Ngân hàng Nhà nước nói gì về kết quả tái cơ cấu?
Ngày 15/10/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Tại hội nghị, về kết quả cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến nay, về cơ bản, các phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của từng tổ chức tín dụng đã được phê duyệt.
Theo Ngân hàng Nhà nước, qua quá trình cơ cấu lại, sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng được giữ vững; năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng được củng cố, vốn điều lệ tăng dần.
Cùng đó, chất lượng quản trị điều hành của các tổ chức tín dụng từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế. Cơ cấu tổ chức bộ máy kiểm tra, giám sát ở tất cả các cấp từng bước được kiện toàn. Chức năng giám sát của hội đồng quản trị/hội đồng thành viên được tách bạch với chức năng quản lý của ban điều hành.
Tại các tổ chức tín dụng, hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động được chú trọng, tăng cường. Việc phân cấp, ủy quyền được thực hiện minh bạch. Công tác quản trị rủi ro tập trung vào các rủi ro trọng yếu bước đầu đem lại hiệu quả, chiến lược kinh doanh bước đầu phù hợp với văn hóa rủi ro và khẩu vị rủi ro; vai trò kiểm tra, đánh giá độc lập của ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ được phát huy, coi trọng.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng từng bước được cải thiện. Tính minh bạch trong hoạt động tín dụng cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (theo Thông tư số 02) của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được duy trì dưới mức 2% (đến 31/8/2019 là 1,98%).
“Thực tế triển khai cho thấy Nghị quyết 42 đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tíndụng trước đây”, Ngân hàng Nhà nước đánh giá.
Cơ quan này cũng cho biết, lũy kế từ 15/8/2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến 31/8/2019, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 236,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42. Tính trung bình từ 15/8/2017 đến 31/8/2019, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 9,6 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 4,7 nghìn tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.
“Kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 cho thấy ý thức trả nợ của khách hàng đã được cải thiện một bước quan trọng. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Nghị quyết 42 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng”, Ngân hàng Nhà nước nhìn lại.