Con tôm, con cua lăn ra chết hàng loạt do hạn mặn, nông dân Kiên Giang rơi mất tiền tỷ

Huỳnh Xây Thứ bảy, ngày 06/04/2024 12:30 PM (GMT+7)
Nắng nóng kéo dài cùng với độ mặn trong nước tăng cao đã khiến nhiều diện tích nuôi tôm, cua của nông dân Kiên Giang xuất hiện tình trạng tôm, cua chết hàng loạt. Thống kê của Sở NNPTNT Kiên Giang cho thấy, đã có hơn 642ha nuôi tôm, cua của bà con bị thiệt hại.
Bình luận 0

Việc nhiều diện tích tôm, cua chết hàng loạt đã và đang gây nhiều thiệt hại cho người dân huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Theo người dân, nguyên nhân tôm, cua chết hàng loạt là do nắng nóng kéo dài, làm cho nhiệt độ và độ mặn trong nước tăng cao, vượt mức bình thường.

Con tôm, con cua lăn ra chết hàng loạt do hạn mặn, nông dân Kiên Giang rơi mất tiền tỷ- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Hồ ở ấp Thái Hòa, xã Nam Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang đo độ mặn phục vụ nuôi tôm, cua. Ảnh: K.G

Cụ thể, độ mặn thích hợp cho nuôi tôm, cua dao động từ 10 - 20‰. Tuy nhiên, có thời điểm, ở các xã ven biển ở huyện An Biên, độ mặn trong ao nuôi lên đến 25‰, thậm chí là cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Hồ ở ấp Thái Hòa, xã Nam Thái, huyện An Biên cho biết, độ mặn trong vuông tôm của gia đình có lúc lên đến 26‰, còn ở ngoài kênh có thời điểm hơn 30‰.

Theo ông Hồ, đây là độ mặn vượt ngưỡng mà con tôm, cua có thể sinh sống và phát triển. Về nguyên nhân độ mặn của nước tăng cao, ông Hồ cho hay, một phần là do nắng nóng kéo dài. Chưa dừng lại ở đó, việc nắng nóng kéo dài vào ban ngày còn làm cho con tôm bị sốc nhiệt.

Do số lượng tôm, cua chết rất nhiều nên đến thời điểm này, ông Hồ chỉ bán được khoảng 7 triệu đồng với 1,5ha (nuôi kết hợp tôm và cua). Trong khi thời điểm này năm trước, ông bán được hơn 30 triệu đồng.

Con tôm, con cua lăn ra chết hàng loạt do hạn mặn, nông dân Kiên Giang rơi mất tiền tỷ- Ảnh 2.

Nắng nóng kéo dài làm con tôm, con cua chết hàng loạt ở xã Nam Thái A, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: K.G

Cũng như ông Hồ, gia đình ông Mặc Hoàng Đâu ở ấp Thái Hòa, xã Nam Thái A, huyện An Biên cũng gặp tình trạng tương tự.

Vụ tôm, cua đầu năm 2004, gia đình ông thả nuôi trên tổng diện tích 2 ha, chỉ thu hoạch và bán được khoảng 5 triệu đồng. Nếu như những năm trước, vụ tôm đầu năm đến thời điểm này, gia đình đã thu về từ 25-30 triệu đồng.

Ông Đâu chia sẻ, vụ tôm, cua này, tôi nuôi được khoảng 1 tháng rưỡi thì bắt đầu xuất hiện tình trạng tô, cua chết, thời điểm chết nhiều nhất là trong những ngày giữa tháng 3 vừa qua.

Ông Đâu nhận định: "Con tôm, cua chết hàng loạt là do nắng nóng kéo dài, cùng với đó là độ mặn dưới kênh, sông tăng cao. 2 nguyên nhân này còn là tác nhân làm cho bệnh trên con tôm, cua tăng lên".

Hiện nay, gia đình ông Đâu đang cải tạo lại vuông tôm, đợi có mưa xuống giúp giảm độ mặn trong nước. Lúc đó, mới thả lại vụ nuôi mới.

Con tôm, con cua lăn ra chết hàng loạt do hạn mặn, nông dân Kiên Giang rơi mất tiền tỷ- Ảnh 3.

Thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang cho thấy, đã có hơn 642 ha nuôi tôm, cua của nông dân bị thiệt hại. Ảnh: K.G

Theo Phòng NNPTNT huyện An Biên, tính đến cuối tháng 3/2024, người dân toàn huyện thả nuôi gần 26.000 ha tôm, tập trung nhiều ở các xã Nam Yên, Nam Thái, Nam Thái A. Tính đến ngày 2/4, có khoảng 500 ha nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại.

Việc tôm, cua chết hàng loạt không chỉ diễn ra ở huyện An Biên, mà còn xuất hiện ở An Minh, Vĩnh Thuận thuộc tỉnh Kiên Giang.

Thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang cho thấy, đã có hơn 642 ha nuôi tôm, cua của nông dân bị thiệt hại do thời tiết diễn biến phức tạp, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao, cùng với nước mặn xâm nhập vào kênh mương ở một số khu vực.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem