Mừng Quốc khánh 2.9: Chuyện kể về sức mạnh của gió Tự do, cờ Độc lập

Nguyễn Hữu Hiệp Thứ ba, ngày 02/09/2014 07:00 AM (GMT+7)
Ngọn cờ cách mạng được cắm giữa "trán" Dinh Độc lập, và được kéo lên đỉnh cột cờ Thủ Ngữ ở Sài Gòn. Mỹ cút, nguỵ nhào. Miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Giang sơn thu về một mối. Đại thắng mùa xuân năm 1975 – kết thúc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước!
Bình luận 0
Chuyện kể về niềm tin nơi ngọn cờ vô sản cách nay 84 năm – 1930

Trong số 80 người Cộng sản bị Pháp bắt ở Huế ­năm ấy, có một nữ thanh niên mới 16 tuổi, bị đánh đập tra tấn rất dữ, nhưng chị chẳng những bất khuất trước kẻ thù mà còn luôn nêu cao khí tiết, tỏ rõ niềm tin tất thắng cách mạng.

img
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập

Còn nhớ một hôm, khi nghe tin địch sắp đem đi bắn, chị vẫn hết sức tỉnh táo, tự cắn đầu ngón tay mình cho chảy máu, đặng viết lên tường nhà lao Thừa phủ bài thơ như sau:

Quyết chí một lòng/ Mười sáu năm nay sống ở đời

Nhân tình nghĩ đến lệ đầy vơi/ Trông phường đế quốc lòng ngao ngán

Nghĩ đến lao tù dạ rối bời/ Quyết chí hy sinh lòng tận tuỵ

Dốc lòng phấn đấu mặc đầu rơi/ Ngọn cờ vô sản bao giờ phất

Chín suối hồn ta mỉm miệng cười.

Tên chị là Nguyễn Thị Quang Thái, em ruột chị Minh Khai (sau này lập gia đình với ông Võ Nguyên Giáp – cũng là bạn tù Cộng sản bị bắt chung năm ấy). Do không đủ tài liệu để áp đặt cái chết cho người chiến sĩ yêu nước này nên địch không thể “trừ hậu hoạ”, đành phải quản thúc ba năm rồi thả.

Nhưng sau đó, năm 1940, lúc chị đang theo học Y khoa Đông Dương tại Hà Nội, hôm ấy đang chào cờ tại sân trường, khi lá cờ tam tài của Pháp kéo lên, nó bị cuốn lại, chị Thái thấy thế buộc miệng nói:

- Coi kìa, lá cờ tam tài trông giống như cái đuôi chó, vui chưa!

Không ngờ trong đám nữ sinh ấy có con Tây lai đen tên Mi-rây Tít-xuy (Mireille Tisus) đi báo với mật thám Pháp, vì vậy hôm sau chị bị chúng bắt đem giam ở nhà lao Hoả Lò. Chúng tra tấn chị rất dã man. Chị kiệt sức. Bệnh viện Bạch Mai không cứu được. Trước khi mất, chị nhờ người vào thăm chuyển lời vĩnh biệt đến anh Giáp và cháu Hồng Anh (con gái chị) bằng hai câu cuối của bài thơ vừa ghi trên:

Ngọn cờ vô sản bao giờ phất/ Chín suối hồn ta mỉm miệng cười.

Người Việt Nam chướng lá cờ xâm lược bao nhiêu thì yêu ngọn cờ vô sản bấy nhiêu. Thuở ấy:

… Đảng Cộng sản nêu cờ phục quốc/ Kêu gọi ai yêu nước thương nòi

Hỡi ai chán kiếp tôi đòi/ Hỡi ai muốn sống cuộc đời tự do

Mau đứng dưới bóng cờ phản đế/ Nghìn tay giơ như thể một tay

Đuổi thằng Nhật, diệt thằng Tây/ Tham quan bạo chúa ra tay tảo trừ

... Giờ hiện tại là giờ giải phóng/Mau đứng lên vì giống Lạc Long

Đứng lên theo lá Cờ Hồng/ Dựng xây thế giới đại đồng muôn năm.

(Trích từ bài thơ lưu truyền ở Nam Bộ trước Cách mạng Tháng Tám – Hào khí Đồng Nai).

Và, như chúng ta và cả thế giới đều đã biết, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Bác Hồ, của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã ngót 3/4 thế kỷ, ngọn cờ vô sản đã phần phật tung bay trước gió. Nhân dân Việt Nam đã giành lại Độc lập, Tự do cho Tổ quốc!

img
Ảnh Bác Hồ có thủ bút và chữ ký

Cờ đỏ sao vàng“Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước”

Ngày 18.4.1931, khi Tổng Bí thư Trần Phú bị địch bắt giam ở khám lớn Sài Gòn, ông có truyền đạt ý kiến được xem như mang tính “dấu ấn” lịch sử: “Ở hoàn cảnh một nước thuộc địa như nước ta, nếu đánh đổ được đế quốc, phong kiến thì cần thành lập một Chính phủ Cộng hoà Dân chủ; và lá quốc kỳ nên là một lá cờ nền đỏ và có sao vàng 5 cánh”.

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, hình ảnh lá “cờ đỏ sao vàng” được trang trọng in trên trang nhất tờ báo Tiến lên của Xứ uỷ Nam Kỳ.

Tháng 11.1940 tác phẩm “cờ in máu chiến thắng mang hồn nước” được quân và dân ta lập tức nhân ra trong những ngày “Khởi nghĩa Nam Kỳ”. Hàng nghìn, hàng vạn cờ đỏ sao vàng tung bay khắp vùng nông thôn Nam Bộ. Nó xuất hiện trước hết tại đình Long Hưng (Tiền Giang) bên cạnh lá cờ búa liềm tươi thắm của Đảng.

Tháng 2.1941, lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh được trao cho trung đội cứu quốc quân đầu tiên mới thành lập tại Bắc Sơn. Tháng 5.1941, Mặt trận Việt Minh thành lập. Trong Chương trình Việt Minh ghi rõ: “Sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp – Nhật, sẽ lập nên Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, lấy cờ đỏ sao vàng 5 cánh làm Quốc kỳ”. Đó là văn bản đầu tiên nói về cờ của nước ta.

Trung tuần tháng 8.1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) quyết định lấy cờ Việt Minh (cờ đỏ sao vàng 5 cánh) là cờ khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Và như bão táp, lá “cờ chiến thắng mang hồn nước” đã tung bay, giành lại Độc lập Tự do cho Tổ quốc qua những dấu ấn lịch sử không thể nào quên:

- Đánh sụp chế độ quân chủ tại kinh thành Huế trong ngày lễ thoái vị của Bảo Đại, 30.8.1945 – tờ chiếu thoái vị ghi là 23.8.1945.

- Tung bay ngạo nghễ trên nóc hầm tướng chỉ huy quân Pháp Đờ-cát-tơ-ri ở Điện Biên Phủ lúc 17 giờ 30 ngày 7.5.1954 – chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng, kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống Pháp.

- Ngày 30.4.1975 cờ cách mạng tung bay trên “dinh Độc Lập” xoá bỏ cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn.

Không chỉ thế, lá cờ đỏ sao vàng còn phấp phới trên trời cao giữa nước Mỹ, sánh vai với hàng trăm cờ của các nước trên thế giới tại trụ sở Liên Hợp Quốc. Thật đáng tự hào!

1975 – chuyện cách nay 39 năm

Chặng cuối chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…

Ngày 29.4.1975, khi quân ta nổ súng tiêu diệt ở vòng ngoài, nhân dân Tân Phú mở màn nổi dậy. Cả khu vực Ngã tư Bảy Hiền, cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn náo nức không khí khởi nghĩa. Đêm 29.4, công nhân và thanh niên cắm cờ cách mạng trên trụ sở địch, chiếm lĩnh cư xá Hoả xa, hãng nước ngọt BGI. Sáng 30.4 thanh niên quận II tay không cướp bốt cảnh sát. Các quận 10, 11, 6, 5, 7 nhất tề khởi nghĩa giành chính quyền trước khi bộ đội ta tiến vào thành phố…

Ở hướng Bắc, 8 giờ sáng ngày 30.4, lực lượng khởi nghĩa của phường 6 xã Thạnh Mỹ Tây treo lá cờ cách mạng đầu tiên lên đỉnh cột đèn cao 10 mét gần chùa Phước Viên. Tiếp đó nhân dân ở 8 phường đồng loạt nổi dậy, chiếm trụ sở hội đồng của nguỵ quyền xã.

Đơn vị xe tăng đầu tiên của ta vào thành phố đã mang theo lá cờ khởi nghĩa của nhân dân Thạnh Mỹ Tây và cắm trên nóc phủ Tổng thống nguỵ lúc 11,30 giờ ngày 30.4.1975. Ngọn cờ cách mạng được cắm giữa trán “Dinh Độc lập”, và được kéo lên đỉnh cột cờ Thủ Ngữ ở Sài Gòn. Mỹ cút, nguỵ nhào. Miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Giang sơn thu về một mối. Đại thắng mùa xuân năm 1975 – kết thúc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước!

Văn bia đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược – Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh) ngời ngời những dòng chữ kiêu hùng, đầy lòng tự hào dân tộc:

“Tuổi trẻ! Tuổi anh hùng như đại bàng vỗ cánh “Đâu có giặc là ta cứ đi!” Thành phố Sài Gòn vì sao lấp lánh: Thề chết đứng chẳng sống quỳ. Những đoàn quân đẹp tựa thiên thần, đạp đỉnh Trường Sơn, vượt sông Cửu Long tiến về Thành phố.

“Đêm lảnh lót tiếng ca quan họ, nghe ngọt ngào điệu hát cải lương, hò mái đẩy ngâm nga dìu dặt, giọng bài chòi tha thiết nhớ thương. Mừng họp mặt bốn phương dũng sĩ, quê hương ta ra ngõ gặp anh hùng.

 

Còn nhớ, ngày 8.2.1941 Hồ Chủ tịch (lúc ấy lấy tên là Già Thu) về nước (Pắc Bó, Cao Lạng) cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Hôm ấy Người mang theo một lá cờ bằng lụa đỏ, ở giữa đính ngôi sao vàng năm cánh bằng giấy. Lá cờ này được treo trong Đại hội thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) ngày 19.5.1941, tại Hội nghị thứ Tám của Trung ương Đảng. Lá cờ hiện được trưng bày ở Viện Bảo tàng cách mạng, Hà Nội.

Quốc hội khoá I, kỳ họp thứ Hai (tháng 11.1946) cùng với việc thông qua Hiến pháp đầu tiên, Quốc hội đã nhất trí quốc kỳ của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là cờ đỏ sao vàng, để rồi sau này, cho đến nay, Quốc hội vẫn xác định lá quốc kỳ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nội dung như những gì đã có ghi trong bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946.

 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem