Một số trường vẫn thiếu sách giáo khoa, học sinh phải dùng bản photo và sách điện tử

Tào Nga Thứ ba, ngày 20/09/2022 13:48 PM (GMT+7)
Tình trạng thiếu sách giáo khoa đang xảy ra dù học sinh bước vào năm học đã hơn nửa tháng. Nhiều trường phải cho học sinh dùng sách điện tử hoặc bản photo.
Bình luận 0

Liên quan đến sách giáo khoa, trao đổi với PV báo Dân Việt, cô Nguyễn Phương Liên, hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS, THPT Khương Hạ cho hay, đến hôm nay (ngày 20/9) học sinh của trường đang thiếu sách giáo khoa lớp 10 là môn Hóa học và bài tập Vật lý.

Năm nay nhà trường tuyển sinh 270 học sinh lớp 10. Vào giữa tháng 7, trường lựa chọn sách và ngày 10/8 bắt đầu đặt 270 bộ sách từ các nhà xuất bản. Trước ngày khai giảng đã nhận được sách và giao cho học sinh nhưng vẫn còn thiếu 2 quyển. Để thuận tiện cho việc học, nhà trường và giáo viên đã chủ động photo sách Hóa học. Với vở bài tập Vật lý thì giáo viên in phiếu giao bài cho học sinh.

"Chúng tôi vẫn đợi sách giáo khoa từ các đơn vị xuất bản để phát cho học sinh", cô Liên chia sẻ.

Năm nay, gần 500 học sinh trường THPT Minh Hà, huyện Thạch Thất đã bước vào năm học mới 2022- 2023 tại ngôi trường mới. Tuy nhiên, hầu hết các em chưa có sách giáo khoa và buộc phải học sách điện tử. Ngày 20/9, đại diện nhà trường cho biết đã nhận 1 số sách và còn thiếu một số sách thì tuần này tiếp tục giao. Nhà trường đang nỗ lực để học sinh có đủ sách trong thời gian sớm nhất.

Một số trường vẫn thiếu sách giáo khoa, học sinh phải dùng bản photo và điện tử - Ảnh 1.

Một số trường vẫn thiếu sách giáo khoa. Ảnh: Tào Nga

Năm 2022, Bộ GDĐT phê duyệt 3 bộ SGK từ tiểu học đến THPT, gồm Chân trời sáng tạo, Cánh diều và Kết nối tri thức với cuộc sống. Trong đó, NXB Giáo dục Việt Nam chịu trách nhiệm xuất bản, phát hành 2 bộ là Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống. Bộ Cánh diều do 2 NXB Đại học Sư phạm Hà Nội và NXB Đại học Sư phạm TPHCM chịu trách nhiệm.

Trước đó, trao đổi với PV, PGS. TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Bộ GDĐT cho biết đã nắm được thông tin thiếu SGK tại một số ít địa phương. 

Về tình trạng thiếu SGK năm nay, nhất là đối với các lớp thay sách theo chương trình giáo dục phổ thông mới, PGS Thành cho rằng, xuất phát từ hai phía. Việc công bố danh mục SGK lớp 3, 7, 10 lựa chọn sử dụng trong nhà trường diễn ra chậm hơn nhiều so với thời gian quy định. Đặc biệt, đối với SGK lớp 10, ở nhiều môn học, học sinh lựa chọn từ các tổ hợp môn học khác nhau nên các tên sách cụ thể và số lượng tương ứng phụ thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn của các em tại từng nhà trường, từng địa phương cụ thể. Về phía các NXB cũng có tình trạng xuất bản cầm chừng.

PGS Thành cho biết, Bộ GDĐT đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các NXB đảm bảo cung ứng đủ SGK cho học sinh. Ngày 29/8, Bộ GDĐT ban hành công văn gửi giám đốc các Sở GDĐT yêu cầu thực hiện một số hoạt động đầu năm học 2022 - 2023, trong đó nhiệm vụ bảo đảm cung cấp đủ SGK cho học sinh, không để xảy ra tình trạng thiếu SGK đầu năm học. Thời gian này, Bộ sẽ yêu cầu các Sở GDĐT và các NXB phối hợp chặt chẽ để đảm bảo đủ SGK cho học sinh.

Về phía NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, việc công bố danh mục sách giáo khoa lớp 3, 7,10 lựa chọn sử dụng trong nhà trường diễn ra chậm hơn nhiều so với thời gian quy định. Đặc biệt đối với sách giáo khoa lớp 10, ở nhiều môn học sinh sẽ lựa chọn từ các tổ hợp môn học khác nhau nên các tên sách cụ thể và số lượng tương ứng phụ thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn của học sinh tại từng nhà trường, từng địa phương cụ thể.

NXB Giáo dục Việt Nam đã triển khai bám sát các địa phương, nhà trường để nắm bắt cụ thể số lượng từng tên sách và số lượng cần cung ứng, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để có thể triển khai in gấp, đảm bảo cung ứng đầy đủ theo nhu cầu.

Chiều 19/9, tại Phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật giá (sửa đổi). Theo Dự Luật, Chính phủ đề xuất bổ sung hai nhóm hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Trình bày tờ trình Dự Luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ đề xuất bổ sung hai nhóm hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Cụ thể, với SGK là mặt hàng có thị trường cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Mặt hàng này được Bộ GDĐT đề nghị bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Và tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã thống nhất, yêu cầu bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật giá.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, việc định giá mặt hàng này sẽ giao cho Bộ GDĐT định giá cụ thể.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem