Ngậm ngùi nghỉ học vì khoản thu "trời ơi đất hỡi"

Thứ năm, ngày 09/09/2010 09:15 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chưa từng có thống kê học sinh phải nghỉ học vì phải đóng quá nhiều tiền trời ơi đất hỡi" đầu năm, nhưng thực tế, không ít gia đình đã ngậm ngùi chọn giải pháp này...
Bình luận 0

Tiền học 1 tháng hơn lương công nhân

Đó là mức thu tại Trường Thực hành sư phạm tỉnh Sóc Trăng. Cụ thể, ở bậc tiểu học phải đóng các khoản sau: Học phí học 2 buổi/ngày trong học kỳ 1 là 300.000 đồng; tiền ở bán trú 680.000 đồng; quỹ khuyến học 150.000 đồng; nước uống 80.000 đồng; sổ liên lạc, học bạ, sức khỏe 10.000 đồng; đồ dùng bán trú 100.000 đồng; chụp hình 10.000 đồng; ăn sáng 300.000 đồng; tiền bảo mẫu học kỳ 1 là 125.000 đồng; bảo hiểm sinh mạng 45.000 đồng.

img
Để có những lớp học đầy đủ thế này, học sinh nhiều nơi phải è cổ đóng góp.

Như vậy, tổng cộng tháng đầu tiên nhập học phụ huynh phải đóng 1,7 triệu đồng (riêng tiền ở bán trú đóng theo từng tháng). Còn bậc THCS ngoài đóng các khoản tương tự còn phải đóng thêm tiền khăn, gối, dép 100.000 đồng.

Điều đáng nói, tại trường này chúng tôi tìm đỏ mắt cũng không thấy thông báo công khai các khoản thu đầu năm trên bảng thông báo mà chỉ để tại phòng thu của thủ quỹ với một bản kê các khoản thu trên một nửa tờ giấy A4. Mà những khoản thu này vẫn chưa hết.

Một phụ huynh cho biết: "Việc thu các khoản ngoài quy định phải chờ sau ngày khai giảng, đặc biệt là sau đại hội Hội Phụ huynh học sinh mới có thể biết được".

Tại Trường THPT Hoàng Diệu (TP. Sóc Trăng), các bậc cha mẹ còn khốn khổ hơn nếu con họ được "chọn" vào lớp đặc biệt, bởi vào lớp đặc biệt con họ phải đóng 1,5 triệu đồng (thu một lần) để có lớp học, phòng học VIP. Phòng học này gắn máy lạnh, dạy học bằng máy vi tính.

Gánh nặng tiền trường

“Chúng tôi đã quán triệt với lãnh đạo các Phòng GD&ĐT và hiệu trưởng các trường tuyệt đối không được đề ra các khoản thu trái quy định, cá nhân hay đơn vị nào làm sai phải chịu trách nhiệm”, ông Trần Việt Hùng - Giám đốc Sở GD-ĐT Sóc Trăng

Trường THCS Đoàn Kết (quận 6, TP.HCM) là nơi có khá nhiều trẻ có hoàn cảnh khó khăn theo học. Năm học mới này, sẽ có nhiều lớp vắng trò vì các em không có điều kiện theo học.

Cậu bé Nguyễn Trọng Tín- năm nay lên lớp 7, là một trong số đó. Nhà Tín ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, em phải bán vé số kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi em.

Năm học lớp 6, hàng ngày, Tín đi học sáng, chiều đi bán vé số. Mỗi ngày cậu bé nhỏ thó này bán được khoảng 100 tờ, mang về cho mẹ 50.000 đồng. Tín nói: "Năm học cũ cháu còn nợ tiền học hơn 800.000 đồng. Năm nay, đầu năm nhà trường thu các khoản hơn 1 triệu đồng nữa. Mẹ cháu giờ chưa lo được nên cháu chưa được tới lớp".

Em Tô Tuấn Hùng ở khu phố 20, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân cũng trong hoàn cảnh tương tự. Em phải bươn chải để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Trước, Hùng theo học Trường Tình thương Thiên Ân, lên lớp 6, em phải sang trường khác để học: "Trường mới phải đóng tiền học 1,3 triệu đồng đầu năm mà nhà cháu nghèo quá, không đóng nổi" - Hùng buồn bã nói.

Thực tế, những quận ở TP.HCM có số học sinh nghỉ học cao đều có đông dân nhập cư, nghề nghiệp không ổn định, cuộc sống tạm bợ, nghèo khó. Tiền trường đầu năm là gánh nặng với các gia đình. Có trường hợp, đầu năm học, cha mẹ không có tiền trả tiền thuê nhà phải dọn sang chỗ khác giá rẻ hơn hoặc trốn nợ nên các em cũng nghỉ học theo.

Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP. Huế) vừa ra quyết định đình chỉ học đối với 30 học sinh khối 11 và 12 vì chưa nộp các khoản đóng góp đầu năm cho nhà trường. Trong đó, khối 11 có 25 em, khối 12 có 5 em. Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, vào năm học mới, học sinh lớp 11 của trường này phải đóng góp 12 khoản thu, còn học sinh khối 12 phải đóng góp 11 khoản. Ông Trương Đình Tải - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đến ngày 11-9 nếu các em vẫn không nộp đủ tiền thì nhà trường sẽ chính thức đuổi học – An Sơn.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem