Nên làm gì khi biết tin con yêu người cùng giới: Ý kiến "không thể bỏ qua" từ chuyên gia

Tào Nga Chủ nhật, ngày 17/07/2022 15:22 PM (GMT+7)
Việc hay tin con mình yêu người cùng giới chắc chắn khiến không ít phụ huynh lo sợ, hoang mang. Vậy cha mẹ nên làm gì khi biết tin con mình yêu người cùng giới?
Bình luận 0

Con yêu người cùng giới

Mới đây, gia đình quán quân Giọng hát Việt nhí 2014 Thiện Nhân bất ngờ đăng bài trên Fanpage để cầu cứu sự giúp đỡ vì không thể liên lạc được với cô trong suốt thời gian dài. Ngay sau đó, Thiện Nhân cũng gây xôn xao dư luận khi đã phát sóng trực tiếp lên tiếng về sự việc cắt đứt liên lạc với gia đình. Cùng livestream với nữ ca sĩ là Ngân Trác, người được cho là đang sống chung với Thiện Nhân.

Thiện Nhân cho hay, cô chỉ mới cắt đứt liên lạc với gia đình trong khoảng 1 tuần. Mọi thông tin phía gia đình nữ ca sĩ đăng tải là sai sự thật. Quán quân Giọng hát Việt nhí cho biết cô đã công khai chuyện tình cảm và không hề giấu giếm gia đình. Tuy nhiên, sau khi đưa bạn về ra mắt, Thiện Nhân gặp phải sự phản ứng dữ dội.

Việc Thiện Nhân yêu người cùng giới đang gây chú ý từ cộng đồng mạng. Nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng không biết gia đình nên đối mặt thế nào, cư xử ra sao khi con công bố mình chỉ yêu người đồng tính.

Nên làm gì khi biết tin con mình yêu người cùng giới, ý kiến "không thể bỏ qua" từ chuyên gia - Ảnh 1.

Anh Huỳnh Minh Thảo, nhà vận động quyền LGBTQ+ Việt Nam. Ảnh: NVCC

Liên quan đến vấn đề trên, anh Huỳnh Minh Thảo, nhà vận động quyền LGBTQ+ Việt Nam cho biết: "Lẽ thường, bậc phụ huynh nào cũng lo lắng cho tương lai con cái của họ. Cho nên việc hay tin con mình yêu người cùng giới, chắc chắn không ít phụ huynh sẽ lo sợ, hoang mang. Sở dĩ họ có cảm giác như vậy là do cho đến hiện tại, các thông tin đúng về cộng đồng LGBT vẫn còn được ít phổ biến, mà thay vào đó là những thông tin bên lề, thậm chí là những tin đồn chưa được kiểm chứng.

Một trong những thông tin mà nhiều phụ huynh thường nghe nhất đó là “bị lôi kéo” hoặc “bị dụ dỗ đồng tính”, “đồng tính giả”. Và để “thà giết lầm còn hơn bỏ sót” nhiều bậc phụ huynh đã chọn cách tin ngay vào thông tin này và có một loạt những hành động sau đó để cấm cản, thay vì tìm hiểu thêm về con mình".

Anh Thảo cho hay, thiên hướng tính dục “yêu người cùng giới” từ năm 1990 đã được tổ chức Y tế thế giới (WHO) loại khỏi danh sách bệnh, có nghĩa đây không thể là một loại triệu chứng có thể lây lan, tập nhiễm. Việc một người xác định thiên hướng tính dục của mình thường xuất phát từ cảm xúc của cá nhân họ với 1 người khác một cách tự nhiên, chỉ bắt đầu hình thành khi họ đến tuổi trưởng thành, biết yêu đương, bị hấp dẫn và hướng đến một người khác.

Điều này có nghĩa là, nếu họ yêu đương, bị hấp dẫn với người khác giới thì có thiên hướng tính dục là dị tính (heterosexuality). Nếu họ yêu đương, bị hấp dẫn với người cùng giới thì có thiên hướng tính dục là đồng tính (homosexuality). Trong đó, người đồng tính nam được gọi là gay và người đồng tính nữ được gọi là lesbian.

Rất tiếc là ngành khoa học về giới và tính dục chỉ mới thực sự bắt đầu được đào sâu nghiên cứu chỉ trong khoảng 100 năm trở lại đây và chính vì vậy, trong hệ thống giáo dục hiện tại, các kiến thức cơ bản này gần như chưa được đề cập đến một cách chi tiết. Điều này dễ dẫn đến một hiểu lầm quan trọng: đồng tính là không tốt, là sai trái, bệnh hoạn… và chỉ có thiên hướng tính dục dị tính mới là bình thường. Đây cũng chính là lý do chính khiến các bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng, hoang mang khi con mình công khai bản thân".

Phụ huynh nên làm gì khi biết tin con yêu người cùng giới?

Anh Thảo bày tỏ quan điểm: "Trong trường hợp này, tôi thật sự khuyên các phụ huynh cần bình tĩnh, tìm kiếm những nguồn thông tin đáng tin cậy về giới và tính dục để tìm hiểu và cập nhật. Cần thừa nhận rằng đồng tính chỉ đơn giản là một thiên hướng tính dục mà cả thế giới đang ngày một công nhận. Đây không phải là 1 trào lưu nào đó vui vẻ, hấp dẫn để cho bọn trẻ có thể đua đòi. Và đây cũng không phải là 1 thói quen xấu để con cái mình có thể bị tập nhiễm hoặc lây lan.

Ngược lại, ngày nay, rất nhiều nơi trên thế giới đã thừa nhận hôn nhân cùng giới, và rất nhiều cặp đôi cùng giới đã có thể kết hôn, xây dựng gia đình và sống hạnh phúc với cuộc sống của họ. Theo nhiều nghiên cứu về dân số ở những quốc gia ở Châu Âu đã thừa nhận hôn nhân cùng giới như Đan Mạch, Bỉ, Hà Lan… thì tỷ lệ ly hôn giữa các cặp đôi cùng giới chỉ bằng 1 nửa so với tỷ lệ ly hôn của các cặp đôi khác giới. Việc nhận con nuôi, hoặc thụ tinh trong ống nghiệm để các cặp đôi cùng giới có con của mình cũng đang là những hỗ trợ phổ biến ở nhiều quốc gia.

Tại Việt Nam, luật hôn nhân và gia đình sửa đổi năm 2014 cũng đã bỏ cấm hôn nhân cùng giới ra khỏi các điều khoản, và các tổ chức, nhà vận động xã hội cũng đang tiếp thúc đẩy cho hôn nhân cùng giới cho lần sửa đổi luật kế tiếp.

Điều quan trọng theo tôi chính là chất lượng của cuộc sống con mình, chúng đang hạnh phúc hay đau khổ, tốt hơn hay tệ đi… đó lẽ ra phải là điều mà các bậc phụ huynh cần ưu tiên.

Việc dùng các biện pháp can thiệp trong khi chính bản thân các phụ huynh cũng chưa có đầy đủ thông tin sẽ khiến cho sự tổn thương ngày một nặng nề hơn cho cả đôi bên và đó cũng là lý do để con cái bị đẩy xa hơn vòng tay của gia đình.

Chúng ta luôn hiểu rằng, dù là đồng tính hay dị tính thì cũng sẽ có những mối quan hệ tốt đẹp và ngược lại cũng rất nhiều mối quan hệ độc hại. Chính vì vậy, hãy ủng hộ cho con cái mình, nếu đó là điều mang lại hạnh phúc cho chúng và giúp chúng trong khả năng có thể khi cần sự hỗ trợ của bố mẹ. Theo tôi, đó mới là sự can thiệp cần thiết của bất kỳ bậc phụ huynh nào trước việc công khai mối quan hệ của con mình".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem