Có khách hàng lợi dụng dịch Covid-19 để “trục lợi” chính sách

14/05/2020 12:35 GMT+7
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, có hiện tượng doanh nghiệp hoạt động khó khăn nhiều năm nay, đã nợ xấu nhưng nay lại kiến nghị gửi Ngân hàng Nhà nước phản ánh không tiếp cận được vốn vay dù nằm trong đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tại Hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp tại Hà Nội sáng nay (14/5), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú cho biết, tin vui là tín dụng đã bắt đầu tăng trở lại, tăng trưởng tín dụng đến 30/4 tăng gần 1,5%, chính xác là đạt 1,42%. Tăng trưởng tín dụng vẫn duy trì nhưng tốc độ tăng thấp hơn so với năm ngoái khi dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh tới quan hệ tín dụng giữa doanh nghiệp và các TCTD, nhiều doanh nghiệp thậm chí chưa biết vay vốn để làm gì.

Tăng trưởng tín dụng 1,42% sau 4 tháng

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cung cấp thông tin cụ thể, tăng trưởng tín dụng trong tháng 1 đạt 0,1%, tháng 2 tăng 0,07%, tháng 3 tăng 1,1%, tháng 4 tăng 1,42%, và đến trung tuần tháng 5 khoảng 1,2%. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh tới khả năng trả nợ của các khách hàng, với ước tính có khoảng 2 triệu tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng, tương đường 23% trong tổng dư nợ của nền kinh tế.

Có khách hàng lợi dụng dịch Covid-19 để “trục lợi” chính sách - Ảnh 1.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú

Để hỗ trợ doanh nghiệp, NHNN đã kịp thời xây dựng khuôn khổ pháp lý bằng việc ban hành ngay Thông tư 01 và Chỉ thị 02 vào đầu tháng 3/2020 để các TCTD triển khai việc gia hạn các khoản nợ gốc và lãi đến hạn, miễn giảm lãi, phí và tiếp tục cho vay mới đối với những dự án, doanh nghiệp cần vốn để duy trì và phục hồi trong thời điểm cao trào chống dịch.

Kết quả bước đầu sau 2 tháng triển khai Thông tư 01, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215 nghìn khách hàng với dư nợ 130 nghìn tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho 260 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 1 triệu tỷ đồng.

Cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số luỹ kế từ 23/1 đến nay đạt 659 nghìn tỷ đồng cho 188 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch. Riêng NHCSXH cũng đã thực hiện gia hạn nợ cho 130 nghìn khách hàng với dư nợ trên 3.600 tỷ đồng, cho vay đối với hơn 500 nghìn khách hàng với dư nợ gần 19.000 tỷ đồng.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có Quyết định về lãi suất điều hành, trong đó giảm lãi suất tái cấp vốn giảm từ 5% xuống 4,5%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 3,5% xuống 3%/năm, lãi suất OMO giảm từ 3,5% xuống 3%/năm, trần lãi suất tiền gửi 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75% xuống 4,25%/năm,...

Phó Thống đốc cho biết, việc hạ lãi suất này sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng huy động được nguồn vốn với chi phí thấp hơn, từ đó có thể hỗ trợ giảm lãi suất cho vay các doanh nghiệp. Với việc giảm trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng, Phó Thống đốc cho biết NHNN đã cân nhắc mức giảm để vẫn đảm bảo huy động được tiền trong dân, tiền gửi tại các TCTD.

Có khách hàng lợi dụng dịch Covid-19 để "trục lợi" chính sách

Có khách hàng lợi dụng dịch Covid-19 để “trục lợi” chính sách - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị

Đề cập tới việc hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết, hiện có một số khách hàng lợi dụng dịch Covid-19 để trục lợi, lợi dụng chính sách.

"Trên thực tế, nhiều khách hàng khó khăn từ rất lâu rồi không phải đến khi có dịch mới khó khăn. Những doanh nghiệp này tiếp tục làm hồ sơ gửi lên ngân hàng để được xem xét hỗ trợ khó khăn vì Covid-19. Đến nay, doanh nghiệp còn kiến nghị gửi NHNN phản ánh là không tiếp cận được vốn vay dù nằm trong đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chúng tôi chia sẻ với các TCTD về việc xuất hiện tình trạng này và đã có văn bản yêu cầu nghiêm túc thực hiện, nghiêm cấm để xảy ra trục lợi chính sách với khách hàng không đáp ứng được quy định tại Thông tư 01", ông Hùng dẫn chứng.

Cũng tại Hội nghị, khẳng định quan điểm của Thống đốc NHNN là ngân hàng không thiếu vốn miễn là doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, ông Hùng cho biết thêm, ngân hàng không thể cho vay khi đầu ra của doanh nghiệp gặp khó khăn, chưa chứng minh được hiệu quả của khoản vay. Thời điểm này, doanh nghiệp cần tiến hành sắp xếp, xác định hoạt động kinh doanh phù hợp với khả năng tài chính, từ đó có phương án kinh doanh hiệu quả. Nếu làm được như vậy thì chắc chắn ngân hàng sẽ cho vay.

Cũng theo vị lãnh đạo này, NHNN mong muốn nhận được các phản ánh tiêu cực, gây khó khăn của TCTD trong triển khai Thông tư 01 (về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19) để xử lý làm gương.

Liên quan đến tài sản đảm bảo, cũng theo đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây là một trong những loại hình doanh nghiệp được ưu tiên, vay lãi suất thấp. Song, doanh nghiệp cũng cần phải có phương án kinh doanh khả thi và ngân hàng kiểm soát được dòng tiền thì khi vay, doanh nghiệp có thể thiếu tài sản đảm bảo.

"Có 1 người nhưng thành lập 10 doanh nghiệp thì cho vay thế nào? Doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn khó khăn nhưng cũng phải chia sẻ với ngân hàng vì ngân hàng cho vay cũng phải thu hồi được nợ, kiểm soát được dòng tiền", ông Nguyễn Quốc Hùng thông tin.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục