Mùa nước nổi Vĩnh Long, ra đồng thấy cây thủy sinh lớn nhanh như thổi, trên chim trời, dưới cá đồng

Thứ năm, ngày 02/11/2023 05:44 AM (GMT+7)
Mùa nước nổi ở Vĩnh Long là môi trường rộng lớn cho các loài thủy sinh sinh sôi nảy nở; chim thú hoang, cá tôm từ sông lớn tụ hội vào ruộng, đồng tăng trưởng mạnh mẽ, cũng là lúc dân miệt đồng khai thác cá đồng, trồng cây thủy sinh.
Bình luận 0

Những ngày đầu tháng 9 (rằm tháng 7 âm lịch), mực nước sông, rạch trong tỉnh đã bắt đầu dâng lên mấp mé chân đê, mặt những con đường thấp, một số khu ruộng không có lúa đã ngập nước. Mùa nước nổi đã về với vùng ĐBSCL, với Vĩnh Long) từ đây đến tháng 11.

Mùa nước lên là môi trường rộng lớn cho các loài thủy sinh sinh sôi nảy nở; chim thú hoang, cá tôm từ sông lớn tụ hội vào ruộng, đồng tăng trưởng mạnh mẽ, cũng là lúc dân miệt đồng khai thác cá đồng, trồng cây thủy sinh.

Chim trời, cá nước nhiều hơn

Một số lão nông cho hay, vào mùa khô, nước sông, rạch, ao, hồ cạn kiệt, môi trường sống của cá đồng, cá sông bị thu hẹp.

Nước lũ về, triều cường lên cao tràn đồng “giải phóng” không gian sống cho muôn loài. Ruộng đồng, ao, hồ, mương, vũng ven cánh đồng ngập nước là vùng ở mới cho các loài thủy sản nước ngọt bản địa và thủy sản di trú vào đồng tìm thức ăn, sinh sản và lớn lên.

Mùa nước nổi, bên cạnh môi trường nước rộng hơn, mà khí hậu cũng mát mẻ hơn của thời đoạn cuối mùa hè, sang mùa thu, thuận lợi cho muôn loài sinh sôi nảy nở. Tôm, cá từ các sông lớn vào đồng mùa nước nổi, đa số mang nhiều trứng và sinh sản.

Nông dân Bùi Văn Nghĩa (55 tuổi, ở ấp Hòa Mỹ 2, xã Mỹ An, huyện Mang Thít) cho hay, hiện tại nơi anh ở, ngày thường vẫn gặp một số loài động vật hoang dã xuất hiện trên đồng, trên các kinh, rạch, ao, hồ, mương, vũng,… nhưng thấy nhiều hơn vào mùa mưa, mùa nước nổi, như cá lóc, cá rô đồng, cá trê vàng, cá chạch, cá sặt, cá rằm, cá bống dừa, rắn nước, rắn ri voi, rắn vi cá, rắn hổ hành, chuột đồng, chuột dừa, rùa, ếch, nhái, lươn, cua đồng, tép rong, tép rêu…

Còn có thêm các loài di cư từ sông lớn vào ruộng, mương, vũng như cá linh, cá chốt, tôm lóng, tôm càng xanh, cá bống trứng, bống xệ, bống cát, tép thợ rèn… do không chịu nổi nước đục ngầu của sông lớn.

Nắm bắt được quy luật di chuyển, sinh sôi của các loài khi mùa nước lên, người dân trong tỉnh, nhất là ở nông thôn, từ lâu đã biết cách khai thác, đánh bắt nguồn lợi thủy sản, chim thú hoang trên ruộng đồng, kinh mương, ao hồ để mưu sinh, có thêm thu nhập.

Mùa nước nổi Vĩnh Long, ra đồng thấy cây thủy sinh lớn nhanh như thổi, trên chim trời, dưới cá đồng - Ảnh 2.

Mô hình trồng ấu mùa nước nổi đem lại thu nhập khá cho nông dân ở xã Tân Hạnh (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) từ nhiều năm qua.

Ở những cánh đồng xả lũ ở huyện Bình Tân, Long Hồ, Tam Bình,...của tỉnh Vĩnh Long vào mùa nước nổi, đâu đâu cũng thấy “ma trận” ngư cụ bắt thủy sản. Trên ruộng thì có những dớn, lưới giăng, lưới kéo, kéo côn... Ở chân vườn, ao, mương, mặt đập thì có những nò, lờ, lọp, dớn, vợt, câu cần, câu giựt.

Ở dưới kinh thì có những lờ, lọp, chài quăng, dớn, vợt, lưới giăng, vó bật... Tuy nhiên, người dân ngày càng có ý thức hơn về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hạn chế đánh bắt tôm, cá, thú hoang bằng ngư cụ "nguy hiểm" như: giựt điện, xiệt điện, thuốc độc... hay bắt cá non, kết hợp với phát triển các mô hình nuôi thủy sản (như nuôi lươn, ếch, cua đồng, rắn...).

Các loài cây thủy sinh phát triển mạnh

Cũng theo một số nông dân, vào mùa nước nổi, có nhiều cây sinh sống trong nước (cây thủy sinh) có lợi cho con người phát triển mạnh mẽ nhờ dưỡng chất phù sa và môi trường nước được cải thiện tốt hơn do được nước lũ tháo chua, rửa phèn, mặn như cây ấu, sen, bông súng, rau muống, rau nhút, lục bình, rau mát, bồn bồn, bình định…

Khai thác lợi thế đó, nhiều nơi, nông dân đã xây dựng các mô hình trồng cây thủy sinh, cho thu nhập khá hấp dẫn. Ở xã Tân Hạnh (Long Hồ) có mô hình trồng ấu Đài Loan trong mùa lũ từ nhiều năm qua với diện tích hơn 20ha, tập trung ở các ấp: Tân Thuận, Tân Nhơn, Tân An và Tân Thạnh.

Các hộ trồng ấu tại đây cho hay, những năm có lũ lớn, năng suất ấu Đài Loan thu hoạch khá cao, từ 1,5-1,8 tấn/công/vụ; năm không có lũ, năng suất còn trung bình 1 tấn/công/vụ.

Bình quân mỗi công ấu người trồng có thể thu được từ 6-7 triệu đồng/vụ, trừ chi phí đầu tư còn lời từ 2-3,5 triệu đồng/công/vụ (cao hơn gấp 2-3 lần trồng lúa trên cùng diện tích).

Còn ở ấp Tân Thạnh, xã Tân Hạnh (Long Hồ), một ấp xa lắc nằm giáp với huyện Châu Thành (Đồng Tháp) thì có mô hình trồng lục bình để cắt cọng bán.

Hàng chục năm nay, nhiều hộ dân ở cụm dân cư vùng lũ xã Tân Hạnh đã sống được nhờ mô hình trồng lục bình cắt cọng trên dòng kinh Mương Khai, chúng vừa cho thu nhập thường xuyên mà còn giữ được mé kinh không bị lở.

Cây lục bình có thể mọc xanh tốt quanh năm, nhưng vào mùa nước nổi thì cây phát triển tốt hơn, cho cọng dài hơn, nhờ nước trong kinh có nhiều phù sa. Lục bình sau 3-4 tháng trồng, cọng ra dài độ 4-5 tấc là cắt được.

Tùy theo diện tích trồng, vào mỗi con nước lớn, một người có sức khỏe có thể cắt được 3 xuồng, nặng 300kg cọng tươi (mỗi xuồng 100kg).

Cọng tươi đem phơi 3-4 nắng (ngày) là đủ khô, đem bán được. Cứ 100kg cọng tươi còn 10kg cọng khô. Với giá lục bình cọng khô từ 7.500-8.000 đ/kg, cứ 3-4 ngày là có thể thu vô trên 200.000đ mà không tốn chi phí nào, chỉ tốn công thôi.

Theo các chuyên gia thủy sản, đến nay, trong tỉnh chưa có công trình nghiên cứu về định lượng gia tăng của các loài trong mùa nước nổi, nhưng thực tế cho thấy, trong mùa này các loại có sự tăng trưởng đáng kể về số lượng và đa dạng về chủng loại hơn so với trong mùa khô.

Tuy nhiên, do lũ từ thượng nguồn về đồng bằng có xu thế nhỏ dần. Diện phân bố lũ và thời gian lưu nước trên đồng càng ngắn làm cho các mô hình sản xuất trong mùa lũ mai một theo lũ nhỏ, cộng với việc đánh bắt quá mức làm cho các loài thủy sản, chim thú hoang, nhiều loài càng vắng bóng trên đồng nước lũ!

Vì vậy, người dân trong tỉnh cần nhận thức và hành động đúng đắn hơn trong khai thác kết hợp với bảo tồn nguồn lợi thủy sản, chim thú hoang, không đánh bắt theo kiểu tận diệt; đồng thời đẩy mạnh xây dựng, phát triển các mô hình nuôi thủy sản, nuôi động vật hoang dã theo quy định và các mô hình trồng trọt để dần thay thế đánh bắt thủy sản, chim thú tự nhiên, nhằm vừa gia tăng thu nhập, phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường sinh thái ổn định, phát triển bền vững.

Mỹ Trung (Báo Vĩnh Long)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem