Bị "đội vốn" vì 3 tại chỗ, doanh nghiệp đề xuất tự quản lý, điều trị F0

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 10/09/2021 19:57 PM (GMT+7)
Việt Nam bắt buộc phải tính đến phương án tái mở cửa, hoạt động trở lại, không phải trong thời gian sắp tới, mà ngay tại thời điểm bây giờ cần phải có kế hoạch rõ ràng với các giải pháp cụ thể và đột phá
Bình luận 0

Đây là nhận định chung của các chuyên gia kinh tế, hoạch định chính sách tại hội thảo trực tuyến chủ đề "Giải pháp giúp doanh nghiệp (DN) chủ động thích ứng và sống chung an toàn với Covid-19", do VnEconomy tổ chức vào hôm nay 10/9.

"Đội vốn" vì 3 tại chỗ

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty May 10, cho biết, các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực dệt may, da giày, thủy sản… thực sự khó khăn với thời gian giãn cách kéo dài hơn 2 tháng vừa qua. Nếu DN không quay trở lại sớm, sống chung với dịch thì tỷ lệ phá sản sẽ rất cao.

"Chúng tôi đánh giá cao cách nhìn mới của Chính phủ về việc sống chung với dịch nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Cách nhìn này đã mở được một nút thắt cho cộng đồng DN", ông Việt nói.

Muốn phục hồi kinh tế, cần phải sớm trả lại “không gian” cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Các chuyên gia kinh tế tham gia đề xuất các giải pháp giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng và sống chung an toàn với Covid-19 - Ảnh chụp màn hình: Quốc Hải

Theo Tổng giám đốc Công ty May 10, việc duy trì sản xuất thời gian qua của các DN phần lớn là để đảm bảo uy tín với bạn hàng bởi nếu áp dụng mô hình "3 tại chỗ" như hiện nay, chi phí tăng gấp 3-4 lần, rủi ro lây nhiễm chéo cao, nhưng năng suất và hiệu quả chỉ đạt 40-50%.

"Ví dụ như tại May 10, chi phí vận chuyển hiện nay rất cao, nếu đi từ Hà Nội đến Nam Định chi phí cho 1 xe tải là 500.000 đồng, nhưng chi phí xét nghiệm hết cả triệu đồng. Chưa kể, chi phí xét nghiệm toàn bộ cho công nhân của May 10 trước đây là 1,3 tỷ, giờ giá một kít thử còn 100.000 đồng thì cũng là 1 tỷ đồng. Toàn bộ chi phí này nếu so với vaccine thì tiền vaccine ít hơn rất nhiều", ông Việt nói.

Vì thế, ngoài việc mong muốn lực lượng lao động trong các lĩnh vực dệt may, da giày, thủy sản… được sớm tiêm vaccine, lãnh đạo Công ty May 10 cũng mong muốn được tạo điều kiện "thông thoáng" hơn về giấy đi đường, thông quan, các thủ tục hành chính giấy tờ… Đặc biệt, cần sớm có kế hoạch mở cửa kinh tế trở lại một cách rõ ràng với các giải pháp cụ thể và đột phá.

Trước lo lắng về an toàn về phòng dịch cho lực lượng lao động, lãnh đạo May 10 thậm chí còn đề xuất cho DN được tự chủ cả trong điều trị F0.

"Chúng ta có F0 tại nhà thì tại sao không có F0 tại DN?"- Tổng giám đốc May 10, đặt vấn đề và cho biết điều kiện y tế đầy đủ như May 10, DN hoàn toàn có thể đảm đương được việc này.

Muốn phục hồi kinh tế, cần phải sớm trả lại “không gian” cho doanh nghiệp - Ảnh 2.

Các DN thủy sản, dệt may, da giày.. mong muốn được tiêm vaccine sớm cho lực lượng lao động - Ảnh: Vasep

Đồng quan điểm, TS Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng, Việt Nam phải tính đến phương án tái mở cửa ngay tại thời điểm bây giờ, với kế hoạch thật rõ ràng, cụ thể.

Theo ông Thành, thời gian qua không chỉ phía Chính phủ Mỹ mà các DN của Mỹ cũng đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong phòng chống dịch, nhằm đảm bảo duy trì an ninh kinh tế, duy trì chuỗi cung ứng tại Mỹ. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không thể phục hồi, thì bản thân Chính phủ hay các DN Mỹ cũng không thể hỗ trợ mãi một quốc gia, một thị trường nào đó mà không nhìn thấy hiệu quả, lợi ích mang lại.

Để tính đến lộ trình mở cửa an toàn thì Chính phủ Việt Nam nên phân loại DN theo năng lực đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí về sản xuất an toàn, sản xuất xanh; tập trung hỗ trợ cho những DN còn yếu để khi mở cửa trở lại các DN có cùng xuất phát an toàn.

"Nếu mở cửa cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh mà có DN đáp ứng tốt DN không  đáp ứng được thì sản xuất không thể phát triển được" - TS Vũ Tú Thành, nói.

Cũng theo ông Thành, cần duy trì trạng thái hoạt động ổn định của nền kinh tế. Bởi nếu cho phép doanh nghiệp hoạt động với công suất 50%, 70% nhưng dịch bùng đột ngột lại bắt doanh nghiệp cắt giảm còn 40%, thì không 1 doanh nghiệp nào có thể thích ứng và hoạt động như vậy được. Điều đó gây khó khăn cho doanh nghiệp về cả chi phí vận hành, và cả chiến lược phát triển…

Trả không gian kinh tế cho doanh nghiệp

TS. Lê Duy Bình - Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam, nhận định, thông tin mở cửa trở lại của TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phía Nam sẽ giống như "phao cứu sinh" cho các DN đang bị đuối sức cũng như người dân lao động hiện nay. Bởi, giãn cách càng lâu thì DN càng lỡ đi nhiều cơ hội và những nguồn lực để phục hồi sớm trở lại.

"Chúng ta nên mở cửa một cách dần dần trong phạm vi an toàn, từng bước trả lại không gian kinh tế cho doanh nghiệp và các hộ kinh doanh, người lao động. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên chuẩn bị và tập dượt với các kịch bản khác nhau, để chủ động ứng phó nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp diễn phức tạp", ông Bình nói.

Muốn phục hồi kinh tế, cần phải sớm trả lại “không gian” cho doanh nghiệp - Ảnh 4.

Dây chuyền sản xuất bánh kẹo tại Bibica - Ảnh: Bibica

Cụ thể, theo chuyên gia kinh tế này, để trả lại "không gian" kinh tế cho DN, các địa phương, cơ quan nhà nước cần xem xét thu hồi một số biện pháp chống dịch khuôn mẫu, cứng nhắc gây khó cho người dân và DN. 

Các Bộ, ngành cũng nên nghiên cứu, rà soát lại những quy định về thủ tục hành chính, những quy định pháp luật phi lý. Nhiều quy định, văn bản không chỉ không hỗ trợ nhiều mà còn gây phản ứng ngược cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

"Nhiều DN đã và đang than khó khi hàng hoá bị ùn ứ tại tỉnh khác, thậm chí không được vận chuyển qua địa bàn tỉnh đó, chưa kể chi phí và thời gian cho các lượt xét nghiệm, giấy đi đường... Nếu những biện pháp, thủ tục rào cản này được gỡ bỏ, đó sẽ là sự hỗ trợ rất lớn cho DN", ông Bình đúc kết.

Còn theo TS Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, thì cho rằng, trước mắt có lẽ phải tạm đặt mục tiêu tăng trưởng sang một bên để lo chặn đà suy giảm kinh tế trước.

Theo chuyên gia này, kế hoạch phục hồi cần xây dựng theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, theo mục tiêu là đến tháng 6/2022 cơ bản đạt miễn dịch cộng đồng thì cũng đồng thời phải đặt mục tiêu chặn đà suy giảm kinh tế từ nay đến tháng 6/2022. Chỉ sau khi đã đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng, cơ bản kiểm soát được dịch bệnh thì nền kinh tế mới đi lên được.

Giai đoạn 2, từ tháng 7/2022 sẽ triển khai các giải pháp đẩy nhanh phục hồi kinh tế, mà trọng tâm vẫn là đầu tư, gồm cả đầu tư công, đầu tư tư nhân và FDI. Trong đó, đầu tư công phải là vốn mồi, có những lĩnh vực đầu tư công phải tập trung làm trước, còn lại huy động các thành phần kinh tế khác tham gia…

"Muốn thực hiện được thì phải có kế hoạch ngay từ bây giờ để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội, muộn nhất tại Kỳ họp thứ 3 năm sau phải được duyệt phương án. Trong đó, phải có các chương trình, phương án cụ thể về đầu tư công, về bội chi ngân sách, nợ công, các giải pháp đột phá cho nền kinh tế ngoài những biện pháp mà Quốc hội và các nghị quyết của Đảng đã cho phép", ông Kiên đúc kết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem