Nghệ An: 158 hộ dân sống khổ bên nhà máy xi măng sông Lam

Cảnh Thắng Thứ ba, ngày 20/11/2018 13:57 PM (GMT+7)
2 năm nay, kể từ khi Nhà máy xi măng Sông Lam (đóng tại xã Bài Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) đi vào hoạt động, nhiều hộ dân nơi đây phải thường xuyên đóng kín cửa nhà vì ô nhiễm môi trường trầm trọng, gần 160 hộ dân thuộc diện di dời bị nhà máy này đang “bỏ quên”.
Bình luận 0

Đi không được, ở không xong

Chúng tôi gặp chị Hoàng Thị Sáu (45 tuổi, xóm Đô Sơn, xã Bài Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An), khi chị đang lỉnh kỉnh chất đồ quần áo vừa giặt lên xe chở qua nhà người thân ở xóm khác để phơi. Căn nhà chị Sáu nằm ngay cạnh Nhà máy xi măng Sông Lam, nhưng vì bụi, chị chẳng dám phơi ở nhà. “Áo trắng của con đi học, nếu có gió lớn, chỉ phơi ở ngoài trời một lúc là đổi thành màu nâu”, chị Sáu lắc đầu ngao ngán.

img

 Mặc dù trong báo cáo ĐTM những hộ dân cách hàng rào nhà máy 600 mét sẽ di dời nhưng nhà bà Toàn hiện chỉ cách vài mét. Ảnh: Cảnh Thắng

Chị Sáu là một trong 158 hộ dân ở xã Bài Sơn nằm trong khoảng cách 600 mét kể từ phạm vi bờ rào nhà máy xi măng vẫn còn bị “mắc kẹt”. Hàng ngày phải đối diện với tiếng ồn, bụi bẩn…

Theo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt vào tháng 2.2016, đối tượng chịu tác động của dự án nằm trong phạm vi bán kính cách lò nung của nhà máy 900 mét, tức cách hàng rào công trình 600 mét. Theo khoảng cách này thì có gần 200 dân sẽ phải di dời để triển khai dự án. Nhưng không hiểu vì sao chỉ có 32 hộ được di dời. 158 hộ còn lại bỗng dưng bị chủ đầu tư "bỏ quên".

Căn nhà của chị Sáu chỉ cách hàng rào nhà máy này một con đường rộng khoảng 3 mét. Mặt bằng nhà máy gần đây được đổ đất cao hơn 5 mét so với nhà dân, chị Sáu kể rằng, mỗi lần mưa lớn, bùn đất từ hàng rào chảy ùn ùn vào nhà chị.

“Có khi ngủ dậy đã thấy bùn đất chất thành đống cao. Nước ngấm xuống giếng chẳng thể sinh hoạt được”, chị Sáu kể. 

img

Có đến 158 hộ dân ở xóm Đô Sơn nằm trong bán kính 600 mét kể từ hàng rào. Ảnh: Cảnh Thắng

Cùng cảnh ngộ với chị Sáu, chị Hoàng Thị Toàn (47 tuổi, xóm Đô Sơn), nói rằng, gia đình đang rất mong muốn được di dời. 

“Không chỉ bụi bẩn, nhà máy này hoạt động cả ngày lẫn đêm. Lúc nào bên tai cũng nghe tiếng ầm ầm của các tổ máy, không thể chịu nổi nữa”, chị Toàn nói.

Không chỉ ở Đô Sơn, khoảng 50 hộ dân xóm Thái Sơn, xã Bài Sơn phải chịu những đợt rung lắc, thậm chí trước đây còn có hiện tượng đá bắn vào nhà dân mỗi lần công ty nổ mìn khai thác đá vì các hộ dân này sinh sống chỉ cách mỏ đá nguyên liệu Nhà máy Xi măng Sông Lam vài trăm mét.

Nhiều lần kiến nghị

Trước ý kiến bức xúc của người dân, tháng 10.2017, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An đã thành lập đoàn kiểm tra. Sau kiểm tra, cơ quan chức năng mới phát hiện không chỉ có 32 hộ dân nằm trong bán kính 600 mét kể từ bờ rào nhà máy mà còn có đến 158 hộ khác.

Trước đó, cuối tháng 4.2018, Sở Tài nguyên và Môi trường sau khi đi thực tế đã yêu cầu nhà máy tăng cường các biện pháp giảm âm, hạn chế tiếng ồn vào ban đêm để tránh ảnh hưởng người dân. Đẩy nhanh tiến độ lắp đặt hệ thống, thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục và truyền số liệu quan trắc về Sở để theo dõi.

Được biết, từ đầu năm 2018, Sở TNMT Nghệ An đã có 2 công văn, xin ý kiến Bộ Tài nguyên Môi trường về việc di dời các hộ dân này ra khỏi vùng bị ảnh hưởng. Cụ thể, ngày 3.4.2018, Sở TN&MT đã gửi Công văn 1629 kèm theo danh sách các hộ và thửa đất nằm trong vùng ảnh hưởng do huyện Đô Lương rà soát xin ý kiến của Bộ TN&MT để di dời các hộ dân này ra khỏi vùng bị ảnh hưởng bởi Nhà máy Xi măng Sông Lam. Ngày 23.5.2018, Sở TNMT tiếp tục gửi Công văn 2758 để xin ý kiến chỉ đạo đối với khoảng cách và số hộ dân cần thiết phải di dời do tác động môi trường của nhà máy. 

img

Nhà máy xi măng Sông Lam đi vào hoạt động 2 năm nay nhưng những nhà dân sống ở gần nhà máy vẫn chưa được di dời. Ảnh: Cảnh Thắng

Mới đây nhất, tại buổi làm việc với Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An vào sáng ngày 4.9.2018, UBND huyện Đô Lương cũng đã kiến nghị việc cần sớm di dời 158 hộ dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng môi trường do Nhà máy xi măng Sông Lam.

Nói về việc di dời 158 hộ dân này, ông Nguyễn Hữu Quang – Chủ tịch UBND xã Bài Sơn cho rằng rất khó triển khai. “Thứ nhất hiện tại xã không còn quỹ đất để bố trí tái định cư. Thứ 2 để di dời số hộ này ít nhất cũng phải cần kinh phí trên 200 tỷ đồng” - ông Quang nói và cho biết thêm rằng chủ dự án khi đánh giá tác động môi trường đã không hề tham khảo ý kiến hay phối hợp với địa phương.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về sự việc...

Theo tài liệu của phóng viên, mặc dù đã hoạt động 2 năm nay nhưng nhà máy này vẫn chưa chịu bồi thường đất nông nghiệp cho 10 dân với tổng số tiền hơn 730 triệu đồng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem