Ngăn chặn việc giáo viên cầm cố, bán sổ BHXH vì mất việc

Bạch Dương Thứ năm, ngày 23/04/2020 10:59 AM (GMT+7)
Công đoàn Ngành Giáo dục TP.HCM vừa có văn bản gửi tất cả các công đoàn cơ sở về tuyên truyền các bộ, nhà giáo, người lao động không cầm cố, thế chấp, mua bán sổ Bảo hiểm xã hội (BHXH).
Bình luận 0

img

Mạo danh BHXH Bình Dương để mời chào mua bán, cầm cố sổ BHXH.

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nhà giáo, người lao động (nhất là tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập) bị mất việc, lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Lợi dụng tình hình này, một số đối tượng đã rao mua sổ BHXH của người lao động trên các mạng xã hội. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi lâu dài của người lao động, tạo hệ quả xấu cho xã hội.

Công đoàn Ngành Giáo dục cho rằng nên vận động đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động nắm rõ thông tin nhằm tuyên truyền trong đội ngũ sư phạm, người thân và gia đình không nên lãnh BHXH 1 lần, tham gia đóng BHXH tự nguyện để có thể nhận lương hưu khi hết tuổi lao động.

Ngoài ra, các đơn vị cần tập trung chăm lo cho đoàn viên công đoàn, cán bộ, giáo viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, không để trường hợp người lao động cầm cố, thế chấp và mua bán sổ BHXH; tuyên truyền, phát huy hiệu quả mô hình cung cấp các sản phẩm tín dụng, tiết kiệm cho đội ngũ, giảm lãi suất cho vay để giải quyết khó khăn trong tình hình dịch Covid-19, góp phần hạn chế việc cầm cố, thế chấp và mua bán sổ BHXH trong đội ngũ sư phạm. 

Mới đây, tại TP.HCM, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) Bộ Công an triệu tập 2 đối tượng có hành vi mạo danh cơ quan bảo hiểm, thu mua sổ BHXH của những người đang thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhằm trục lợi bất chính.

Hai đối tượng này đã tạo một số tài khoản, fanpage mạo danh cơ quan bảo hiểm, trong đó có BHXH Bình Dương để đăng tải thông tin thu mua, thanh lý sổ BHXH của các công nhân trên địa bàn.

Qua xác minh, Cục A05 phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương, Công an TP.HCM  triệu tập 2 đối tượng này lên làm việc. Bước đầu, các đối tượng đã thừa nhận hành vi của mình là sai trái do thiếu hiểu biết. Tiến hành kiểm tra nơi ở của 2 đối tượng, công an thu giữ hàng chục sổ BHXH cùng nhiều tài liệu, chứng cứ liên quan.

Theo quy định, sổ BHXH không phải là đối tượng tài sản được cầm cố, thế chấp hoặc mua bán. Các hành vi cầm cố, thế chấp, mua bán sổ BHXH của người lao động rồi sau đó làm thủ tục kê khai sổ BHXH bị mất, hư hỏng để xin cấp lại, thuộc trường hợp kê khai không đúng sự thật và sẽ bị xử phạt.

Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, BHXH Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo người dân và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi mua gom sổ BHXH, siết chặt quy trình chi trả để ngăn chặn các đối tượng trục lợi bất chính, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động, cũng như uy tín của lực lượng chức năng.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem