Nga phản ứng thế nào sau khi Ba Lan tuyên bố sẵn sàng triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ?

Lê Phương (RT) Thứ năm, ngày 07/04/2022 16:49 PM (GMT+7)
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo rằng Moscow sẽ coi việc chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Ba Lan là hành động khiêu khích cao độ, sau khi một quan chức hàng đầu cho biết Warsaw sẵn sàng sở hữu tên lửa nước ngoài như một biện pháp răn đe.
Bình luận 0
Nga phản ứng thế nào sau khi Ba Lan tuyên bố sẵn sàng triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ? - Ảnh 1.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Getty

Hôm 6/4, phát biểu với đài truyền hình LCI của Pháp, ông Peskov cho biết bất kỳ hoạt động chuyển giao vũ khí hạt nhân nào đều có khả năng gây ra phản ứng từ phía Nga và khiến Moscow thay đổi trạng thái hạt nhân của chính mình.

"Đối với chúng tôi, đây sẽ là một mối đe dọa lớn", ông nói và nhấn mạnh: "Trong những trường hợp như vậy, việc Nga triển khai tên lửa hạt nhân ở biên giới phía tây là không thể tránh khỏi". Ông nói thêm rằng Moscow là "một cường quốc hạt nhân có trách nhiệm".

Bình luận của ông Peskov được đưa ra sau khi Phó Thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczynski nói với một tờ báo Đức vào cuối tuần trước rằng đất nước của ông "sẵn sàng" sở hữu vũ khí hạt nhân của Mỹ. Ông cũng cho rằng việc triển khai tên lửa ở sườn phía đông của NATO là "có ý nghĩa" và sẽ tăng đáng kể khả năng răn đe đối với Moscow.

Trong một cuộc họp báo hôm 4/4, ông Peskov tuyên bố rằng động thái này sẽ làm gia tăng căng thẳng trong bối cảnh các hành động thù địch đang diễn ra ở Ukraine, ông gọi đây là một "mối quan ngại sâu sắc".

Ông Kaczynski không phải là người đầu tiên nêu ý tưởng, trước đó đặc phái viên của Washington tại Ba Lan cũng đưa ra đề xuất tương tự vào năm 2020, trong đó kêu gọi tái định vị các vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Đức. Các nhà lãnh đạo Mỹ cho đến nay đã từ chối các đề xuất này.

Việc chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Ba Lan sẽ đi ngược lại cam kết năm 1996 của khối quân sự NATO rằng họ "không có ý định, không có kế hoạch và không có lý do gì để triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của các thành viên mới". Warsaw gia nhập liên minh vào năm 1999, trong khi các quốc gia thành viên khác gia nhập NATO trước đó tiếp tục sở hữu tên lửa của Mỹ theo các thỏa thuận chia sẻ hạt nhân, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Bỉ, Đức và Hà Lan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem