Một ông nông dân tỉnh Bình Định nuôi loài chim mắn đẻ, bán cả ngàn con vô Sài Gòn, thu 150 triệu/tháng

Thứ ba, ngày 15/03/2022 18:52 PM (GMT+7)
Mô hình nuôi bồ câu thương phẩm với quy mô 2.500 cặp của vợ chồng anh Nguyễn Minh Vương và chị Nguyễn Thị Thu ở thôn Kiên Phú, xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) là một gợi ý tốt cho ai muốn phát triển chăn nuôi.
Bình luận 0

Bắt đầu nuôi bồ câu từ năm 2016 nhưng phải đến năm 2018 vợ chồng anh Vương (thôn Kiên Phú, xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) mới hoàn chỉnh mô hình nuôi bồ câu Pháp sinh sản với quy mô hàng nghìn con. 

Một ông nông dân tỉnh Bình Định nuôi loài chim mắn đẻ, bán cả ngàn con vô Sài Gòn, thu 150 triệu/tháng - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Thu, thôn Kiên Phú, xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) đang cho chim bồ câu Pháp ăn. Vợ chồng chị nuôi chim bồ câu từ năm 2016 đến nay. Ảnh: NHƯ Ý

Anh Vương cho hay: Chim bồ câu dễ nuôi, lại có đầu ra ổn định nên sau khi nắm vững kỹ thuật nuôi, chăm sóc và cho chim đẻ, tôi tự nhân giống, mở rộng gia trại như hiện nay.

Sau khoảng 5 tháng nuôi, bồ câu giống sẽ trưởng thành và bắt đầu đẻ lứa trứng đầu tiên. Cứ thế, trung bình mỗi năm, 1 cặp bồ câu bố mẹ sẽ cho ra từ 8 - 10 lứa bồ câu con (bình quân 2 con/1 lứa). 

Từ lúc đẻ trứng đến khi bồ câu non nở con tầm 17 ngày, từ ngày nở đến khi bồ câu ra ràng là 20 ngày, khi đó chim con đạt trọng lượng khoảng 5 lạng.

Nhờ khai thác được khách hàng có khả năng tiêu thụ số lượng bồ câu thương phẩm lớn ở TP Hồ Chí Minh, việc tiêu thụ chim ra ràng của anh Vương rất thuận lợi. 

Anh Nguyễn Minh Vương chia sẻ: Giá chim bồ câu thương phẩm và thị trường tiêu thụ chim bồ câu những năm gần đây tương đối ổn định, khiến tôi theo đuổi việc nuôi chim bồ câu. Hiện bình quân mỗi tháng tôi xuất vào TP Hồ Chí Minh chừng 3.000 con chim bồ câu thương phẩm, thu về hơn 150 triệu đồng.

Thanh Trọn (Báo Bình Định)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem