"Nên công khai những người dự kiến đưa vào T.Ư để dân biết và giám sát"

Thành An (thực hiện) Thứ ba, ngày 12/05/2020 15:27 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Ðoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận tổ quốc Việt Nam, để chọn cho được đội ngũ cán bộ cấp cao, nhất là đội ngũ cấp chiến lược thực sự xứng đáng, đủ đức, đủ tài thì cần thiết công khai danh sách những người dự kiến đưa vào T.Ư để dân biết và giám sát.
Bình luận 0
"Nên công khai những người dự kiến đưa vào T.Ư để dân biết và giám sát" - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên khai mạc Hội nghị T.Ư 12. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Hội nghị Trung ương 12 khai mạc hôm qua (11/5) với nhiều nội dung đáng chú ý. Tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành T.Ư sẽ bàn và quyết định các vấn đề: phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026; Tiêu chuẩn, tiêu chí, số lượng và việc phân bổ đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng.

Đáng chú ý, trong lời phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lại có những gợi mở liên quan đến việc lựa chọn nhân sự vào Ban chấp hành Trung ương, trong đó có những tiêu chí cần được thảo luận kỹ.

Trước đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã có bài viết "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng", trong đó vấn đề về chất lượng cán bộ và kiểm soát tài sản cán bộ được nhấn mạnh trong bài viết. 

Trao đổi với PV Dân Việt xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Ðoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã có những nhìn nhận, đánh giá và đề xuất đáng chú ý.

Ông Nguyễn Túc: Quan chức bị xử lý chủ yếu vì "tiền và tình" - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam. (ảnh: Thành An)

Theo ông Nguyễn Túc, để xây dựng được đội ngũ cán bộ vững vàng, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ, công tác lựa chọn nhân sự trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp phải thực hiện liên tục, xuyên suốt, có khảo sát thực tế và lắng nghe nhiều chiều. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò của nhân dân.

Thẩm tra kỹ những cán bộ giàu bất thường

Thưa ông, trước thềm Đại hội Đảng XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng", trong đó nhấn mạnh đến công tác xây dựng Đảng từ thời kỳ đổi mới đến nay. Ông có bình luận gì về vấn đề này?

- Về công tác xây dựng Đảng từ suốt quá trình từ thời kỳ đổi mới đến nay cái được cũng nhiều, cái chưa được cũng không phải hiếm. Tôi chú ý đến cái chưa được.

Cái chưa được do cơ chế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa (XHCN) của chúng ta trong thời gian qua dẫn đến. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dùng những câu "đừng thấy đỏ tưởng là chín", "đừng nhìn gà hóa cuốc", đừng chỉ thấy "cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong"….

Có thể nói rằng, từ sau đổi mới đến nay Đảng đã 5 lần chỉnh đốn. Đặc biệt, kể từ sau Đại hội XII và Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Đảng tiếp tục rà soát và chỉnh đốn một cách căn cơ hơn, với mong muốn làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh. Kết quả thời gian qua cho thấy, tình trạng suy thoái về phẩm chất, đạo đức trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã bước đầu được đẩy lùi.

Ông Nguyễn Túc: Quan chức bị xử lý chủ yếu vì "tiền và tình" - Ảnh 2.

2 cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và 12 bị cáo trong thương vụ Mobifone mua cổ phần của AVG trái pháp luật bị xét xử sơ thẩm từ ngày 16/12/2019. (đồ họa: Việt Anh)

Tôi may mắn được phục vụ từ Đại hội Đảng III năm 1960 đến nay và thấy rằng: Chưa có thời kỳ nào mà đội ngũ cán bộ của chúng ta bị xử lý kỷ luật nhiều như bây giờ. Kết quả này không chỉ riêng của nhiệm kỳ XII mà ở các nhiệm kỳ X, XI…

Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, đã có gần 100 cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị xử lý kỷ luật, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị và nhiều Ủy viên T.Ư đương chức. Điều này cũng cho thấy, phát triển kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường định hướng XHCN là một vấn đề không đơn giản chút nào.

Theo tôi, việc phát triển kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường đòi hỏi phải giải quyết hài hòa lợi ích giữa cái "tôi" và cái "ta", giữa cá nhân và tập thể. Tuy nhiên, một số cán bộ, lãnh đạo đã không giải quyết tốt mối quan hệ này. Nhiều người sau khi được bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo, có quyền lực, thay vì phục vụ nhân dân, đất nước, bắt đầu vun vén cho bản thân, gia đình; dẫn tới hành vi tham nhũng, chạy chức chạy quyền, mua quan bán chức... buộc Đảng, Nhà nước phải xử lý kỷ luật.

Trong nhiều bài phát biểu, bài viết, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặc biệt lưu ý việc lựa chọn cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao phải đủ đức, đủ tài, không có biểu hiện tham nhũng, "sâu sau, sân trước"... Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

- Trong bài viết mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có nhấn mạnh "kiên quyết không để lọt vào T.Ư những cán bộ có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính". Tôi rất tâm đắc với lưu ý này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Thực tế, nếu anh làm cán bộ mà lại giàu lên nhanh chóng, nhiều nhà, nhiều đất mà không có lý do chính đáng thì chắc chắn là phải đặt câu hỏi. Như những Bộ trưởng mà ăn hối lộ tới 70 tỷ đồng thì thật không thể tưởng tượng nổi.

Đây là một biểu hiện rõ nhất về mặt thoái hóa phẩm chất con người. Vì vậy, với những cán bộ giàu nhanh, giàu bất thường phải thẩm tra thật kỹ, không để lọt vào T.Ư để họ hại nước, hại dân.

Chọn cán bộ phải biết dựa vào dân, lấy ý kiến nhân dân

Thưa ông, nhưng không phải quan chức nào giàu có do tham nhũng, tiêu cực cũng có biểu hiện "giàu bất thường", họ không "phô" ra bên ngoài mà giấu giếm rất kỹ, rất khó phát biện ra?

- Đúng vậy! Việc giám sát tài sản của cán bộ quan chức không phải đơn giản. Tôi theo dõi và nhận thấy phổ biến tình trạng cán bộ bị xử lý hiện nay là liên quan đến tiền và tình.

Do đó, để phát hiện những người giàu nhanh, bất thường, nhiều nhà, nhiều đất không thể chỉ dựa vào bộ máy Đảng, Nhà nước mà quan trọng nhất là phải dựa vào dân.

Bác Hồ đã từng nói: "Có khó khăn gì, cứ về hỏi dân". Mới đây, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định: "Dân biết cả đấy". Cho nên, để thẩm tra phẩm chất đạo đức của cán bộ đặc biệt là muốn biết quan chức có bao nhiêu nhà, đất, có giàu nhanh hay không, chỉ cần hỏi dân là biết.

Chúng ta thường có câu "quan thì tham dân thì gian". Điều này có ảnh hưởng gì đến việc lấy ý kiến của người dân?

- Chúng ta phải thừa nhận "có quan tham thì có dân gian" nhưng chúng ta sợ gì dân gian – họ chỉ là một "nhúm" thiểu số.

Đặc biệt, song song với việc người dân có ý kiến, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội như các Hội: Nông dân, Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh… sẽ giúp Đảng tiếp nhận và thẩm tra lại xem ý kiến của người dân có đúng hay không.

Có thể nhìn thấy, trong gần 100 cán bộ thuộc diện T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật trong nhiệm kỳ này hầu hết là do những sai phạm từ những nhiệm kỳ trước. Đáng nói, trong đó rất nhiều trường hợp mà từ trước đó, người dân đã có ý kiến nhưng vẫn lọt được vào tổ chức của Đảng, chính quyền ở nhiệm kỳ XII. Thành ra, nhiều người dân nói là người dân đã biết, đã nói từ trước nhưng Đảng không nghe. Điển hình như trường hợp của Trịnh Xuân Thanh là ví dụ rất rõ.

Cho nên, trong tình hình hiện nay, để lựa chọn được đội ngũ cán bộ cấp chiến lược vào TƯ khóa XIII thực sự xứng đáng, tôi tha thiết đề nghị nên công khai danh sách những người dự kiến đưa vào T.Ư khóa XIII để dân biết và giám sát.

Bác Hồ đã từng nói: "Có khó khăn gì, cứ về hỏi dân". Mới đây, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định: "Dân biết cả đấy". Cho nên, để thẩm tra phẩm chất đạo đức của cán bộ đặc biệt là muốn biết quan chức có bao nhiêu nhà, đất, có giàu nhanh hay không, chỉ cần hỏi dân là biết.

Ngoài lấy ý kiến của người dân, chúng ta cần phải có các giải pháp nào, thưa ông?

- Quan trọng nhất vẫn là quyết tâm thực hiện cho được những chủ trương, biện pháp đã đặt ra. Bác Hồ nói rằng, đầu tiên phải có chủ trương, đường lối đúng. Có chủ trương đúng rồi thì phải có phương pháp đúng. Có phương pháp đúng rồi thì phải có quyết tâm cao. Thế nên, Bác mới dạy rằng chủ trương 1, biện pháp phải 10, quyết tâm phải 20. Những khóa vừa rồi chủ trương của chúng ta bao giờ cũng đúng nhưng biện pháp chưa đầy đủ, chưa toàn diện và đặc biệt quyết tâm trong quá trình thực hiện thì còn thiếu. Đây là điểm phải khắc phục nếu muốn làm tốt công tác nhân sự Đại hội XIII.

Bên cạnh đó, như tôi đã nói, giải pháp đầu tiên là phải lấy ý kiến của người dân rồi dựa vào các tổ chức chính trị-xã hội… để xem xét giống như bầu cử Quốc hội. Không ít những trường hợp Bộ Chính trị giới thiệu sang Quốc hội nhưng qua "hội nghị hiệp thương" nhân dân phát hiện, Mặt trận yêu cầu Bộ Chính trị rút những đồng chí này. Vừa rồi có một loạt các đồng chí bị kỷ luật được đưa ra khỏi QH sau khi người dân phát hiện ra sai phạm và có ý kiến.

Chúng ta phải tin vào dân, dựa vào dân để chúng ta làm. Bác Hồ đã nói rằng: "Có dân là có tất cả, mất dân là mất hết". Cho nên tôi vẫn tha thiết mong muốn phải công khai danh sách trước khi đại hội để người dân có ý kiến.

Ràng buộc trách nhiệm người đề cử, tiến cử

Một trong những nội dung mới trong công tác nhân sự mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề cập tới trong bài viết: "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng" là ràng buộc trách nhiệm của người đề cử, tiến cử. Ông nhìn nhận vấn đề này ra sao?

- Tôi hoàn toàn đồng ý! Vì hiện nay đang có tình trạng "chạy chức chạy quyền", "mua chức mua quyền".

Trong những đồng chí giàu lên một cách bất thường mà không kê khai nổi tài sản, người dân có quyền nghĩ rằng chính ông này có chức có quyền thế nên ông "bán chức" cho người khác…

Trường hợp này chúng ta đã có rồi, một Tổng Thanh tra Chính phủ trước khi về hưu đã đề bạt, bổ nhiệm hàng loạt cán bộ… Và T.Ư đã phát hiện ra.

Cho nên người giới thiệu phải chịu trách nhiệm khi người mình giới thiệu không đủ phẩm chất đạo đức mà bị đưa ra khỏi Đảng. Chúng ta phải lưu ý cái này, tôi hoàn toàn đồng ý rằng người được giới thiệu bị kỷ luật như thế nào thì người giới thiệu cũng phải bị kỷ luật như thế.

Như vậy phải nâng cao trách nhiệm của người đề cử, tiến cử. Ông có thể cho biết chúng ta phải có giải pháp nào để ràng buộc trách nhiệm của người đề cử, tiến cử?

- Theo tôi, người đề cử, tiến cử phải có trách nhiệm về phẩm chất đạo đức của đồng chí mà mình giới thiệu. Tôi đề nghị chính đồng chí đó phải viết bằng văn bản và chịu trách nhiệm đánh giá về phẩm chất đạo đức của đồng chí mà mình giới thiệu, ký vào.

Ví dụ, người giới thiệu nhân sự là Bí thư Tỉnh ủy khi đưa Thường vụ và được Thường vụ nhất trí. Khi xảy ra sai phạm Bí thư Tỉnh ủy đổ lỗi rằng "đây là ý kiến tập thể" thì "hoà cả làng". Như vậy là không được.

Cho nên, người đề xuất đầu tiên phải có văn bản. Như thời xưa, giới thiệu vào T.Ư đâu phải chỉ có Ban tổ chức đâu, các Ủy viên T.Ư ai giới thiệu phải viết văn bản, chịu trách nhiệm về mình giới thiệu. Tôi là thư ký của đồng chí Hoàng Quốc Việt nên nắm rất rõ việc này.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem