Ngành xây dựng vẫn chưa thoát gam màu xám

Quốc Hải Thứ ba, ngày 07/11/2023 12:17 PM (GMT+7)
Quý III/2023 tiếp tục là một quý buồn đối với ngành xây dựng Việt Nam, khi phần nhiều doanh nghiệp vẫn chìm trong khó khăn, lợi nhuận suy giảm, nợ vay vẫn cao.
Bình luận 0

Mùa báo cáo tài chính quý III đã ngã ngũ, kết quả cho thấy gam màu xám vẫn đang bao trùm bức tranh chung ngành xây dựng khi chưa có sự đột phá nào của các doanh nghiệp (DN) xây dựng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.

Ngành xây dựng vẫn chưa thoát gam màu xám - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp ngành xây dựng vẫn chưa thoát gam màu xám trong quý III/2023. Ảnh: Quốc Hải

"Bão" vẫn chưa tan

Tại Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC), trong quý III/2023 doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.893 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước và khoản lỗ sau thuế hơn 170 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi 5,5 tỷ đồng. Đây là quý lỗ thứ tư liên tiếp của Xây dựng Hòa Bình.

Lũy kế 9 tháng năm 2023, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.356 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế gần 884 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi 62 tỷ đồng.

Với việc lỗ thêm 884 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2023, tổng số lỗ lũy kế của Xây dựng Hòa Bình tại ngày 30/9/2023 lên tới 2.980 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tăng cũng khiến cho vốn chủ sở hữu của Hòa Bình giảm 71% so với đầu năm còn 352,3 tỷ đồng. Đồng thời, lỗ lũy kế của công ty đã vượt mức vốn điều lệ (2.741 tỷ đồng).

Không khó như "ông lớn" Xây dựng Hòa Bình, một số doanh nghiệp ngành xây dựng khác ghi nhận có lãi trong quý III nhưng mức lãi chỉ "mỏng như cánh ve".

Chẳng hạn, tại Công ty CP Hưng Thịnh Incons (HoSE: HTN), lợi nhuận quý III/2023 còn vỏn vẹn 1,2 tỷ đồng, giảm 64,7% so với cùng kỳ và giảm tới 97,5% so với quý trước đó. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của công ty đạt 2.446 tỷ đồng, giảm 42,4% so với cùng kỳ, lãi sau thuế gần 27 tỷ đồng, giảm 79,7%.

"DN xây dựng, bất động sản hầu hết khó khăn do nợ nần chồng chất không thu hồi được nợ và khó có khả năng trả nợ trái phiếu. Sự đóng băng của thị trường bất động sản làm cho các doanh nghiệp xây dựng không có đơn hàng, kinh doanh đình đốn.

Do không có vốn kinh doanh nên việc tiếp cận dự án đầu tư công khó khả thi, kết quả là hàng loạt đơn vị xây dựng, bất động sản nhỏ lâm vào tình trạng phá sản", báo cáo của Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) về tình hình các doanh nghiệp thành viên trong tháng 10/2023.

Hoặc, tại Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex; HoSE: VCG) trong quý III/2023 khi nhận mức lãi sau thuế đạt 27,5 tỷ đồng, giảm hơn 89% so với cùng kỳ và giảm gần 79% so với quý II.

Lũy kế 9 tháng, công ty đạt doanh thu thuần 8.915 tỷ đồng, tăng 33% so với 9 tháng năm 2022 nhưng lãi sau thuế lại giảm 79%, xuống 205 tỷ đồng. Với kết quả này, công ty mới thực hiện được 54,6% kế hoạch doanh thu và 23,8% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Tổng Công ty Xây dựng Số 1 - CTCP (UpCOM: CC1) kết thúc quý III/2023 với khoản lãi trước thuế 24 tỷ đồng, tăng 50%, lãi sau thuế 18 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế 9 tháng, CC1 có lãi trước thuế đạt 56 tỷ đồng, tăng 5%. Tuy nhiên, sau khi khấu trừ thuế, lãi của CC1 chỉ còn 37 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngành xây dựng vẫn chưa thoát gam màu xám - Ảnh 3.

Trong quý vừa qua, Coteccons có kết quả kinh doanh khả quan so với các DN cùng ngành xây dựng khác. Ảnh: Quốc Hải

Một số doanh nghiệp khác ghi nhận kết quả kinh doanh có phần khả quan hơn, chẳng hạn tại Fecon (HoSE: FCN), trong quý III/2023, doanh thu thuần của công ty đạt 547 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận gộp đạt 80 tỷ đồng, giảm 20%.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của FCN đạt 1.830 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Do giá vốn được cải thiện mạnh, lợi nhuận gộp tăng 11%, đạt 328 tỷ đồng. Khấu trừ các loại chi phí, FCN có lợi nhuận trước thuế 7 tỷ đồng, giảm 48%, lợi nhuận sau thuế 1,5 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2022.

Cá biệt, Công ty CP Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) trong quý đầu tiên của năm tài chính 2024 (1/7/2023 đến 30/6/2024) lại tiếp tục có những khởi sắc hơn so với quý liền trước và cùng kỳ năm 2022 nhờ chủ yếu cắt giảm chi phí dự phòng qua đó giảm mạnh chi phí quản lý doanh nghiệp.

Cụ thể, trong quý vừa qua, "ông lớn" Coteccons ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.124 tỷ đồng, tăng 1.010 tỷ đồng, tương đương tăng 32,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 66,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ sau thuế 3,5 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 26 tỷ đồng, trong đó chi phí dự phòng giảm 21 tỷ đồng.

DN "thắt lưng buộc bụng", bán tài sản để vượt qua khó khăn

Nhìn vào BCTC quý III/2023 của các DN ngành xây dựng, có thể thấy các DN đang "thắt lưng buộc bụng" hết mức để vượt qua khó khăn.

Tại Fecon (HoSE: FCN), trong bối cảnh kinh tế khó khăn, trong quý III/2023 DN này đã nỗ lực tiết giảm hàng loạt khoản chi phí như chi phí tài chính giảm 20% còn 45 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm 49% còn 3,5 tỷ đồng, hay chi phí quản lý giảm 12% còn 45 tỷ đồng… Đáng lưu ý, chi phí lãi vay của FCN vẫn ở mức cao, chiếm tới 43,7 tỷ đồng.

Tương tự, tại Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD), trong quý DN đã nỗ lực tiết giảm các khoản chi phí phát sinh. Theo đó, chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) giảm 26% và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm gần 20%.

Tại Hưng Thịnh Incons (HoSE: HTN), trong quý III/2023 DN này tiếp tục triển khai tái cấu trúc theo hướng tinh gọn, tối ưu hóa chi phí đồng thời phát huy tối đa năng lực đội ngũ nhân sự. Chi phí quản lý doanh nghiệp tiếp tục giảm so với quý trước. Cụ thể, chi phí tài chính và chi phí quản lý được tiết giảm xuống lần lượt là 37,5 tỷ đồng (giảm 40%) và 12,4 tỷ đồng (giảm 62,4%)

Tính chung 9 tháng năm 2023, công ty tiết giảm 52,36% chi phí quản lý doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2022.

Còn tại "ông lớn" Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC), khoản mục chi phí bán hàng trong quý III/2023 cũng được tiết giảm 19,4% xuống 7,9 tỷ đồng và chi phí quản lý giảm một nửa, còn 78,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngoài việc tiết giảm các chi phí để kiếm lợi nhuận, một vấn đề đáng lo ở nhiều DN ngành xây dựng là khối nợ vay vẫn còn rất lớn, ở một số DN khoản nợ vay còn đang có dấu hiệu phình to ra. Chẳng hạn, tại Fecon (HoSE: FCN), tính hết quý III, khoản nợ vay ngắn hạn đã tăng lên 1.971,2 tỷ đồng, tăng 11,6% so với thời điểm đầu năm. Nợ vay dài hạn giảm nhẹ xuống còn 904 tỷ đồng. Tổng nợ vay dài hạn và ngắn hạn là 2.875,2 tỷ đồng, tăng 467 tỷ đồng so với đầu năm.

Nợ vay tăng mạnh cũng kéo theo chi phí lãi vay gia tăng, gây áp lực lên lợi nhuận gộp của Fecon. Theo đó, kết thúc quý III, chi phí lãi vay đã lên tới 180,7 tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ.

Hoặc tại Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC), DN này cũng đang đối mặt với áp lực nợ vay lớn. Tại ngày 30/9, tổng nợ vay tài chính ở mức 5.150 tỷ đồng, gấp gần 15 lần vốn chủ sở hữu. Đặc biệt, khoản phải thu ngắn hạn là 8.857 tỷ đồng, chiếm 75% tổng tài sản ngắn hạn.

Trong đó, hơn 5.293 tỷ đồng phải thu từ khách hàng, 3.659 tỷ đồng phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng. Doanh nghiệp phải trích lập hơn 2.500 tỷ đồng cho khoản phải thu ngắn hạn khó đòi.

Trước đó, HBC có kế hoạch chuyển nhượng 100% vốn tại công ty con là công ty TNHH Máy Xây dựng Matec cho Ashita Group, dự kiến thu về 1.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch này hiện đã bị hủy bỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem