Bảo vật quốc gia được lưu giữ trong chùa Phổ Minh là báu vật gì?

Mai Chiến Thứ tư, ngày 17/05/2023 14:01 PM (GMT+7)
Bảo vật quốc gia trong chùa Phổ Minh (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) là Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ, có niên đại từ Thế kỷ XVII.
Bình luận 0

Chùa Phổ Minh được Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2012. Video: Mai Chiến.

Di tích quốc gia đặc biệt

Nằm trong quần thể Di tích lịch sử văn hóa Đền Trần, chùa Phổ Minh (hay còn gọi là chùa Tháp) được du khách thập phương biết đến rất nhiều. Bởi, chùa có cảnh quan đẹp với kiến trúc "nội công, ngoại cuốc"; có tháp Phổ Minh gồm 14 tầng, được xây dựng từ năm 1308. Đặc biệt, chùa còn được biết đến là nơi lưu giữ bảo vật quốc gia.

Sau 3 năm tạm dừng mọi hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19, chùa Phổ Minh chính thức mở cửa đón du khách thập phương từ tết Nguyên đán xuân Quý Mão 2023. 

Theo thống kê của Ban Quản lý Di tích, từ đầu năm đến nay đã có hàng vạn du khách trong và ngoài tỉnh đến vãn cảnh chùa Phổ Minh; thắp hương, lễ Phật; cầu bình an, may mắn…

"Mục sở thị" bảo vật quốc gia trong chùa Phổ Minh - Ảnh 2.

Cổng Tam quan chùa Phổ Minh có 3 lối vào. Ảnh: Mai Chiến.

Chùa Phổ Minh được xây dựng từ thời nhà Lý, nơi đặt vạc Phổ Minh - một trong tứ đại khí của Đại Việt. Quy mô chùa được mở rộng cùng với việc xây dựng các cung điện ở Thiên Trường dưới thời nhà Trần vào năm 1262. Bởi thế, chùa Phổ Minh được coi là đại danh lam của nước Việt xưa gắn liền với những nhân vật lịch sử thời Trần.

Từ năm 1533 - 1592, chùa Phổ Minh tiếp tục được trùng tu. Người đứng ra tu sửa chùa là công chúa Mạc Ngọc Lâm. Bà đã về chùa tu hành một thời gian và phát tâm tu sửa cảnh chùa.

Kể từ sau đợt trùng tu này, chùa Phổ Minh còn trải qua nhiều lần tu sửa khác nhưng chùa vẫn giữ được dáng vẻ, quy mô bề thế với kiểu kiến trúc "nội công, ngoại quốc".

Các hạng mục kiến trúc, công trình của chùa Phổ Minh gồm: Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện được xếp theo hình chữ "công"; tháp Phổ Minh, hành lang, nhà tổ, phủ mẫu… Trong khuôn viên chùa còn nhiều hiện vật mang dấu ấn nghệ thuật chạm khắc của thời Trần như chân tảng hoa sen, rồng đá, sóc đá…

"Mục sở thị" bảo vật quốc gia trong chùa Phổ Minh - Ảnh 3.

Chùa Phổ Minh - nơi lưu giữ bảo vật quốc gia. Ảnh: Mai Chiến.

Ngoài ra, cổng Tam Quan chùa có 3 lối vào, tường xây gạch, mái lợp ngói cổ, được thiết kế kiểu "hai tầng, bốn mái", trên chốc mái tầng 1 có 4 chữ Hán, dịch là "Đại, Hùng, Bảo, Điện".

Dưới thềm đá 3 cấp ở lối vào có đôi sóc đá thời nhà Trần được tạc theo đá tảng nguyên khối, đang ở tư thế lao chạy từ trên xuống dưới và toàn bộ bậc thềm được bó thành đá xanh khối hình chữ nhật.

Với những giá trị đặc biệt về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật của di tích, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật Đền Trần và chùa Phổ Minh là Di tích quốc gia đặc biệt.

Nơi lưu giữ bảo vật quốc gia

Chùa Phổ Minh thờ Phật giống như các ngôi chùa khác; nhưng hơn hết, nơi đây là nơi thờ phụng và có mối liên hệ mật thiết tới Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, người đã sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm, đưa chùa Phổ Minh trở thành một trung tâm tôn giáo lớn của quốc gia Đại Việt.

Bởi vậy, trong chùa đang thờ 3 vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập ra dưới triều Trần. Trong đó, chính giữa là tượng Vua Trần Nhân Tông nhập niết bàn (tư thế nằm nghiêng), đầu gối lên tay trái, tay phải duỗi thẳng đặt lên người, cả bức tượng được đặt trong 1 khám thờ khối hình chữ nhật.

"Mục sở thị" bảo vật quốc gia trong chùa Phổ Minh - Ảnh 4.

Du khách tham quan, vãn cảnh chùa Phổ Minh. Ảnh: Mai Chiến.

Bên trái tượng Trần Nhân Tông là tượng Pháp Loa - Đệ Nhị Tổ Trúc Lâm và bên phải là tượng Huyền Quang - Đệ Tam Tổ Trúc Lâm. Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ ở chùa Phổ Minh có niên đại từ Thế kỷ XVII, được tạo tác bằng chất liệu gỗ, sơn son, thếp vàng, là bảo vật quốc gia được Chính phủ công nhận theo Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 30/1/2023 do Phó Thủ trướng Trần Hồng Hà ký.

Bộ tượng Trúc lâm Tam Tổ gắn liền với lịch sử hình thành, tồn tại của chùa Phổ Minh, công trình kiến trúc nổi tiếng thời Trần.

Theo lịch sử ghi chép còn lưu lại, vua Trần Nhân Tông là ông vua thứ 3 của Vương triều Trần, người đã tổ chức và lãnh đạo thắng lợi 2 cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông 1258 và 1285.

Trần Nhân Tông là miếu hiệu. Tên cha mẹ đặt là Trần Khâm. Ông là con trưởng của Trần Thánh Tông và Thiên Cảm Hoàng hậu. Trần Khâm được vua cha truyền ngôi khi 24 tuổi. Đây là thời gian đế quốc Mông Cổ chiếm toàn cõi Trung Hoa, lập ra triều Nguyên và âm mưu bành trướng xuống các nước phía Nam…

Là người đứng đầu nhà nước, vua Trần Nhân Tông kiên quyết không khuất phục. Năm 1282, vua Trần Nhân Tông mở hội nghị quân sự Bình than; đầu năm 1285, quân xâm lược tràn qua biên giới, vua Trần Nhân Tông mở hội nghị Diên Hồng lịch sử…, cả đất nước sôi sục chuẩn bị, quân sĩ tỏ thái độ không đội trời trung với quân thù.

"Mục sở thị" bảo vật quốc gia trong chùa Phổ Minh - Ảnh 5.

Giữa sân chùa có tháp Phổ Minh được xây dựng từ năm 1308; gồm 14 tầng, cao 19,5m. Ảnh: Mai Chiến.

Trong hai cuộc kháng chiến, vua Trần Nhân Tông không những đã đóng góp quyết định những phương lược quan trọng mà còn nhiều lần tự cầm quân đánh giặc, xông pha tới các mặt trận xung yếu, động viên khích lệ tướng sĩ.

Khi đất nước sạch bóng quân thù, vua Trần Nhân Tông chú trọng ngay đến việc khuyến khích nông tang, chiêu mộ dân khai khẩn ruộng hoang, mở rộng các công trình thủy lợi, chia ruộng đất cho dân… Do đó, dưới triều Trần Nhân Tông, nhiều năm liền nông dân được mùa.

Trần Nhân Tông khi làm vua thì tận tâm với non sông, đất nước. Song giàu sang không lấy làm trọng. Ông sẵn sàng bỏ mọi quyền uy, mọi vàng son gấm lụa, tự nguyện dấn thân vào một cuộc đời đơn bạc, gió sương, vui vẻ nhường ngôi cho con trai để khoác áo tu hành và sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm.

Tượng Trần Nhân Tông nhập niết bàn với tư thế nằm nghiêng trong Thượng điện chùa Phổ Minh là hiện thân của một ông vua, một giáo chủ bình thản, suy tư, tưởng như xa xôi nhưng vô cùng gần gũi.

Đồng thời, lại biểu hiện sự thanh thản của một con người với tư cách là Hoàng đế đã làm tròn nhiệm vụ với non sông, đất nước; để lại cho muôn đời con cháu một giáo phái độc lập, một ý thức hệ tư tưởng tự lập, tự cường, đầy tính nhân văn, dân chủ.

"Mục sở thị" bảo vật quốc gia trong chùa Phổ Minh - Ảnh 6.

Tượng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, tư thế nằm nghiêng; đầu gối lên tay trái, tay phải duỗi thẳng đặt lên người. Ảnh: Mai Chiến.

"Mục sở thị" bảo vật quốc gia trong chùa Phổ Minh - Ảnh 7.

Tượng Pháp Loa - Đệ Nhị Tổ Trúc Lâm

"Mục sở thị" bảo vật quốc gia trong chùa Phổ Minh - Ảnh 8.

Tượng Huyền Quang - Đệ Tam Tổ Trúc Lâm. Ảnh: Mai Chiến.

"Mục sở thị" bảo vật quốc gia trong chùa Phổ Minh - Ảnh 9.

Trong khuôn viên chùa còn nhiều hiện vật mang dấu ấn nghệ thuật chạm khắc của thời Trần như chân tảng hoa sen, rồng đá, sóc đá… Ảnh: Mai Chiến.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem