Ngân hàng giảm phí dịch vụ: Bước đi khôn ngoan, "ông lớn” khó đứng ngoài cuộc

18/11/2019 09:53 GMT+7
Không chỉ các ngân hàng nhỏ và các ngân hàng tầm trung tham gia cuộc “đua” giảm phí dịch vụ mà mới đây các “ông lớn” như Vietcombank và Vietinbank cũng đã nhập cuộc.

Theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện nay đã có 94% ngân hàng trong nước đang trong bước đầu triển khai hoặc xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Trong đó, 78 ngân hàng thương mại (NHTM) đã cung cấp dịch vụ thanh toán qua internet và 41 NHTM cung cấp dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.

Việc các ngân hàng đẩy mạnh cung cấp dịch vụ ngân hàng số khiến sự cạnh tranh ngày càng trở nên nóng bỏng, bắt buộc các nhà băng phải "tung chiêu" thu hút khách hàng.

Một trong những cách thức được các ngân hàng triển khai hiện nay là tăng khuyến mãi, giảm phí dịch vụ, thậm chí áp dụng chính sách phí 0 đồng.

Ngân hàng giảm phí dịch vụ: Bước đi khôn ngoan, "ông lớn” khó đứng ngoài cuộc - Ảnh 1.

Ngân hàng chạy đua giảm phí

Ngân hàng chạy đua giảm phí

Mới đây, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã ban hành chính sách phí dịch vụ ngân hàng điện tử SeANet/SeAMobile mới dành cho khách hàng cá nhân. Theo đó, khách hàng SeABank sẽ được miễn nhiều loại phí khi sử dụng dịch vụ như: miễn phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống SeABank cho khách hàng sử dụng dịch vụ SeANet/SeAMobile; miễn phí mở và sử dụng dịch vụ SeANet/SeAMobile. Chính sách này áp dụng cho tất cả khách hàng mới và khách hàng hiện hữu.

Đầu tháng 11 vừa qua, VPBank cũng chính thức thông báo áp dụng mức phí mới: miễn phí 0 đồng cho tất cả khách hàng giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng trên VPBank Online 10 lần đầu trong tháng. Từ giao dịch thứ 11, nếu tài khoản của khách hàng có số dư bình quân tháng trước 10 triệu đồng trở lên cũng được hoàn 100% phí.

Hay như trường hợp của ngân hàng TNHH MTV Hong Leong Việt Nam thông báo áp dụng mức phí mới kể từ ngày 15/11. Theo đó, ngân hàng này sẽ miễn phí chuyển khoản ngoài hệ thống tại máy ATM cho các khách hàng không ưu tiên, thay vì thu phí 5.000 đồng/giao dịch như trước.

Ngoài ra, phí in sao kê giao dịch rút gọn cũng được miễn phí cho cả khách hàng ưu tiên lẫn không ưu tiên, trong khi mức phí trước đây là 20.000 đồng/giao dịch.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) gần đây cũng tung chương trình miễn tất cả phí trong 3 tháng đầu gồm phí tài khoản thanh toán, phí duy trì thẻ, phí rút tiền ATM, phí chuyển tiền online, phí chuyển tiền tại quầy cho khách hàng lần đầu tham gia gói Sapphire và Gold.

Về phí chuyển khoản liên ngân hàng, hiện nay, ngoài SeABank, VPBank, VIB còn có Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank) cũng bắt đầu nhập "cuộc chơi". Tuy nhiên, đi tiên phong trong làn sóng này phải kể đến Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với chính sách "Zero Fee" - miễn phí cho tất cả các giao dịch trực tuyến qua F@st I-bank và F@st mobile của khách hàng cá nhân từ cuối tháng 9/2016 và mở rộng chính sách này với khách hàng doanh nghiệp từ tháng 10/2018.

Đáng lưu ý, không chỉ có các ngân hàng nhỏ và trung bình, một số "ông lớn" ngân hàng có vốn nhà nước gần đây cũng đã "lội ngược dòng" giảm phí dịch vụ ATM cho khách hàng.

Điển hình là từ 15/11/2019 đến hết năm 2020, chủ thẻ ghi nợ nội địa Vietcombank gồm thẻ Vietcombank Connect 24, thẻ đồng thương hiệu Vietcombank AEON, Vietcombank Co.opmart, thẻ liên kết sinh viên sẽ được giảm 500 đồng/giao dịch rút tiền mặt ngoài hệ thống. Mức phí mới sẽ là 2.500 đồng/giao dịch, thay vì 3.000 đồng/giao dịch (chưa gồm thuế giá trị gia tăng) như trước.

Hay như tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã thực hiện miễn phí chuyển khoản nội bộ ngân hàng.

Cuộc đua tiếp tục "nóng, "ông lớn" ngân hàng khó đứng ngoài cuộc

Các chuyên gia tài chính nhận định, việc nhiều ngân hàng có quy mô nhỏ và tầm trung miễn phí hoặc áp dụng mức phí thấp đối với dịch vụ thẻ, dịch vụ ngân hàng điện tử là bước đi khôn ngoan nhằm gia tăng thị phần trong cuộc đua thu hút khách hàng sử dụng. 

Bên cạnh đó, khi khách hàng chi tiêu qua thẻ, ngân hàng sẽ hiểu hơn các nhu cầu mua sắm, từ đó có thể khai thác được nhiều tiềm năng hơn từ chính khách hàng đó với các sản phẩm phù hợp.

Ngân hàng giảm phí dịch vụ: Bước đi khôn ngoan, "ông lớn” khó đứng ngoài cuộc - Ảnh 3.

Nhiều ngân hàng có tỷ lệ CASA tăng trong 9 tháng đầu năm

Ngoài ra, việc các NHTM đua giảm phí là nhằm thu hút khách hàng cũng như tăng số dư tiền gửi không kỳ hạn. Việc khách hàng duy trì số dư tiền gửi không kỳ hạn phần nào hỗ trợ cho thanh khoản của hệ thống ngân hàng, nhất là trong bối cảnh NHNN siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn xuống 40% và dự kiến giảm về mức 30% trong 2 năm tới.

Đồng thời, nguồn tiền gửi không kỳ hạn (CASA) được tính vào vốn ngắn hạn, ngân hàng chỉ phải trả lãi 0,1-0,5%/năm, trong khi nếu huy động có kỳ hạn mức lãi thường là 4-5%/ năm. Nguồn vốn tiền gửi không kỳ hạn lớn càng lớn càng giúp ngân hàng giảm giá vốn, gia tăng biên lợi nhuận.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc miễn, giảm phí giao dịch ngân hàng cũng sẽ trở thành xu hướng khi ngày càng nhiều nhà băng tham gia. Đặc biệt là từ đầu tháng 10, CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cũng giảm 13% đối với phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7, không thu phí dịch vụ chuyển khoản nội bộ, vấn tin, in sao kê… nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ thanh toán và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Đại diện một NHTM nhà nước cho biết cũng đang tính toán, rà soát để điều chỉnh một số khoản phí dịch vụ trong thời gian tới khi mà nhiều nhà băng khác đang "chạy đua" giảm phí dịch vụ về 0 đồng. Tuy nhiên, "ông lớn" này cũng phải tính toán thật kỹ các điều kiện để khách hàng có thể được hưởng mức phí ưu đãi.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục