia đình mẹ nuôi và phần đất được cho mượn, ông Sanh còn bơm nước cho những vựa lúa trong vùng; đồng thời hợp tác với các hộ dân khác để trồng đậu xanh, bắp...

Gặp người đàn ông từng "đốt lửa cho đồi hoang ấm mãi" - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Sanh không ngừng trau dồi kinh nghiệm và tiếp cận khoa học kỹ thuật để giảm chi phí, tăng năng suất trồng lúa

Năm 1992, mua được 8 sào ruộng, đánh dấu một bước ngoặt mới cho chàng trai xứ Thanh trên vùng đất Dur Kmăl. 

Lúc này, vợ và con ông Sanh cũng vào, cùng xây dựng cuộc sống trên quê hương mới. Theo ông Sanh, trước kia, vựa lúa Buôn Triết không bằng phẳng như bây giờ. Thời đó, nơi đây là vũng sình lầy, lau sậy um tùm. Người dân chỉ cuốc đất, tỉa lúa khô ở những phần đất nhô lên. Còn ông Sanh muốn trồng 2 vụ nên đêm ngày cùng vợ khai hoang, cải tạo đất. 

"Chúng tôi gửi con ở nhà người quen để tiện cho việc học. Còn vợ chồng thì che chòi ở luôn ngoài đồng để đào gốc ngô đồng, lấp vũng lau sậy. Dù vất vả nhưng tôi chưa bao giờ có ý định từ bỏ", ông Sanh tâm sự.

Ông Y Tam Êban - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Ana (Đắk Lắk) cho biết, ông Nguyễn Văn Sanh là người siêng năng, chịu khó, có công lớn biến vũng sình lầy của Buôn Triết (xã Dur Kmăl) thành cánh đồng lúa bằng phẳng, tốt tươi như hiện nay, bằng việc đầu tư hệ thống bơm tưới, dẫn nước; phát triển các loại giống lúa cho năng suất, chất lượng cao...Ngoài ra, ông cũng nhiệt tình đóng góp phúc lợi cho địa phương, tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ dân trên địa bàn....

Lập HTX cùng bà con trồng lúa làm giàu

Năm 2003, Nhà nước đầu tư hệ thống đê bao dọc sông Krông Ana, đã giúp cho người dân tránh được những trận lũ lụt, mất mùa; đồng thời mặt đê bao trở thành "con đường hạnh phúc" giúp người dân thuận lợi đi lại, giao thương, thay vì phải chèo đò như trước.

Gặp người đàn ông từng "đốt lửa cho đồi hoang ấm mãi" - Ảnh 5.

HTX Dịch vụ và Nông nghiệp Thanh Bình đã xây dựng được 6 trạm biến áp, 40km đường dây hạ thế, lắp đặt 90 máy bơm lớn, nhỏ trải dài trên cánh đồng xã Dur Kmăl.

Sau khi có hệ thống đê bao, ông Sanh biến vùng đất Buôn Triết thành vựa lúa lớn nên lên ý tưởng thành lập hợp tác xã (HTX). Được bà con trong thôn tín nhiệm, năm 2006 ông Sanh đứng ra thành lập Hợp tác xã Dịch vụ và Nông nghiệp Thanh Bình với 7 thành viên. 

Ông Sanh được giao ông tiếp quản hai trạm biến áp và hai máy bơm phao của Nhà nước. Sau đó, ông Sanh vận động các thành viên đóng góp vốn, đầu tư các trạm biến áp, kéo đường dây điện để lắp đặt các trạm bơm đưa nước về ruộng, phục vụ bà con sản xuất hai vụ. 

Đến nay HTX đã xây dựng được 6 trạm biến áp, 40km đường dây hạ thế, lắp đặt 90 máy bơm lớn, nhỏ trải dài trên cánh đồng xã Dur Kmăl.

Ông Sanh cho biết, hệ thống máy bơm sẽ giúp HTX chủ động bơm nước từ sông Krông Ana phục vụ tưới tiêu cho bà con nhân dân vào mùa khô; khi mưa lũ đến, sẽ bơm nước ngược lại từ cánh đồng ra sông, để tránh ngập úng.

Không chỉ đảm nhận nhiệm vụ tưới tiêu, HTX do ông Sanh lãnh đạo còn chủ động hợp tác với các công ty sản xuất lúa giống, nhờ đó bà con trong HTX được bao tiêu sản phẩm và bán với giá tốt hơn thị trường rất nhiều. 

Gặp người đàn ông từng "đốt lửa cho đồi hoang ấm mãi" - Ảnh 6.

Những cánh đồng lúa trải dài xanh mướt trên vùng Dur Kmăl là thành quả liên kết sản xuất, nỗ lực không ngừng của ông Sanh và các thành viên HTX.

Từ 7 thành viên ban đầu, đến nay HTX đã có 54 thành viên. Tổng diện tích lúa của HTX là 1.150ha chủ yếu trên địa bàn xã Dur Kmăl và một phần của huyện Lắk. Các thành viên HTX đang sản xuất các loại giống cho chất lượng cao như ST24, ST25, Đài thơm 8, OMO. 

Giữa các thành viên có diện tích ruộng lúa gần nhau đều thống nhất gieo cùng chủng loại để tiện gieo sạ, thu hoạch cùng lúc.

Với mong muốn đưa HTX phát triển theo hướng bền vững, từ năm 2019, ông Sanh đầu tư hệ thống máy sấy và nâng cấp máy xay gạo liên hoàn để cung ứng gạo đạt tiêu chuẩn cho các đơn vị đóng gói.

Ông Sanh chia sẻ, hiện HTX đã đủ điều kiện để xây dựng thương hiệu gạo riêng, theo hướng từ đồng ruộng đến tay người tiêu dùng. 

Thế nhưng, ông vẫn đang chờ chính quyền các cấp gỡ vướng về đất đai để xây dựng điểm chế biến, đóng gói, trưng bày sản phẩm gạo của HTX. Dù khó khăn, song ông không bao giờ bỏ cuộc.

Gặp người đàn ông từng "đốt lửa cho đồi hoang ấm mãi" - Ảnh 7.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình kéo điện về chân ruộng giúp bà con nông dân sản xuất.

"Mình khổ nhiều rồi, càng khó thì mình càng nổ lực, đó là bản tỉnh của mình. Lúa của HTX đã đạt chuẩn VietGAP từ nhiều năm rồi, chỉ cần 1 bước nữa là thương mại hóa sản phẩm ra thị trường, bà con vừa được hưởng lợi khi mua giá cao hơn, và hơn cả là xây dựng được thương hiệu cho vựa lúa trên vùng Dur Kmăl", ông Sanh trăn trở.

Độc đáo mô hình trồng lúa - nuôi cá

Còn bản thân ông, nhiều năm nay đã duy trì mô hình nuôi cá kết hợp trồng lúa. Ông Sanh chia sẻ, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, ông thấy nhiều chủ nuôi vịt sẽ lùa vịt cắm trại ngay bờ ruộng để những hạt lúa còn sót lại. Chẳng mấy chốc, đàn vịt to béo. 

Lúc đó, ông chợt nghĩ vì sao không kết hợp nuôi cá với trồng lúa. Ông bắt đầu thử nghiệm. Khi cây lúa phát triển lên cao, ông sẽ thả đàn cá xuống. 

Cứ thế cá sẽ lớn tự nhiên, sau khi thu hoạch lúa, đàn cá sẽ có thêm thức ăn. Nuôi chừng 4-6 tháng, ông sẽ thu được những mẻ cá tự nhiên. Sau mẻ cá đầu tiên, ông đã nhân rộng mô hình. Đến nay gia đình ông có 20 ha đất sản xuất theo mô hình VAC.

Gặp người đàn ông từng "đốt lửa cho đồi hoang ấm mãi" - Ảnh 8.

Mô hình sản xuất của gia đình ông Nguyễn Văn Sanh tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ với thu nhập bình quân của người lao động từ 6-9 triệu đồng/tháng.

Ông cũng triển khai mảng kinh doanh lúa gạo khá hiệu quả. Tổng thu nhập từ nuôi cá, trồng lúa, mua bán lúa gạo đạt 3,5 tỷ đồng/năm. Gia đình ông đang tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ. Thu nhập bình quân của người lao động từ 6-9 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh làm giàu cho bản thân, ông Sanh không quên trả ơn cho vùng đất là quê hương thứ 2 của mình. Ông đã đóng góp thuế và phúc lợi xã hội (một năm) làm đường giao thông nông thôn, mương nội đồng số tiền 150 triệu đồng. 

Ông cũng thường xuyên hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho hơn 50 lao động địa phương. Đợt dịch COVID-19, ông Sanh đã hỗ trợ 1,7 tấn gạo cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk như: huyện Krông Na, huyện Buôn Đôn, TP Buôn Ma Thuột.

Gặp người đàn ông từng "đốt lửa cho đồi hoang ấm mãi" - Ảnh 9.

Với những đóng góp của mình, ông Nguyễn Văn Sanh đã được nhiều cấp, ngành Trung ương và địa phương tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen.

Với những đóng góp trên, những năm qua, ông Sanh được nhiều cấp, ngành Trung ương và địa phương tuyên dương gồm: 2 Bằng khen của Liên minh HTX Việt Nam, 4 Bằng khen của UBND tỉnh Đắk Lắk, 5 Giấy khen của Hội Nông dân huyện Krông Ana.

Năm 2015, Liên minh HTX Việt Nam tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng và phát triển HTX từ năm 2010-2015; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk tặng tập thể lao động xuất sắc, có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2016; Bằng khen năm 2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển huyện Krông Ana nhân kỷ niệm thành lập huyện...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem