Nam sinh chắc suất vào Bách khoa bất ngờ rẽ hướng du học, trúng tuyển trường hàng đầu

Chủ nhật, ngày 08/05/2022 06:59 AM (GMT+7)
Tháng 11/2021, Hoàng Nam, cựu học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, gửi hồ sơ dù không có điểm SAT.
Bình luận 0


Tháng 11/2021, Hoàng Nam, cựu học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, gửi hồ sơ dù không có điểm SAT.

Chia sẻ với Zing, Nguyễn Hoàng Nam cho hay lúc đó, cậu hoàn toàn không nghĩ mình có cơ hội trúng tuyển vào trường danh giá như ĐH Duke (Mỹ). Thậm chí, kể cả khi nhận thư động viên từ người trực tiếp phỏng vấn, Nam vẫn chỉ dám hy vọng trường sẽ không loại mà đẩy hồ sơ sang vòng sau, cho cậu thời gian để bổ sung thêm điểm SAT.

“Ngày có tin trúng tuyển, thư đến lúc 7h nhưng em chưa dậy. Tỉnh giấc, vào mail, thấy dòng chữ ‘chúc mừng’, em hét ầm lên vì vui sướng. Lúc ấy, gia đình mới biết hôm đó, trường báo kết quả”, nam sinh nhớ lại.

Nam sinh chắc suất vào Bách khoa bất ngờ rẽ hướng du học, trúng tuyển trường hàng đầu - Ảnh 1.

Nguyễn Hoàng Nam từng đoạt huy chương đồng Vật lý châu Á - Thái Bình Dương 2021, huy chương vàng môn Vật lý tại kỳ thi Olympic giữa các thành phố lớn IOM 2020, huy chương đồng Olympic Vật lý châu Á 2021.

Cú liều của nam sinh đã chắc suất vào Bách khoa

Trong 3 năm học THPT, cậu chưa từng có ý định du học Mỹ do tài chính gia đình không mấy dư dả. Đến tháng 5/2021, cậu mới quyết định và chỉ có 5-6 tháng làm hồ sơ.

Nam sinh sở hữu bảng thành tích ấn tượng, gồm huy chương đồng Vật lý châu Á - Thái Bình Dương 2021, huy chương vàng môn Vật lý tại kỳ thi Olympic giữa các thành phố lớn IOM 2020, huy chương đồng Olympic Vật lý châu Á 2021.

Với thành tích đó, Nam được đặc cách tốt nghiệp THPT và trúng tuyển thẳng vào khoa Khoa học máy tính - khoa có điểm chuẩn cao nhất của ĐH Bách khoa Hà Nội.

Tuy nhiên, đến tháng 5/2021, nam sinh quyết định rẽ hướng. Bạn bè, anh chị đi trước động viên, Hoàng Nam bắt đầu làm hồ sơ du học, nhắm tới trường duy nhất - ĐH Duke (đứng thứ 23 toàn thế giới theo xếp hạng của Times Higher Education).

“Lúc ấy, quyết định của em tương đối mạo hiểm. Nếu không trúng tuyển, muốn học đại học trong nước, em sẽ phải thi lại kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bố mẹ cũng nói chuyện với em vì thời gian quá gấp gáp, gia đình lại không dư dả. Dù vậy, em vẫn muốn thử sức, không được, em tính tiếp”, cựu học sinh trường Ams chia sẻ.

Ở phần bài luận về trường, Nam tự tin vì tìm hiểu rất kỹ. Nhưng với bài luận cá nhân, cậu loay hoay trong việc làm thế nào để tổng hòa những đam mê nhỏ lẻ, giải thích việc một cậu học trò đam mê Vật lý lại muốn theo đuổi lĩnh vực giáo dục. Cậu viết đi viết lại nhưng đến tận khi nộp hồ sơ, Nam vẫn không hài lòng với bài luận.

Khó khăn còn lớn hơn khi nam sinh lại làm hồ sơ vào đúng đợt dịch Covid-19 bùng phát, thành phố thực hiện giãn cách. Hoàng Nam thừa nhận 2 tuần trước ngày hết hạn, cậu tuyệt vọng vì mọi thứ gần như sụp đổ.

Từ tháng năm đến tháng tám năm ngoái, cậu bỏ lỡ 2 lần thi SAT vì dịch. Đến khi có thể đăng ký, để chắc chắn, Nam chọn thi tại Hải Phòng, xin đủ giấy tờ cần thiết cho việc di chuyển từ Hà Nội đến điểm thi.

“Hôm thi, em đã đứng trước cổng trường nhưng không được vào vì đến từ Hà Nội. Em gần như tuyệt vọng, suýt dừng việc nộp hồ sơ ở vòng tuyển sinh sớm”, Hoàng Nam nhớ lại.

Trở về nhà, cậu sốt xuất huyết một tuần. Bạn bè, anh chị đi trước vẫn không ngừng động viên. Vì vậy, giữa cơn sốt 40 độ, Nam ấn nút gửi dù hồ sơ thiếu điểm SAT. Cậu chỉ mong trường sẽ thông cảm cho thí sinh chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Nam sinh chắc suất vào Bách khoa bất ngờ rẽ hướng du học, trúng tuyển trường hàng đầu - Ảnh 2.

Hồ sơ không có điểm SAT, Hoàng Nam vẫn trúng tuyển đại học hàng đầu thế giới.

Thành công thuyết phục ban tuyển sinh

Dù thiếu chứng chỉ quan trọng, hồ sơ của Nguyễn Hoàng Nam vượt qua vòng loại. Nam cho rằng có thể vì trường nhận thấy tiềm năng thông qua kết quả học tập cậu đạt được. Cậu cũng tin sự hiểu biết về ĐH Duke đã giúp mình ghi điểm với ban tuyển sinh.

Ở bài luận, Hoàng Nam giải thích cặn kẽ lý do chọn theo học lĩnh vực giáo dục, kỹ thuật - thế mạnh của Duke, cũng như tại sao cậu cho rằng trường sẽ giúp mình đạt mục tiêu đang theo đuổi.

Thích trường từ lâu, Nam tìm hiểu rất chi tiết và biết đến một nhóm kín ở Duke với lịch sử hơn 100 năm. Trong buổi phỏng vấn, cậu khiến cán bộ tuyển sinh bất ngờ khi hỏi về câu lạc bộ đó. Họ không ngờ một học sinh chưa từng đặt chân đến trường lại tìm hiểu sâu như vậy.

Buổi trò chuyện kéo dài hơn một tiếng, chủ yếu xoay quanh sở thích, đam mê của Nam và cùng nhau xem các video cậu làm. Sau hôm đó, thầy giáo trực tiếp phỏng vấn đã gửi mail, đánh giá nam sinh có tiềm năng, tin tưởng cậu sẽ tiến xa.

“Em rất vui khi được nhận xét như vậy nhưng vẫn không nghĩ mình sẽ đỗ vì trước đó, hầu như không ai trúng tuyển vào trường hàng đầu mà không có điểm SAT”, Nguyễn Hoàng Nam chia sẻ.

Thế nhưng, kết quả ngoài mong đợi. Không chỉ trúng tuyển từ vòng tuyển sinh sớm, Hoàng Nam còn lọt vào nhóm 30 thí sinh xuất sắc để cạnh tranh cho 8 suất học bổng toàn phần. Cuối cùng, dù không thể giành học bổng 100%, nam sinh được nâng mức hỗ trợ tài chính từ 260.000 USD lên 335.000 USD, tức gần 7,7 tỷ đồng, cho 4 năm học tại ĐH Duke.

Nam sinh chắc suất vào Bách khoa bất ngờ rẽ hướng du học, trúng tuyển trường hàng đầu - Ảnh 3.

Cựu học sinh trường Ams quyết định theo đuổi lĩnh vực giáo dục.

Sẽ trở lại Đông Nam Á làm giáo dục

Tháng tám, Nguyễn Hoàng Nam sang Mỹ để theo học 2 ngành Giáo dục và Kỹ thuật tại ngôi trường hàng đầu thế giới. Lựa chọn này xuất phát từ chính điều đã thôi thúc Nam quyết định du học Mỹ.

“Trong quá trình học phổ thông, em nhận thấy một số vấn đề trong giáo dục nước ta cần cải thiện. Để góp phần thay đổi điều đó, em muốn theo học ở nước có nền giáo dục khai phóng, đề cao nhiều phẩm chất của người học hơn là chỉ dạy lý thuyết”, Hoàng Nam giải thích.

Với con đường này, Nam còn chịu ảnh hưởng từ mẹ - một giáo viên tâm huyết, có gần 20 năm giảng dạy nhưng mức lương gần như chưa đủ để trang trải chi phí sinh hoạt.

Vì thế, cựu học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam dự định trở lại Đông Nam Á, công tác trong lĩnh vực giáo dục, góp sức để mang lại môi trường cho học sinh trải nghiệm tốt hơn, giáo viên nhận đãi ngộ cao hơn.

Trải qua quá trình nộp hồ sơ, Hoàng Nam càng thêm tin tưởng mình đã lựa chọn đúng điểm đến cho hành trình kế tiếp, nơi trường lựa chọn sinh viên không chỉ qua điểm số mà xem xét cả quá trình, sẵn sàng chia sẻ với khó khăn thí sinh gặp phải do dịch bệnh.

Trong thời gian chờ sang Mỹ học, Nguyễn Hoàng Nam tiếp tục với công việc còn dang dở. Cậu phát triển fanpage, đăng video lên nền tảng mạng xã hội, tổ chức talkshow về các kỳ thi, nghiên cứu khoa học nhằm hỗ trợ học sinh.

Thông qua nhóm “Nuôi dưỡng nhân tài”, Hoàng Nam hướng dẫn học sinh lớp 9 ở Hà Nội cùng đội tuyển thi học sinh giỏi của các tỉnh, thành khác. Một ngày của nam sinh vẫn bận rộn với việc dạy học, đọc sách để tăng vốn từ vựng, viết nội dung cho fanpage, làm video.

“Em làm những việc này từ năm lớp 9 vì đam mê. Việc tiếp xúc, nói chuyện với học sinh giỏi, tài năng, có khát vọng cũng là trải nghiệm tốt, đặc biệt khi em muốn theo đuổi lĩnh vực giáo dục”, nam sinh 19 tuổi tâm sự.

*Tiêu đề do Dân Việt đặt lại
Nguyễn Sương (zingnews.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem