Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp: Tích cực nhưng vẫn “vướng”

15/05/2020 05:46 GMT+7
Hiện tại các ngân hàng đã chủ động thực hiện giảm lãi vay và hỗ trợ khách hàng, song việc triển khai còn gặp một số vướng mắc. Bổ sung các khoản cho vay sau 23/1 nhưng đến hạn trong thời gian dịch Covid-19 tác động, vào danh sách được cơ cấu nợ, giãn nợ là một trong những kiến nghị được các ngân hàng thương mại đề cập.

Tính đến thời điểm hiện tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215 nghìn khách hàng với dư nợ 130 nghìn tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho 260 nghìn khách hàng với dư nợ 1,08 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 630 nghìn tỷ đồng cho 182 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch. Riêng NHCSXH cũng đã thực hiện gia hạn nợ cho gần 103 nghìn khách hàng với dư nợ trên 2.800 tỷ đồng, cho vay mới đối với gần 517 nghìn khách hàng với dư nợ gần 19.000 tỷ đồng.

Đóng góp vào kết quả này, theo đại diện Vietcombank, thời gian qua nhà băng này đã chia sẻ 2.200 tỷ đồng lợi nhuận để cơ cấu nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngân hàng đã chủ động thực hiện giảm lãi vay và hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên, việc triển khai còn một số vướng mắc.

Theo Vietcombank, hiện nay, căn cứ để xem xét khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 dựa trên việc doanh thu giảm trên sổ sách kế toán. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp trong quý I chưa bị ảnh hưởng doanh thu nhưng về sau dòng tiền giảm do ảnh hưởng bởi dịch. Theo đó, ngân hàng kiến nghị bổ sung tiêu chí dòng tiền giảm vào đánh giá các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, ngân hàng kiến nghị bổ sung các khoản cho vay sau 23/1 nhưng đến hạn trong thời gian dịch Covid-19 tác động, vào danh sách được cơ cấu nợ, giãn nợ.

Liên quan đến đề xuất này, cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Giang Yên, Chủ tịch Công ty CP Nông sản Agrexim nêu ý kiến:  Thông tư 01 quy định về điều kiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, trong đó có một yêu cầu là phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi sau ngày 23/1 đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19, nhưng một công văn hướng dẫn số 3339 của NHNN lại có đoạn nói "các khoản nợ vay phát sinh sau 23/1 không nằm đối tượng cơ cấu.

Ông Yên chia sẻ: Là DN kinh doanh thương mại nông sản bán lẻ xăng dầu, vòng quay vốn chỉ là 3-4 tháng, Thông tư 01 ra đời ngày 13/3, nhưng thực tế trong khoảng từ 23/1 đến 13/3 ngân hàng vẫn cấp tín dụng bình thường nếu khoản đó không được cơ cấu thì DN sẽ gặp khó khăn. Đại diện DN này đề nghị NHNN và TCTD xem xét cho phép cơ cấu lại phần phát sinh sau ngày 23/1 đến thời điểm Thông tư 01 có hiệu lực.

Còn tại MB, bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng giám đốc ngân hàng này cũng thừa nhận, việc hỗ trợ doanh nghiệp còn vướng một số điểm khó khăn như không được dự thu lãi với các khoản nợ cơ cấu. Điều này sẽ tác động đến doanh thu của các chi nhánh, tác động đến lương của các nhân viên.

Bên cạnh đó, hiện nay ngân hàng áp dụng công nghệ vào quá trình giao dịch với khách hàng như chữ ký số, tuy nhiên chi phí để sử dụng vẫn còn cao nếu tăng cường áp dụng vào các nghiệp vụ, tương tự với chi phí SMS với ngân hàng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Long, Phó Tổng giám đốc VPBank, cho rằng áp dụng công nghệ, chữ ký số là xu hướng, mang tính bảo mật cao nhưng tốn chi phí cho cả ngân hàng và khách hàng. Ông Long kiến nghị nên bổ sung, cho phép sử dụng các hình thức bảo mật khác như user, password, OTP… vào các giao dịch phổ biến, chỉ những giao dịch thực sự quan trọng, giá trị cao mới áp dụng chữ ký điện tử.

Phản hồi về ý kiến này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết nếu không có vướng mắc tháng 5 tới đây quy định về chữ ký điện tử sẽ được ban hành. Về việc miễn, giảm phí SMS, ông Tú cho biết Thống đốc đã có buổi làm việc với các bộ và đưa ra kiến nghị. Kết quả đang đợi Bộ Thông tin & Truyền thông chỉ đạo.

Cũng theo phó Thống đốc Đào Minh Tú, NHNN sẵn sàng tiếp thu các ý kiến đóng góp sau quá trình vận hành trong thực tiễn, có thể tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các TCTD hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế, tạo thuận lợi cho người dân, DN.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục