Đồng Nai: Nếu làm quốc lộ 13C xuyên rừng, Khu dự trữ sinh quyển thế giới mất 44 ha đất

Nha Mẫn Thứ tư, ngày 04/05/2022 10:06 AM (GMT+7)
Nếu xây dựng và khai thác tuyến quốc lộ 13C xuyên rừng để nối Bình Phước và Đồng Nai thì sẽ phải sử dụng 44 ha đất rừng thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai để phục vụ dự án.
Bình luận 0

Ngày 4/5, Sở GTVT Đồng Nai cho biết, liên quan dự án làm đường xuyên rừng, Sở được UBND tỉnh Đồng Nai giao chủ trì, cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu về việc điều chỉnh hướng tuyến quốc lộ 13C đoạn qua Khu bảo tồn thiên nhiên văn hoá Đồng Nai và cầu Mã Đà để tham mưu đề xuất UBND tỉnh, báo cáo Thường vụ Tỉnh uỷ các vấn đề xoay quanh dự án này.

Đến nay đơn vị đã cử lực lượng chuyên môn đến hiện trường xem xét. Qua đó, Sở GTVT xác định, nếu đưa vào sử dụng tuyến quốc lộ 13C xuyên rừng nhằm kết nối Bình Phước và Đồng Nai thì sẽ phải lấy 44 ha đất rừng thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai. Như vậy hệ sinh thái của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Đồng Nai: Nếu làm quốc lộ 13C xuyên rừng sẽ phải “chiếm” của Khu dự trữ sinh quyển thế giới 44 ha đất - Ảnh 1.

Nếu làm đường xuyên rừng sẽ phải "chiếm" đất rừng lên đến 44 ha. Ảnh: Tuệ Mẫn

Cụ thể, để khai thác quyến quốc lộ 13C với quy mô đường cấp III, 2 - 4 làn xe thì cần phải đầu tư 13 km đường Bà Hào - sân bay Rang Rang, dự kiến chiếm dụng khoảng 26 ha rừng đặc dụng; mở rộng đường tỉnh 761 với chiều dài 18km từ cấp IV lên đạt chuẩn cấp III, dự kiến chiếm dụng khoảng 18 ha đất rừng.

Theo quy hoạch GTVT đường bộ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021, tuyến quốc lộ 13C có điểm đầu tại điểm giao giữa đường tỉnh 753 và đường tỉnh 741, TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước; điểm cuối tại quốc lộ 1, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. 

Đồng Nai: Nếu làm quốc lộ 13C xuyên rừng sẽ phải “chiếm” của Khu dự trữ sinh quyển thế giới 44 ha đất - Ảnh 2.

Việc lấy quá nhiều đất rừng có nguy cơ ảnh hưởng đến hệ sinh thái đa dạng của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai. Ảnh: Tuệ Mẫn

Quốc lộ 13C có tổng chiều dài toàn tuyến 86km, quy hoạch đường cấp III, 2 - 4 làn xe. Trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai có chiều dài hơn 55km với hướng tuyến: điểm đầu tại Ngã ban Trị An giao quốc lộ 1, đi trùng tuyến toàn tuyến đường tỉnh 767 có chiều dài hơn 24km; đi trùng 18km đầu đường tỉnh 761, đi theo tuyến đường Bà Hào - sân bay Rang Rang với chiều dài 13km, kết nối qua tỉnh Bình Phước tại vị trí cầu Mã Đà.

Theo hướng tuyến này, dự án có 2 đoạn đi qua rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai là đoạn đi trùng đường tỉnh 761 dài khoảng 18km và đoạn đi trùng đường Bà Hào - sân bay Rang Rang dài khoảng 13km.

Được biết trước đó vào tháng 3/2022, tỉnh Bình Phước đã đề xuất Chính phủ phê duyệt phương án mở rộng đường tỉnh 753, xây dựng cầu Mã Đà để kết nối và nâng cấp tuyến đường Bà Hào- sân bay Rang Rang (tỉnh Đồng Nai) với đường Đồng Xoài - Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) thành quốc lộ 13C đi qua lõi của Khu dự trữ sinh quyển thể giới Đồng Nai.

Nhưng do việc làm đường xuyên rừng sẽ đi qua vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai nên tỉnh Đồng Nai lo sợ dự án làm ảnh hưởng đến mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học và bảo tồn giá trị văn hóa bản địa.

Trong ngày cũng liên quan đến vấn đề này, ông Lê Việt Dũng, Phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai khẳng định việc xây cầu, làm đường QL13C sẽ tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái của khu dự trữ sinh quyển. Ông Dũng nhấn mạnh rằng khu bảo tồn nằm cạnh hồ thủy điện Trị An có chức năng giữ nước, điều hòa khí hậu ngăn ngừa mưa lũ trên hệ thống sông Đồng Nai xuống hạ nguồn. Địa phương đã nỗ lực bảo vệ rừng, bảo tồn hệ sinh thái, động vật rừng để giữ lại vẻ đẹp nguyên sinh không chỉ cho riêng Đồng Nai mà nhiều tỉnh phía Nam. 

Đáng nói, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai không chỉ riêng của tỉnh Đồng Nai mà còn được tổ chức Unesco công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới nên càng cần được bảo vệ nghiêm ngặt, thực hiện đúng các cam kết đã ký với tổ chức Unesco.

"Bản thân tôi nghĩ nếu dự án vẫn bắt buộc phải triển khai thì có thể nắn đường đi ngoài ranh giới Khu bảo tồn để tránh việc tác động trực tiếp vào Khu dự trữ sinh quyển thế giới”, ông Dũng nói.

Còn ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hoá Đồng Nai cho hay, nếu xây dựng cầu Mã Đà sẽ tạo ra tuyến đường nối dài khoảng 40km xuyên qua vùng lõi rừng đặc dụng Khu bảo tồn. Như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ rừng hiện hữu, sinh cảnh sống của các loài động vật quý hiếm và gây khó khăn cho công tác quản lý và bảo vệ rừng.

Việc người dân được tự do lưu thông trên đường rừng khi dự án đi vào hoạt động sẽ gây khó khăn về phòng, chống cháy rừng trong mùa khô. Trên địa bàn do khu bảo tồn quản lý có 3 di tích lịch sử cấp quốc gia nên việc xây dựng cầu Mã Đà sẽ làm phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng đến công tác bảo tồn các di tích lịch sử cách mạng.

Liên quan đến dự án xây dựng quốc lộ 13C xuyên rừng thì mới đây, tập thể Thường trực tỉnh uỷ Đồng Nai đã có kết luận, giao cho Ban cán sự đảng UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo rà soát, xin ý kiến các bộ ngành và cơ quan có liên quan về việc xem xét điều chỉnh hướng tuyến quốc lộ 13C đoạn qua Khu bảo tồn thiên nhiên văn hoá Đồng Nai.

Nghiên cứu giải pháp tối ưu đối với việc điều chỉnh hướng tuyến nhằm đảm bảo việc kết nối lưu thông giữa các địa phương và hạn chế tối đa việc đi qua phạm vi quản lý của Khu bảo tồn thiên nhiên văn hoá Đồng Nai, đảm bảo công tác bảo vệ rừng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem