Có Trung Quốc "chống lưng", Mỹ khó làm suy yếu vị thế của Huawei ở châu Phi
Trong một sự kiện trực tuyến được tổ chức bởi Huawei hồi tháng 7, Bộ trưởng Công nghệ Kỹ thuật số và Truyền thông Nam Phi Stella Ndabeni-Abrahams đã nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của công nghệ, nhất là trong cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.
“Tất cả các doanh nghiệp lớn như Huawei và mọi doanh nghiệp liên quan đến ngành sản xuất thiết bị phải ngồi lại với nhau, đưa ra các biện pháp, giải pháp phần mềm để cung cấp cho người dân Nam Phi trong bối cảnh đại dịch Covid-19”.
Trong nhiều tháng qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thẳng tay “đàn áp” các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei. Trong động thái mới nhất hôm 14/8, Nhà Trắng đã cấm các doanh nghiệp sử dụng hàng hóa, dịch vụ từ 5 công ty Trung Quốc tham gia đấu thầu các hợp đồng liên bang, viện dẫn quan ngại an ninh quốc gia. Nhưng các biện pháp mạnh tay của chính phủ Mỹ dường như không tạo nhiều ảnh hưởng ở Châu Phi - một khu vực có rất ít công ty làm ăn với Washington.
Safaricom, nhà mạng không dây lớn nhất Kenya, là một trong những công ty đang xem xét sử dụng thiết bị Huawei trong cơ sở hạ tầng mạng 5G thế hệ mới. Hồi tháng 2, CEO Safaricom khi đó, ông Michael Joseph đã khẳng định với Reuters về việc sẽ sử dụng thiết bị Huawei trong mạng lưới 5G. “Chúng tôi sẽ làm gì sau những khuyến nghị của Mỹ về việc ngừng sử dụng thiết bị Huawei ư? Ở Châu Phi, chúng tôi sẽ không làm điều đó”.
Tháng 7 vừa qua, nhà mạng không dây Rain tại Nam Phi đã tuyên bố ra mắt mạng 5G đầu tiên của Châu Phi với sự tham gia Huawei như nhà cung cấp thiết bị viễn thông.
Theo Arthur Goldstuck, người đứng đầu công ty nghiên cứu World Wide Worx có trụ sở tại Nam Phi, khoảng 70% trạm gốc 4G ở châu Phi là do Huawei sản xuất. Do đó, việc ngừng sử dụng thiết bị Huawei khi chuyển đổi sang mạng 5G là một khuyến nghị không thực tế. Các nước Châu Âu có nhiều lựa chọn hơn trong việc chuyển đổi sang sử dụng thiết bị viễn thông của các nhà cung cấp trong khu vực như Nokia và Ericsson, nhưng điều này đồng nghĩa với chấp nhận chi phí cao hơn sử dụng thiết bị Huawei. Còn với các quốc gia nghèo Châu Phi, việc chấp nhận chi phí cao như vậy gần như là không thể.
Các công ty Trung Quốc khác vốn đang chịu áp lực từ Mỹ cũng đang xúc tiến xâm nhập thị trường Châu Phi. ZTE, nhà sản xuất thiết bị viễn thông đối thủ của Huawei tại Trung Quốc đã hợp tác với nhà mạng MTN của Uganda để ra mắt dịch vụ mạng 5G. Camera giám sát của thương hiệu Trung Quốc Hikvision hiện đang được sử dụng rộng rãi ở các quốc gia Châu Phi như Nam Phi, Senegal và Kenya.
Các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào Châu Phi đã thúc đẩy việc sử dụng sản phẩm Trung Quốc trong khu vực. Ví dụ, một trung tâm dữ liệu của chính phủ Cameroon hoàn thành hồi tháng 7 được tài trợ bởi Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và sử dụng hoàn toàn trang bị thiết bị Huawei.
Theo dữ liệu từ Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI của Trung Quốc vào Châu Phi đã tăng mạnh lên 46 tỷ USD vào năm 2018. Trong đó, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều quốc gia Châu Phi, trong đó có Nam Phi. Trung Quốc cũng đồng thời là nhà cung cấp chủ lực cho các dự án cơ sở hạ tầng địa phương, qua đó nâng tầm ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh trong khu vực.