Ngân hàng ở TP.HCM vừa tạo kỷ lục từ tăng trưởng tín dụng 2 chữ số, sản xuất kinh doanh đón nhận tin vui
Tính đến cuối tháng 4/2025, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM đạt 4.046 nghìn tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên, kết quả đạt hơn 4 triệu tỷ đồng, theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 2.

Nhận định về kết quả này, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 2 cho rằng kỷ lục vừa tạo lập đã phản ánh tín hiệu tích cực từ nội lực của nền kinh tế cũng như hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tốc độ tăng 12,78% trong 4 tháng qua vượt trội so với mức tăng trong 4 tháng đầu năm 2023 (là 1,72%) và 4 tháng đầu năm 2024 (1,31%).
Ông Lệnh cho rằng chính sách tín dụng phù hợp, linh hoạt, lãi suất thấp đã và đang hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Hiệu quả chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất đã phát huy và tác động tích cực.
Phân tích về lĩnh vực cho thấy dòng vốn tín dụng ngân hàng của TP.HCM 4 tháng qua tiếp tục hướng đến khu vực sản xuất kinh doanh, tiêu biểu là các nhóm ngành dịch vụ chủ lực, một trong những động lực tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Tín dụng ngân hàng trên địa bàn TP.HCM trong 4 tháng đầu năm 2025 đã phát huy tác dụng thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ảnh TL
Tín dụng riêng đối với 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu (có đóng góp hơn 60% vào GRDP của TP.HCM) đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm, chiếm 35,4% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn. Kết quả này cao hơn 3,6% so với cuối năm 2024.
Chín nhóm ngành dịch vụ chủ yếu này gồm thương mại, du lịch, truyền thông, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục, tài chính, và nghệ thuật - giải trí.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam tính đến giữa tháng 4/2024 đạt hơn 16,23 triệu tỷ đồng, tăng 3,95% so với cuối năm 2024. So sánh với báo cáo này cho thất dư nợ tín dụng riêng địa bàn TP.HCM chiếm khoảng 1/4 cả nước.