Mỹ siết chặt cấm vận Huawei, dự án phủ sóng 5G của Trung Quốc "ngấm đòn"

19/08/2020 12:28 GMT+7
Tờ Nikkei Asian Review mới đây đưa tin quá trình lắp đặt trạm gốc 5G của Huawei và ZTE, hai nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc, đang chậm lại trong bối cảnh Washington tăng cường áp lực nhằm kiềm chế tham vọng thống trị công nghệ của Bắc Kinh.
Mỹ siết chặt cấm vận Huawei, dự án phủ sóng 5G của Trung Quốc "ngấm đòn" - Ảnh 1.

Huawei đóng vai trò quan trọng trong dự án phủ sóng 5G tại Trung Quốc

Nguồn tin của Nikkei Asian Review cho hay cả Huawei và ZTE đều đang chỉ đạo các nhà cung cấp đối tác hoãn lại một số lô hàng liên quan đến trạm gốc 5G kể từ tháng 6 để có thêm thời gian thiết kế lại sản phẩm, loại bỏ tối đa linh kiện và công nghệ Mỹ khỏi kết cấu trạm gốc. Động thái được đưa ra sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thắt chặt quy tắc kiểm soát xuất khẩu, gần như chặn đứng nguồn cung chip toàn cầu của Huawei.

CEO một nhà cung cấp đối tác của ZTE cho hay: “Chúng tôi đã nhận được yêu cầu giảm tốc độ giao hàng vào tháng 6. Các lô hàng gần như dừng hoàn toàn vào tháng 7. Chúng tôi phải trải qua khâu kiểm tra, xác minh sản phẩm một lần nữa vì khách hàng (ZTE) đã thay đổi rất nhiều trong thiết kế sản phẩm. Chúng tôi không biết chính xác khi nào họ sẽ cho phép các lô hàng tiếp tục vận chuyển bình thường”.

Một nguồn tin khác từ nhà cung cấp linh kiện cho Huawei thì tiết lộ gã khổng lồ viễn thông lớn nhất thế giới đã thay đổi một số thiết kế, thay thế một số linh kiện trong quá trình sản xuất. Điều này đã làm chậm lại quá trình lắp đặt trạm gốc 5G.

Động thái của Huawei và ZTE vô hình chung đi theo lập trường thận trọng của các nhà mạng Trung Quốc nói riêng và chính phủ Bắc Kinh nói chung. Chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình trong nhiều tháng qua được cho là đang nỗ lực thúc đẩy các ngành công nghiệp trong nước theo hướng tự lực tự cường, giảm bớt sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ.

Các nỗ lực “đàn áp” tiếp theo nhằm loại bỏ Huawei khỏi chuỗi cung ứng công nghệ Mỹ có thể sẽ làm chậm hơn nữa việc xây dựng cơ sở hạ tầng 5G của Trung Quốc. Hiện tại, Huawei rất khó truy cập vào chuỗi cung ứng chip và linh kiện từ các công ty Mỹ. Ngay cả với các công ty không phải của Mỹ, việc tiếp cận nguồn cung cũng trở nên ngày càng khó khăn.

Nhà cung cấp linh kiện viễn thông số 1 thế giới được cho là đã dự trữ các linh kiện quan trọng đủ dùng trong năm nay, đặc biệt là cho mảng kinh doanh thiết bị viễn thông. Nhưng một số nguồn tin chỉ ra rằng kho dự trữ linh kiện của Huawei có thể không mạnh như kỳ vọng, nhất là khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng siết chặt hơn lệnh cấm vận với tập đoàn này.

Thêm vào đó, hiện tượng mưa lớn và lũ lụt ở hàng chục tỉnh thành tại Trung Quốc trong suốt 2 tháng qua cũng góp phần làm chậm tiến độ lắp đặt trạm gốc 5G.

Mạng viễn thông 5G thế hệ mới đã trở thành chiến trường cho xung đột Mỹ - Trung từ năm ngoái, khi Huawei nổi lên như người tiên phong trong lĩnh vực công nghệ này. Việc phát triển mạng 5G được kỳ vọng sẽ là chìa khóa mở ra các công nghệ tương lai như ô tô tự hành, máy bay không người lái, tư vấn y tế từ xa… Bắc Kinh do đó đã đặt mục tiêu lắp đặt cơ sở hạ tầng mạng 5G lên thành một trong những ưu tiên hàng đầu của đất nước. Hai nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất đất nước là Huawei và ZTE gánh vác phần lớn trọng trách này khi đảm bảo nguồn cung hầu hết các đơn đặt hàng xây dựng trạm gốc 5G cho 3 nhà mạng lớn nhất Trung Quốc là China Mobile, China Unicom và China Telecom.

Chủ tịch China Mobile, ông Yang Jie từng nhận định: “Rắc rối của Huawei liên quan đến nguồn cung chip chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các dự án triển khai mạng 5G của công ty, bao gồm cả mảng smartphone”.

Chiu Shih-fang, nhà phân tích công nghệ kỳ cựu của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan thì nhấn mạnh việc Huawei và ZTE giảm sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang là động thái dễ hiểu. “Sự liên tục trong chuỗi cung ứng là vô cùng cần thiết, do đó các nhà cung cấp thiết bị viễn thông Trung Quốc phải thực hiện một số điều chỉnh để đối phó với sự gia tăng rủi ro địa chính trị. Tuy nhiên theo tôi, sự chậm lại trong tốc độ lắp đặt trạm gốc chỉ là tạm thời, vì cơ sở hạ tầng 5G đóng vai trò quan trọng trong tham vọng của Bắc Kinh. Nghĩa là các nhà mạng và nhà cung cấp thiết bị mạng sẽ phải cố gắng hết sức để đạt được mục tiêu đã đề ra”.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục