Năm 2023 tăng lương cơ sở, phụ cấp thâm niên nhà giáo có bị bãi bỏ không?

A.T Thứ bảy, ngày 24/12/2022 19:38 PM (GMT+7)
Trong công thức tính mức phụ cấp ưu đãi được hưởng, ngoài % phụ cấp ưu đãi, giáo viên còn được cộng thêm cả phụ cấp thâm niên, vậy phụ cấp thâm niên nhà giáo có bị bãi bỏ năm 2023 khi lương cơ sở tăng?
Bình luận 0

Phụ cấp thâm niên nhà giáo là gì, đối tượng nào được hưởng?

Phụ cấp thâm niên nhà giáo là một trong những chế độ phụ cấp để tính hưởng quyền lợi của giáo viên giúp giáo viên thêm gắn bó với nghề.

Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Năm 2023 tăng lương cơ sở, vậy phụ cấp thâm niên nhà giáo có bị bãi bỏ không? - Ảnh 1.

Học sinh ngoại thành Hà Nội đi học ngày 10/2/2022. Ảnh: Tào Nga

Công thức tính tiền phụ cấp thâm niên được tính theo công thức sau:

Tiền phụ cấp thâm niên = Hệ số lương theo chức danh nghề nghiệp viên chức + hệ số phụ cấp chức danh lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) đang hưởng X Mức lương cơ sở X Mức (%) phụ cấp thâm niên được hưởng.

Đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo

Theo Nghị định 77/2021/NĐ-CP, đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo là:

Nhà giáo gồm viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (mang mã số có các ký tự đầu là V.07) và viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp (mang mã số có các ký tự đầu là V.09) thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật).

Nhà giáo thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thí nghiệm tại các tàu huấn luyện, xưởng trường, trạm, trại, trung tâm thực hành, phòng thí nghiệm, phòng bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập.

Các đối tượng không thuộc quy định trên mà giữ mã số có các ký tự đầu là V.07 và V.09 không thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo

Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên được xác định bằng tổng các thời gian sau:

Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập.

Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập mà trước đây đã giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập).

Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong quân đội, công an, cơ yếu và một số ngành, nghề khác (nếu có).

Thời gian đi nghĩa vụ quân sự mà trước khi đi nghĩa vụ quân sự đang được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề.

Các trường hợp không tính thời gian hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo

Những thời gian dưới đây sẽ không được tính hưởng phụ cấp thâm niên. Cụ thể gồm:

Thời gian tập sự.

Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên.

Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Thời gian đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước và ở nước ngoài vượt quá thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Thời gian không làm việc khác.

Nhà giáo tham gia giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 5 năm (60 tháng) được tính hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Từ năm thứ 6 trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.

Năm 2023 tăng lương cơ sở, vậy phụ cấp thâm niên nhà giáo có bị bãi bỏ không?

Theo 77/2021/NĐ-CP, chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo quy định tại Nghị định này được áp dụng từ ngày 1/7/2020 cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới theo quy định của Chính phủ.

Theo tinh thần của Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị, khi thực hiện cải cách tiền lương thì sẽ bỏ phụ cấp thâm niên của nhà giáo.

Trong văn bản trả lời chất vấn đại biểu quốc hội mới đây về nội dung thực hiện lộ trình cải cách tiền lương mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư (Quốc hội khóa XV) việc điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công; đồng thời, chỉ đạo các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các nội dung cụ thể của chính sách tiền lương mới, bảo đảm phù hợp với quan điểm, mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cải cách chính sách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định vào thời điểm phù hợp.

Như vậy, dù lương cơ sở được tăng lên 1.800.000 đồng từ 1/7/2023 thì phụ cấp thâm niên nhà giáo không bị cắt, mà vẫn tiếp tục được áp dụng đến khi có chính sách tiền lương mới.

Bộ trưởng Bộ GDĐT- Tăng lương, tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên là việc cấp bách. Clip: TH Quốc Hội

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem