Nét đẹp truyền thống trong Tết Chôl Chnăm Thmây

Phương Nghi Thứ hai, ngày 14/04/2014 16:29 PM (GMT+7)
Năm nay, từ ngày 14 – 16.04.2014 khoảng 1,3 triệu đồng bào Khmer Nam bộ đón Tết cổ truyền Chôl – Chnăm – Thmây, còn gọi là Tết “chịu tuổi”.
Bình luận 0
Trong những ngày Tết Chôl – Chnăm – Thmây, không khí ở các phum, sóc... náo nhiệt suốt ngày đêm. Sau những Lễ nghi mang đậm sắc thái tôn giáo tại chùa, ai cũng tin tưởng rằng năm mới sẽ đem đến thành công, hạnh phúc cho họ hơn năm cũ.

Lễ hội vào năm mới của người Khmer ở Nam bộ không chỉ thể hiện quan niệm của con người về chu kỳ vận chuyển của một năm, lấy mùa mưa làm mốc để đánh dấu thời gian. Mà còn nhằm giáo dục con người về lòng hiếu thảo, về ước mơ hạnh phúc, lòng biết ơn đối với ông bà, cha mẹ và những người có công đã qua đời.

Đó vừa là bản sắc văn hoá riêng của người Khmer, vừa làm đa dạng, phong phú bản sắc văn hoá Việt Nam.

Chư tăng làm lễ cầu an, cầu siêu trong ngày tết Chôl Chnăm Thmây.
Chư tăng làm lễ cầu an, cầu siêu trong ngày tết Chôl Chnăm Thmây.
Tết Chôl – Chnăm – Thmây diễn ra trong ba ngày, là Lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer. Trên khắp các con đường, những ngôi chùa sáng rực đèn hoa, mọi người đi thăm hỏi lẫn nhau, chúc nhau tài lộc, sức khoẻ, phát đạt và cùng nhau tham gia các trò chơi vui.

Ngoài tôn giáo chính là Phật giáo tiểu thừa, người Khmer còn tin rằng mỗi năm có một vị thần trên trời được sai xuống để chăm lo cho cuộc sống và con người trong năm đó, hết năm lại về trời để vị thần khác xuống hạ giới.

Trong đêm giao thừa, mọi người thắp nhang, đèn đưa tiễn thần Téveda cũ để rước thần Téveda Thmây vào nhà. Sau đó, mọi nghi thức quan trọng đón Tết đều diễn ra tại chùa, nhiều nhà còn ở trong chùa suốt 3 ngày Tết.

Dưới mái chùa chung của cả phum sóc, mọi người đều hướng lòng thành kính về Đức Phật, tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên và đặt hy vọng vào một năm mới an lành. Theo Hòa thượng Thạch Song (74 tuổi) Sư cả Chùa Khléang (T.P Sóc Trăng) Phó ban Hội Đoàn Kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng cho biết:

“Trong những ngày Tết cổ truyền Chôl – Chnăm – Thmây, hầu hết người Khmer ở đây đều đến chùa. Từ những em nhỏ cho tới cụ già, mọi người đều ăn mặc đẹp, dắt tay nhau tới chùa để nghe hòa thượng và các sư sãi trong chùa đọc kinh lá. Rồi, những câu chuyện thăng trầm, vui buồn và tốt đẹp của cộng đồng người Khmer trong suốt 1 năm qua cũng được ghi chép đầy đủ vào các bộ kinh lá tiếp theo để truyền cho hậu thế”.

img

img
Nghi lễ tắm tượng Phật
Đối với Tết Chôl – Chnăm – Thmây người Khmer như hòa quyện vào đời sống của các thiện tín, thể hiện qua truyền thuyết và nghi thức thờ phụng. Ngày thứ nhất làm Lễ rước đại nông lịch (Lễ rước Maha Sâng Kran) bắt nguồn từ một truyền thuyết của Phật giáo, đó là chuyện Thom Ma Bal và Kabil Maha Prum (còn gọi là Thần Bốn Mặt).

Vào ngày đầu năm mới thay vì rước đầu “Thần Bốn mặt” được thờ trong chùa Khmer, người Khmer rước Maha Sâng Kran đi vòng quanh chính điện 3 lần. Mọi người ăn mặc thật đẹp rồi đội mâm lễ đến chùa cúng Phật, vào giờ tốt đã được chọn, bất kể sáng hay chiều.

Ngày thứ hai làm lễ dâng cơm và đắp núi cát. Mỗi gia đình làm cơm dâng lên cho sư, sãi ở chùa vào buổi sớm và trưa. Buổi chiều, tổ chức lễ đắp núi cát để tìm phúc duyên. Mọi người đắp cát thành nhiều ngọn núi nhỏ theo tám hướng và một núi ở trung tâm, tượng trưng cho vũ trụ. Tục này có dẫn chứng theo tích lâu đời biểu lộ ước vọng cầu mưa, cầu phúc của con người.

Các sự tích, truyền thuyết trong Tết Chôl – Chnăm – Thmây cổ truyền của đồng bào Khmer Nam Bộ là những bài học về cách sống, lối sống cho người Khmer theo triết lý đạo Phật. Tết Chôl – Chnăm – Thmây là dịp để bà con phật tử thể hiện tâm niệm của mình với Đức Phật, với ông bà cha mẹ mình.

img

img

img
Mọi người đổ ra đuờng té nước vào nhau.
Ngày thứ ba làm Lễ tắm tượng Phật, tắm sư. 12giờ trưa ngày mùng 3 Tết, người dân thỉnh tượng Phật trong chùa ra sân, dùng nước ướp ngũ hoa đã chuẩn bị trước để sư cả tắm tượng Phật. Người dân hứng nước tắm này để xức lên đầu, toàn thân với quan niệm được mạnh khỏe và Phật ban phước trong năm, đồng thời xóa tội lỗi.

Điểm nhấn của nghi lễ độc đáo này chính là lúc mọi người đổ ra đuờng, dùng xô, chậu, vòi nước hay súng nước tha hồ nghịch nước vào nhau, sau đó còn té nước vào nhà cửa, đồ thờ cúng, súc vật và công cụ sản xuất. Mọi người thoải mái tắm mình trong những làn nước, đón nhận nước té càng nhiều càng tốt bởi họ tin rằng như thể hiện thay lời cầu chúc năm mới nhiều may mắn, khỏe mạnh và hạnh phúc.

Cuối cùng, họ về nhà, làm lễ tắm tượng Phật thờ tại nhà, xong họ mời ông bà, cha mẹ đến để tạ lỗi, xin tha thứ những lỗi lầm thiếu sót trong năm cũ. Sau cùng, họ đem bánh trái, quà dâng cho ông bà, cha mẹ. Đêm đến, họ tiếp tục cúng bái làm lễ Téveda Thmây – một vị thần chăm lo đời sống cho dân chúng trong năm mới và tổ chức các cuộc vui chơi cho đến khuya mới chấm dứt.

Người Khmer vui mừng trong lễ rước Maha Sâng Kran đi vòng quanh chính điện mừng năm mới.
Người Khmer vui mừng trong lễ rước Maha Sâng Kran đi vòng quanh chính điện mừng năm mới.
Về với đồng bào Khmer ĐBSCL dịp Tết cổ truyền Chôl – Chnăm – Thmây, trong thời khắc mở đầu năm mới cổ truyền, là đi trong hương hoa, nghe lời cầu kinh, niệm phật râm ran và được xem các lễ hội dân gian linh đình. Từ người già đến trẻ nhỏ đều xênh xang áo mới. Các cô gái mặc sà rông sặc sỡ, tay bưng mâm có tấm lụa vàng phủ các lễ vật cúng phật.

Tất cả diễn ra trong khung cảnh thanh bình, no ấm thể hiện cuộc sống mới ngày càng sung túc của người dân tộc Khmer ở miền sông nước Cửu Long.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem