Nâng tầm gạo Việt xứng danh “hạt vàng” (bài 2): Lúa thơm, lúa chất lượng cao lên ngôi

Huỳnh Xây Thứ tư, ngày 16/09/2020 18:39 PM (GMT+7)
Sự vận động của ngành lúa gạo thời gian qua cho thấy, các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước ngày càng tăng. Lần đầu tiên, gạo Việt có một sản phẩm được công nhận là loại gạo ngon nhất thế giới tại một cuộc thi vô cùng uy tín.
Bình luận 0

Chuyển sang trồng lúa thơm, chất lượng cao

Tại TP.Cần Thơ, bên cạnh các giống lúa thơm Jasmine 85, Đài Thơm 8, VD 20, những năm gần đây, người dân còn sản xuất các giống thơm khác như: KDM, lúa Nhật, Hương Châu 6, Nàng Hoa 9…

 Ông Nguyễn Văn Để - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thanh Phong (thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ) cho biết, nông dân trong HTX luôn trồng lúa thơm theo hướng an toàn để bán cho doanh nghiệp với giá bán cao. Như lúa KDM, HTX đã bán được với giá 10.000 đồng/kg.

Nâng tầm gạo Việt xứng danh “hạt vàng” (bài 2): Lúa thơm, lúa chất lượng cao lên ngôi - Ảnh 1.

Người dân thu hoạch lúa thơm ĐBSCL. Ảnh: P.V

Hiện nay, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã hình thành và đang mở rộng các vùng sản xuất gạo thơm, đặc sản, chất lượng cao. Cụ thể như vùng sản xuất lúa thơm Chợ Đào ở tỉnh Long An, các vùng sản xuất lúa thơm thuộc nhóm ST ở tỉnh Sóc Trăng, các vùng sản xuất lúa thơm Jasmine 85 ở TP.Cần Thơ, vùng sản xuất lúa Jasmine 85 và lúa Nhật ở An Giang…

Theo thống kê của ngành nông nghiệp TP.Cần Thơ, vụ lúa đông xuân 2019-2020, nông dân địa phương này xuống giống 79.244ha lúa, trong đó các loại lúa thơm gồm Jasmine 85, Đài Thơm 8 và RVT chiếm tỷ lệ khoảng 75% diện tích xuống giống, lúa chất lượng cao OM 5451 chiếm 8%. Nhóm giống lúa có chất lượng gạo trung bình, phẩm cấp thấp (IR50404) chỉ chiếm 10%.

Mặc dù vụ hè thu có thời tiết bất lợi nhưng người dân TP.Cần Thơ vẫn xuống giống được 75.015ha lúa, trong đó các giống lúa chất lượng cao và lúa thơm như OM 5451, OM 4218, OM 380 và Đài Thơm 8 chiếm 74% diện tích.

Bà Nguyễn Thị Minh Hiếu - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NNPTNT TP.Cần Thơ) cho biết, nhiều năm qua, phía Chi cục đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn, mô hình trình diễn, hội thảo đầu bờ vận động nông dân trồng lúa thơm, lúa chất lượng cao, đồng thời dần xây dựng vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng ổn định để đáp ứng yêu cầu thị trường. Từ mô hình cánh đồng mẫu lớn ban đầu quy mô 400ha với 208 hộ nông dân, đến nay đã lan tỏa và được nông dân duy trì trên 30.000ha với 26.000 nông dân tham gia.

"Cánh đồng lớn đã hình thành chuỗi giá trị sản xuất khép kín với sự liên kết của "4 nhà", giúp nông dân ứng dụng tốt và đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, tạo được sản phẩm chất lượng và an toàn thực phẩm với chi phí sản xuất thấp. Doanh nghiệp liên kết thu mua tự tin chào hàng xuất khẩu các thị trường khó tính với giá trị cao nên giá thu mua đối với các vùng sản xuất theo cánh đồng lớn được thương lượng cao hơn từ 150 - 200 đồng/kg lúa. Lợi nhuận mang lại từ mô hình cánh đồng lớn cao hơn so với trước đây từ 12 - 18%, đảm bảo lợi nhuận thu được hàng vụ của nông dân trên 40% chi phí sản xuất" - bà Hiếu nói.

Sở NNPTNT tỉnh An Giang cho hay, cũng như các địa phương khác ở ĐBSCL, tỉnh này luôn đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo. Bên cạnh sử dụng các giống lúa chất lượng cao như Jasmine 85, các loại lúa thơm OM, Đài Thơm 8... tỉnh An Giang còn áp dụng các kỹ thuật cao trong sản xuất như: trang phẳng mặt ruộng bằng tia laser, máy phun hạ giống, máy cấy… giúp giảm giá thành sản xuất 16 - 20% và tăng năng suất lúa 0,2 - 0,3 tấn/ha.

Diện tích áp dụng công nghệ các kỹ thuật cao trong sản xuất ở An Giang đạt gần 70.000ha, tập trung ở huyện Châu Phú, huyện Châu Thành, huyện An Phú. Qua đó, thu nhập của người trồng lúa tăng bình quân 20 - 25% so với biện pháp canh tác truyền thống.

Để có lợi nhuận cao cho người dân trồng lúa, ngành chức năng tỉnh An Giang còn mời gọi hàng chục doanh nghiệp tham gia liên kết cung cấp đầu vào và bao tiêu lúa trên cánh đồng lớn thông qua các HTX.

Nâng tầm gạo Việt xứng danh “hạt vàng” (bài 2): Lúa thơm, lúa chất lượng cao lên ngôi - Ảnh 3.

Diện tích lúa thơm ngày càng tăng ở ĐBSCL.

Mở rộng diện tích lúa ST24 và ST25

Theo Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu, thời gian qua, tỉnh này đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành lúa gạo, trong đó có việc hình thành nhiều cánh đồng lớn. Năm 2019, toàn tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng được 28 cánh đồng lớn, với diện tích gieo trồng 51.800ha. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, xây dựng mới 3 cánh đồng lớn, nâng tổng số cánh đồng lớn lên 31 với diện tích canh tác hơn 18.600ha.

Ông Phạm Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu cho hay: "Các mô hình trên đều có sự liên kết trong tiêu thụ. Cụ thể, tỉnh có trên 30 cá nhân, HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp tham gia thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu lúa gạo cho nông dân".

Cũng theo ông Hải, để người dân có lợi nhuận cao trong sản xuất, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo người dân gieo sạ lúa thơm, lúa chất lượng cao thay vì lúa có phẩm cấp thấp như trước đây. 

Đặc biệt, tỉnh này đã có 3.600ha đang sản lúa thơm ST24 và ST25 tại huyện Phước Long, Hồng Dân và thị xã Giá Rai. Số lượng lúa này đều được chào mua với trên 7.500 đồng/kg.

Liên quan đến vấn đề sản xuất lúa, mới đây, ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã yêu cầu ngành nông nghiệp chủ động phối hợp các đơn vị liên quan cùng kỹ sư Hồ Quang Cua - tác giả của 2 giống lúa thơm nổi tiếng ST24 và ST25 triển khai sản xuất và xây dựng chỉ dẫn địa lý cho vùng lúa ST24 và ST25 trên địa bàn tỉnh. 

Bởi Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu cho rằng, 2 giống lúa này vừa có năng suất, vừa chất lượng, thương hiệu sẽ giúp cho người dân khá lên thật sự từ trồng lúa.

Ông Cua cho biết, giống lúa ST24 và ST25 cũng là các giống lúa đầu tàu về chịu mặn nên thích hợp sản xuất tại vùng đất tỉnh Bạc liêu, nhất là vùng đất trồng lúa - tôm của tỉnh này. Do đó, trong thời gian tới, ông sẽ hợp tác, cung cấp giống lúa chất lượng cho địa phương này, đồng thời tìm các đối tác để tiêu thụ sản phẩm.

 "Hiện nhu cầu tiêu thụ lúa thơm rất cao nên lúa ST24, ST25 tiêu thụ dễ dàng, tạo động lực cho các doanh nghiệp nỗ lực tham gia đầu tư liên kết với người sản xuất" - ông Cua nói.

Cũng như tỉnh Bạc Liêu, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng luôn chú trọng phát triển lúa thơm ST (hiện Sóc Trăng có khoảng 13.000ha diện tích sản xuất lúa thơm ST). Theo đó, đặc biệt ưu tiên sả xuất trên mô hình tôm - lúa (sau khi thu hoạch tôm, người dân sẽ gieo sạ lúa trên phần đất đã nuôi tôm).

Hiện ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đang bước đầu triển khai thực hiện đề án "lúa thơm - tôm sạch" gắn với lúa ST. Đề án sẽ được thực hiện trên diện tích 17.000ha, thời gian thực hiện từ năm 2020 đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. 

img

Nâng giá trị hạt gạo

"HTX đang có 100ha diện tích chuyên trồng lúa thơm theo hướng hữu cơ. Các giống lúa thơm được HTX sản xuất là ST24, Đài Thơm 8, RVT, OM4900 và Thảo dược Tấn Đạt. Các loại lúa này sau khi thu hoạch, được HTX chế biến ra gạo, đóng gói bán được với giá khá cao, cụ thể là từ 30.000 - 34.000 đồng/kg, riêng Gạo tím Thảo dược Tấn Đạt có mức giá cao nhất là 60.000 đồng/kg".

Ông Đoàn Văn Tài - Giám đốc HTX Sản xuất và

Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem